30 bức ảnh Phong cảnh vào chung kết Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 là 30 hình ảnh khác nhau về quê hương, đất nước Việt Nam. Trong số đó, có những bức ảnh gây ấn tượng với người xem bởi góc máy thú vị.
"Vươn tới tầm cao" - Nguyễn Thanh Vân
Bức ảnh được chụp ngày 25/10 - chỉ hai ngày trước khi Ban tổ chức ngừng nhận bài dự thi. Tác giả Nguyễn Thanh Vân cho biết, anh muốn gửi tới cuộc thi hình ảnh biểu trưng TP HCM - đô thị hiện đại, ngày một tiến nhanh trên đường hội nhập. Bức ảnh chụp góc trung tâm tài chính của TP HCM, nhìn từ cao ốc M&C.
Để chụp bức ảnh Vươn tới tầm cao, anh đã phải đi bộ với túi máy ảnh và phụ kiện gần 9 kg, lên tới tầng 25 của tòa nhà, do lúc này thang máy hỏng. Thấy góc chụp ở tầng 25 vẫn chưa đủ ấn tượng, anh tiếp tục chạy bộ lên tầng 30 trước khi trời chuyển sang tối hẳn.
Ảnh được chụp vào khoảng 6h tối, với các thông số: tiêu cự 13, khẩu độ f/11, tốc độ 15s, ISO:250. Tác giả chia sẻ, do trời tối rất nhanh, để rõ được chi tiết anh phải để tốc độ chụp chậm 15s.
Niềm đam mê nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Vân khởi nguồn từ ba anh, người có sở thích sưu tầm hình về phong cảnh và kiến trúc đẹp từ báo chí. "Ông đã truyền cảm hứng cho tôi thích mỹ thuật và kiến trúc (sau này là một ngành tôi học ở đại học). Dần dần, tôi nhận ra rằng nhu cầu ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, con người, các kiến trúc đẹp ở nơi tôi sống hay những nơi từng đi qua là không thể thiếu trong đời tôi. Càng chụp nhiều, tôi lại càng mong muốn chia sẻ nhiều hơn với mọi người", tác giả nói. Bức ảnh được anh đặt tên Vươn tới tầm cao, thể hiện ý nghĩa mỗi con người đều mong muốn vươn tới tầm cao.
"Sài Gòn bừng sáng" - Hồ Như Ý
Chọn vị trí đứng là một cao ốc 44 tầng nhưng tác giả Như Ý lại mang đến hình ảnh ấn tượng khác về TP HCM. Bức ảnh được chụp từ độ cao khoảng 195m, trên nóc tòa nhà 44 tầng, sử dụng ống kính fisheye 16mm, khẩu độ f/8, tốc 15s với máy ảnh Nikon D800. "Việc sử dụng ống kính fisheye cùng độ cao tạo ra hiệu ứng hình cầu lạ mắt. Chủ thể của bức ảnh là ánh đèn bừng sáng từ Đại lộ Đông Tây - một con đường đẹp uốn lượn dọc theo bến Chương Dương, đây cũng là một trong những điểm nhấn của TP HCM", tác giả chia sẻ.
Cũng theo tác giả, thông thường giờ "vàng" của anh em nhiếp ảnh hay chụp phơi sáng là tầm 6h - 6h30, khi trời còn sáng và khung cảnh thành phố chưa tối hẳn. Tuy nhiên anh chọn khoảng thời gian tối hơn để chụp tấm này - khoảng 7h. "Lúc này bầu trời tối hẳn và tất cả đường phố nhà cửa đều lên đèn làm cho khung cảnh trở nên bừng sáng trong đêm tối, các con đường với ánh đèn xe di chuyển như dòng nham thạch vàng chảy nóng hổi trong lòng thành phố", tác giả chia sẻ.
Tác giả cho biết, khó khăn khi chụp ảnh phơi sáng từ trên cao là vị trí đứng chụp. "Không phải ai cũng có thể lên được các tầng cao của công trình vì sự an toàn cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật của toà nhà cũng như cho chính mình. Trong trường hợp chụp tấm ảnh này lại càng nguy hiểm khi toà nhà vẫn đang trong tình trạng thi công chưa hoàn thiện", anh Ý nói. Để lên được vị trí như vậy, anh đã phải tận dụng nhiều nguồn hỗ trợ từ bạn bè, người thân quen, thậm chí tìm cách làm quen với bảo vệ công trường. Anh Ý cho biết, với niềm đam mê nhiếp ảnh, mọi khó khăn đều không thể cản trở được anh
"Mùa no ấm" - Đinh Công Thủy
Trong khi hai tác phẩm trên đều thể hiện hình ảnh của một đô thị hiện ảnh, Mùa no ấm của Đinh Công Thủy lại gợi lên cảnh sắc thanh bình của miền núi phía Bắc. Bức ảnh được chụp tại thôn Khuổi My, xã Phương Độ, Hà Giang, khi tác giả đi thực tế sáng tác tại đây.
"Chiều 25/9/2014, tôi đến Khuổi My. Ngợp mắt là những thửa ruộng bậc thang rực màu lúa chín. Tôi bấm máy khá nhiều, đủ các góc máy nhưng vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó khiến những bức ảnh tẻ nhạt và đơn điệu. Tôi quyết định bỏ xe máy cạnh đường, cùng anh bạn đi bộ, leo lên một triền núi khá cao hòng tìm kiếm một đại cảnh những thửa ruộng bậc thang. Chỉ sau khoảng 30 phút, đến lưng chừng núi, tôi sững sờ khi bắt gặp hình ảnh tuyệt đẹp. Một ngôi nhà lá nằm giữa những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng óng. Một con đường nhỏ lượn vòng hình trái tim. Tất cả toát lên một vẻ đẹp cực kỳ thanh bình và no ấm khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện cổ tích, khi mà thóc lúa như có chân tự đi về nhà. Tôi dùng tripod (chân máy ảnh), gá máy và bấm khá nhiều cùng một góc máy. Và Mùa no ấm ra đời", Đinh Công Thủy kể.
Tác giả cho biết, bức ảnh của anh được chụp với thân máy Nikon D90, ống kính đa dụng Nikkor 18-300mm, ISO 200, chế độ chụp A, khẩu độ f/11. "Tôi chỉ dùng phần mềm chỉnh sửa tăng nhẹ màu sắc tổng thể rồi crop lại. Ngoài ra tôi không can thiệp bất kỳ kỹ xảo nào để tạo hiệu ứng cho bức ảnh. Thực tế, ảnh gốc và ảnh đã được chỉnh sửa không khác nhau là mấy", Đinh Công Thủy nói.
"Non nước hữu tình" - Đỗ Tuyết Trinh
Bức ảnh chụp Tam Cốc - Bích Động vào một ngày cuối tháng 5 năm nay. Tác giả chia sẻ, khi tới đây chị hạ quyết tâm chinh phục góc chụp đẹp và khó nhất. "Theo chỉ dẫn của người dân, tôi dừng thuyền ở một lối rẽ từ sông Ngô Đồng vào ruộng và lội qua rất nhiều thửa ruộng cùng một con mương không biết nước sâu bao nhiêu. Với một người sinh ra và lớn lên ở thành thị như tôi thì đây là một thử thách lớn vì phải chân trần lội ruộng, lội mương, trong lòng luôn nơm nớp lo đỉa bám hay giẫm phải mảnh vỡ", chị Trinh chia sẻ.
Hành trình tiếp tục với việc leo lên một chiếc hang hẹp, dốc đứng và đã trở nên trơn trượt sau cơn mưa đêm trước. "Người bạn đồng hành sau khi rất vất vả leo lên miệng hang thì khuyên tôi đưa máy ảnh để anh ấy chụp hộ vì cho rằng phụ nữ không thể leo lên được. Nếu đưa máy cho người khác chụp hộ thì còn ý nghĩa gì nữa? Và tôi biết rằng đây là một thử thách mà tôi phải vượt qua. Sau rất nhiều trơn trượt và đu bám, với sự trợ giúp của bạn đồng hành, cuối cùng tôi cũng leo lên đến miệng hang. Tôi cảm thấy như đã vượt qua chính mình", tác giả kể.
Lên đến cửa hang, chị tiếp tục chân trần vượt qua những lớp đá vôi sắc nhọn đâm lên tua tủa, trong cái nắng gắt gao. "Cuối cùng, sau rất nhiều bước kim châm (theo nghĩa đen), chúng tôi đã lên được đến điểm cao nhất của quả núi, nơi tôi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp vừa nên thơ vừa hùng vĩ của con sông Ngô Đồng uốn lượn như dải lụa mềm giữa những thửa ruộng đang bắt đầu vào vụ gặt. Những dãy núi đá vôi nhấp nhô hai bên như bức thành đồng che chắn cho những thửa ruộng và dòng sông hiền hòa đón đưa những chiếc thuyền của du khách ghé thăm. Và tôi hiểu rằng những thử thách tôi vừa trải qua đã được đền bù xứng đáng. Tam Cốc - Bích Động thật không hổ danh là một Hạ Long trên cạn".
Chị Trinh chia sẻ, chị chọn thời điểm chụp khi Tam Cốc - Bích Động bước vào vụ gặt vì muốn ghi lại vẻ đẹp đa sắc của những thửa ruộng tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc nhằm nêu bật nét độc đáo của khung cảnh nơi đây. Bức ảnh được chụp với máy ảnh Canon 5D Mark II và ống kính EF24-70mm f/2.8L USM. "Do lúc đó nắng đã lên nên tôi đặt ISO ở mức vừa phải là 160 và để có được bức ảnh phong cảnh nét sâu nhằm thấy được các thửa ruộng đang vào vụ gặt, tôi lấy khẩu độ f/11. Thường thì với góc chụp này, các nhiếp ảnh gia sẽ lựa chọn ống kính góc rộng nhất có thể để lấy được bức tranh toàn cảnh của núi và sông. Tuy nhiên, tôi lựa chọn tiêu cự 30mm thay vì tiêu cự rộng nhất là 24mm vì muốn cắt bớt phần núi và nhấn mạnh vào con sông Ngô Đồng uốn lượn như dải lụa mềm đón đưa du khách và sự biến hóa màu sắc giữa các thửa ruộng, tạo ra bức tranh sống động của một vùng quê 'non nước hữu tình'", tác giả Đỗ Tuyết Trinh chia sẻ.
Ngoài bốn tác phẩm trên, Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 còn chọn được vào vòng chung kết nhiều hình ảnh ấn tượng khác từ hai thể loại ảnh Phong cảnh và Khoảnh khắc Cuộc sống. Ban giám khảo đang làm việc để chọn ra 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba (chia đều cho hai thể loại) với tổng giá trị giải thưởng lên đến 500 triệu đồng. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 14h ngày 26/11 tại Trung tâm Hội nghị White Palace ở TP HCM.
Cuộc thi có sự tài trợ của Công ty du lịch TransViet Travel, Công ty Schmidt Marketing, Hệ thống đặt phòng trực tuyến iVIVU.com.
Song Ngư