Trước đó, cu cậu có nhiều lựa chọn du học cấp ba với các suất học bổng và lời mời hấp dẫn từ Mỹ, Anh và Phần Lan. Không dễ dàng để quyết định, khi chọn nơi du học luôn là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, và mỗi quốc gia có những ưu điểm riêng. Nhưng rồi, Phần Lan là lựa chọn cuối cùng.
Tôi hiểu, đằng sau giấc mơ này là tình yêu tự nhiên của một đứa trẻ dành cho đất nước và con người Phần Lan. Tình yêu đó nảy sinh từ những điều bình dị, từ niềm vui mỗi ngày đến trường, từ sự chăm sóc ấm áp như một người cha của thầy hiệu trưởng dành cho những học sinh ngoại quốc, từ sự tôn trọng tuyệt đối của các thầy cô với bản ngã vốn có của từng đứa trẻ, từ cuộc sống thanh bình hòa nhập với thiên nhiên nhưng luôn đủ đầy tiện nghi cả trong những vùng xa xôi hẻo lánh.
Dõi theo từng bước chân của con, và chứng kiến những điều tốt đẹp vượt cả kỳ vọng, nên tôi không ngạc nhiên khi biết, lại một lần nữa, Phần Lan được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất toàn cầu. Kết quả này ghi dấu sáu năm liên tiếp, Phần Lan đứng đầu trong danh sách hơn 150 quốc gia, theo "Báo cáo Hạnh phúc thế giới" dưới sự bảo trợ của tổ chức Sáng kiến toàn cầu Liên Hợp Quốc.
Hạnh phúc vốn khó đong đếm, mang đậm cảm tính cá nhân và tùy thuộc từng thời điểm. Để có kết quả khảo sát mang tính khoa học, báo cáo đã đánh giá sự hài lòng của người dân mỗi quốc gia và các số liệu kinh tế xã hội, thông qua sáu tiêu chí chính: sự hỗ trợ xã hội (social support), thu nhập bình quân trên đầu người (income per capita), sức khỏe và tuổi thọ trung bình (health), sự tự do (freedom), sự hào phóng của cộng đồng nơi mỗi người vì mọi người (generosity, where people look after each other), và không tham nhũng (absence of corruption).
Khó có nụ cười với một cái dạ dày lép, người dân đất nước Bắc Âu này có cuộc sống thịnh vượng và giàu có bậc nhất, mức bình đẳng thu nhập cao nhất giữa các tầng lớp xã hội, chế độ an sinh xã hội hào phóng, và nền giáo dục được coi là tốt nhất thế giới. Nhưng, sự thỏa mãn về vật chất đơn thuần cũng không mang lại hạnh phúc trọn vẹn. Nền tảng mang lại hạnh phúc cho Phần Lan, theo báo cáo, đến từ một nét đẹp riêng có, như lặn sâu vào gene di truyền của xã hội: sự hợp tác dựa trên lòng tin xã hội.
Đất nước Bắc Âu này là nơi có niềm tin vào cộng đồng cao nhất thế giới, ở đó, mỗi người dân luôn đặt lòng tin vào người khác, và cũng tự hào với sự khả tín của chính mình. Từng có một cuộc thử nghiệm những chiếc ví được cố tình đánh rơi ở 16 thành phố trên thế giới. Mỗi ví có 50 USD, thẻ mua hàng, ảnh gia đình, và danh thiếp có số điện thoại liên lạc. 11/12 chiếc ví tại Helsinki đã được quay về với chủ nhân, đưa nơi này thành "thành phố thật thà nhất thế giới".
Lòng tin của con tôi dành cho đất nước này cũng đến từ những trải nghiệm khó quên như vậy. Người bạn của cháu từng quên ví tại bến xe bus, trong đó có tiền, thẻ ngân hàng, và đặc biệt là tấm thẻ cư trú (một dạng visa của Phần Lan dành cho thời hạn lưu trú trên ba tháng). Cháu chỉ phát hiện mất ví và quay lại để tìm sau hai giờ đồng hồ. Tại bến xe bus có hai người bản địa đứng đó với chiếc ví giơ cao trên tay. Trong thời gian chờ đợi, họ đã cố gắng thông báo trên các mạng xã hội và tin rằng người mất sẽ sớm quay lại.
Lòng tin đã mang lại sự hợp tác như một điều tất yếu trong đời sống xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Nokia - tượng đài ngành viễn thông vang bóng một thời với những chiếc điện thoại di động bền, đẹp - từng là bà đỡ cho mỗi nhân viên khởi nghiệp. Từ năm 2011, sau nhiều nỗ lực nhưng không cứu vãn được mảng kinh doanh thiết bị di động, Nokia buộc phải sa thải hàng loạt nhân công trên toàn cầu. Không chỉ bồi thường thất nghiệp một cách hào phóng theo truyền thống Bắc Âu, Nokia còn lập một quỹ đầu tư mang tên Bridge Program trị giá 400 triệu USD, nhằm hỗ trợ những nhân viên bị mất việc. Ngân sách này được dùng để đào tạo nâng cao kỹ năng giúp nhân viên kiếm tìm công việc mới, và đặc biệt khuyến khích họ dấn thân khởi nghiệp. Mỗi nhân viên có những dự án khả thi được tài trợ tới 25.000 USD và còn được chia sẻ bản quyền công nghệ của Nokia. Khoảng 18.000 nhân viên toàn cầu đã được hưởng lợi từ chương trình, và hơn 1.000 doanh nghiệp startup được thành lập. Riêng tại Phần Lan, hơn 10% số nhân viên rời khỏi Nokia đã chọn con đường start-up. Không một doanh nghiệp nào trong số đó trở thành đối thủ cạnh tranh, mà có tới 45% trở thành đối tác của chính Nokia. Cùng nhau, họ đã tạo lên một hệ sinh thái, và giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới của Nokia trong mảng phần mềm và dịch vụ viễn thông.
Để có cuộc sống thịnh vượng với thu nhập bình quân đầu người cao, sẽ cần một thế hệ (20 năm) như bài học của Nhật Bản hay Hàn Quốc nếu có chính sách đúng đắn, nhưng sẽ ít nhất cần ba thế hệ để có xã hội hạnh phúc dựa trên chỉ số cao về lòng tin. Và tất cả sẽ được khởi đầu và bắt buộc bởi nền giáo dục phù hợp. Hạnh phúc của người Phần Lan hôm nay, hẳn chính là trái ngọt của một nền giáo dục khai phóng, mà ở đó mỗi học sinh được là chính mình, được lựa chọn con đường riêng để phát triển năng lực bản thân.
Tôi như thở phào biết rằng, ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới này, con trai tôi thoát khỏi áp lực thi cử, những buổi học thêm; thay vào đó là thời gian chơi thể thao, thưởng thức nghệ thuật hoặc khám phá thiên nhiên, để qua đó, con tự tin hòa nhập và sẵn sàng đón nhận một tương lai hạnh phúc.
Ngô Trọng Thanh