Thực hiện phẫu thuật là êkip bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Từ Dũ và Chợ Rẫy, TP HCM. Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Phạm Viết Thanh cho biết, bào thai đã khiến sản phụ L.T.L bị xuất huyết nội tạng trước khi phẫu thuật. Bào thai là một bé gái, cũng chết ngay sau khi được tách nhau.
"Mọi biện pháp cầm máu trong phẫu thuật đều vô nghĩa vì thai quá lớn, lại nằm gần khu vực có nhiều mạch máu của gan", bác sĩ Thanh giải thích.
Thai chiếm trọn gan phải bệnh nhân. Ảnh phim Medic. |
Theo hồ sơ bệnh án, ngày 13/6, do tắc kinh và đau bụng cấp nên chị L. được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Chị được chẩn đoán có thai ngoài tử cung và tiến hành mổ khẩn cấp. Sau mổ, bệnh nhân thấy đau âm ỉ ở bụng nhưng không đi khám. Đến ngày 27/8, do đau tức liên tục ở hạ sườn phải, chị L. đến bệnh viện siêu âm và phát hiện, thai vẫn tồn tại trong ổ bụng. Bệnh viện chuyển chị lên Từ Dũ.
Qua chụp CT, bệnh viện phát hiện một thai nhi còn sống trong gan phải. Khối thai lớn, chiếm toàn bộ gan, đẩy thận lệch xuống dưới. Ảnh chụp sơ đồ mạch máu cho thấy bánh nhau dày 47 mm xâm lấn toàn bộ gan phải và có mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch gan.
Ảnh chụp ngang cho thấy thai ngồi như trong tử cung. Ảnh: Medic. |
Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, thai trong gan là trường hợp rất hiếm. "Cứ 10.000 ca thai ngoài tử cung mới có 1 ca trong gan nên ngay cả các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm cũng khó ngờ thai có thể tồn tại một vị trí như thế", bác sĩ Thanh nói.
Còn theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa Medic, thành viên êkip chẩn đoán cho biết, nếu được nội soi phần bụng trước 2 tháng và phát hiện thai trong gan, khả năng cứu sống sản phụ sẽ cao hơn.
Việt Nam đã có 3 ca thai trong gan. Trong đó, 2 ca trước phát hiện tại Huế và TP HCM, sản phụ được cứu sống do phát hiện sớm.
Năm 2003, một thai nhi người Nam Phi đã lớn lên trong gan mẹ đến lúc ra đời, song, đây là trường hợp may mắn đầu tiên và duy nhất.
Thiên Chương