Theo Financial Times, nhu cầu về điện của Kazakhstan đã tăng khoảng 8% kể từ đầu năm, vượt mức tăng trung bình 2% các năm trước. Các quan chức nước này cho biết nguyên nhân chính là do sự nhập cư ồ ạt của các giàn khai thác Bitcoin từ Trung Quốc.
Cụ thể, ước tính có khoảng gần 88.000 máy đào Bitcoin với "sức mạnh chuyên sâu" đã được gửi từ Trung Quốc sang đây sau khi Bắc Kinh ra lệnh loại bỏ các hoạt động khai thác tiền số từ tháng 5. Tháng trước, ba nhà máy nhiệt điện quan trọng của Kazakhstan đã phải ngừng khẩn cấp do quá tải.
Số liệu từ Đại học Cambridge cho thấy, sau khi Trung Quốc rút khỏi danh sách những khu vực khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, Mỹ đã vươn lên dẫn đầu và Kazakhstan đứng thứ hai tính theo tỷ lệ băm (hashrate) - chỉ số năng lực khai thác tiền điện tử. Tỷ lệ băm tại Kazakhstan tăng từ 8,8% vào tháng 6 lên 18,1% ở hiện tại.
Trước sự cố thiếu điện, Bộ Năng lượng Kazakhstan ban đầu dự kiến hạn chế các trang trại khai thác Bitcoin mới sử dụng hơn 100 megawatt (MW) trong vòng hai năm. Tuy nhiên, nước này sau đó đã lùi lại giới hạn đối với những khu mỏ hợp pháp, theo Coindesk.
Để hạn chế tình trạng khủng hoảng năng lượng, công ty Điều hành Lưới điện Kazakhstan (KEGOC) cảnh báo họ chỉ phân bổ nguồn điện cho các công ty khai thác Bitcoin đã đăng ký với chính phủ. Tổ chức này hiện phân loại các tổ chức về Bitcoin thành "thợ đào xám" - những người chưa đăng ký với chính phủ và "thợ đào trắng" - người đã đăng ký.
KEGOC quy kết những "thợ đào xám" đã sử dụng hơn 1.200 MW điện mỗi năm từ điện lưới mà không xin phép. Kể từ 2022, chính phủ nước này sẽ yêu cầu nhóm người này trả tiền, với mức phí khoảng 0,0023 USD cho mỗi kWh.
Trước khủng hoảng điện, Kazakhstan phải dựa vào nguồn năng lượng từ nước ngoài, trong đó có công ty Inter RAO của Nga. Cả hai đã đạt thoả thuận vào đầu tháng 11 để cung cấp năng lượng cho người dân vào mùa đông. Bên cạnh đó, Fortune dẫn lời Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết nước này có thể "không còn lựa chọn nào khác" ngoài giải pháp tìm đến năng lượng hạt nhân để duy trì hoạt động thường nhật, trong đó có một phần là khai thác tiền số.
Đối với các thợ đào Bitcoin, một số cũng đã buộc phải ngừng hoạt động các cỗ máy đào. Didar Bekbau, CEO công ty khai thác tiền số Xive, cho biết đã ngừng 2.500 máy đào vì thiếu điện. Một số đơn vị nhỏ hơn cũng làm điều tương tự.
Việc thiếu hụt năng lượng do khai thác Bitcoin không chỉ xảy ra tại Kazakhstan. Hồi tháng 5, Iran cấm khai thác tiền điện tử trong bốn tháng để ngăn tình trạng mất điện thường xuyên tại quốc gia này.
Bảo Lâm (theo The Verge)