Tại tọa đàm Tái thiết di sản công nghiệp ở Hà Nội ngày 23/11, KTS Đinh Hải Yến, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết thành phố có 185 cơ sở công nghiệp có giá trị nhưng hiện chỉ còn lại 95. Trong đó, 6 cơ sở thành lập trước năm 1954; 36 cơ sở từ năm 1954 đến 1986; 42 từ năm 1986 đến 2015; 11 không có thông tin. Bia Hà Nội, Rượu Hà Nội, Điện Yên Phụ, Xe lửa Gia Lâm là các nhà máy được thành lập dưới thời Pháp thuộc (trước năm 1954).
Di sản công nghiệp là các nhà máy, công xưởng được xây dựng từ thời Pháp cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Một số công trình đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, được xem là hiện đại và đẹp nhất Hà Nội cũng như miền Bắc thời điểm được xây dựng.
"Các công trình nhìn chung đều có tiềm năng bảo tồn và tái sử dụng để nhắc nhở về một thời kỳ lịch sử", TS Đinh Hải Yến nói, đề nghị Hà Nội sớm xác lập bộ tiêu chí đánh giá và bảo tồn di sản công nghiệp thông qua nghiên cứu xã hội học và sự tham gia của cộng đồng.
KTS Vương Hải Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhận định nhiều di sản công nghiệp đã bị phá dỡ, được thay thế bởi những công trình mới như Nhà máy cơ khí Hà Nội, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Thuốc lá Thăng Long... Các công trình này đã bị chuyển đổi mục đích thương mại đơn thuần phục vụ nhà ở, giúp gia tăng quỹ đất ở song lại làm mất đi di sản một thời.
"Trên thế giới có nhiều hạng mục chuyển đổi, tái thiết để trở thành công trình hoặc không gian công cộng phục vụ người dân", ông Long nói, cho rằng di sản công nghiệp cần được xem là tài sản lớn trong việc kiến thiết đô thị ở Thủ đô.
Về giải pháp tái thiết di sản công nghiệp, TS Đinh Hải Yến đề xuất UBND TP Hà Nội ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc di dời công trình công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành. Đồng thời, thành phố xây dựng chế tài cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, người dân, các nhà đầu tư trong quản lý, sử dụng, chuyển đổi công trình có giá trị.
TS Yến cũng đề xuất thành phố đưa các công trình công nghiệp có giá trị vào Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang được thành phố lấy ý kiến cơ quan chức năng và người dân. Theo đó, các địa điểm có giá trị di sản được chuyển đổi sang chức năng sử dụng đất "phi nhà ở" như không gian văn hóa, sáng tạo, ưu tiên phục vụ công cộng, làm cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Ủng hộ chủ trương giữ lại, chuyển đổi công năng các di sản công nghiệp Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO Việt Nam, cho biết Công ước Di sản thế giới công nhận di sản công nghiệp là một loại hình di sản văn hóa. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam chưa đề cập khái niệm này khiến công tác quản lý và tái thiết công trình khó khăn. Do vậy, luật cần được sửa đổi để có thể phân loại, kiểm kê và đưa công trình có giá trị vào diện bảo tồn.
Trả lời báo chí trước lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (từ ngày 17/11 đến 31/12), ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết tháp nước Hàng Đậu được các chuyên gia, những người yêu Hà Nội coi là một trong những di sản công nghiệp quý giá cần bảo tồn và phát huy giá trị. Nhưng luật chưa có quy định "di sản công nghiệp" nên công trình hiện vẫn là tài sản của Tổng công ty Nước sạch Hà Nội và chưa được xếp hạng di tích.
"Di sản công nghiệp có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của Thủ đô nên thành phố có thể vận động sửa luật, nghị định, thông tư liên quan để khai thác tốt hơn", ông Hồng nói, cho biết Sở sẽ đề xuất thành phố xây dựng cơ chế giữ gìn tài sản công có giá trị văn hóa, thu hút du khách tham quan như tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm.