Dù bệnh tật hoành hành, song ông Nguyễn Văn Quý vẫn lạc quan. Ảnh: Bernie Fox. |
Sau chuyến hành trình 20 ngày trên đất Mỹ, ông Quý phải nhập viện vì không thể thở, người chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng, người cựu chiến binh đã không thể cưỡng lại căn bệnh ung thư dạ dày, hậu quả của chất độc da cam. Ông đã chọn ngày đẹp nhất theo quan niệm phương Tây để ra đi, chiều thứ 7, ngày 7/7/2007.
Trong suốt hành trình tại Mỹ, có một người bạn luôn dìu ông, đó là David Cline, nguyên chủ tịch Hiệp hội Cựu binh vì hòa bình (VFP). Chính David Cline đã rút tấm huân chương Purple heart (trái tim tím) của Chính phủ Mỹ trao tặng để tặng lại ông Quý. “Chúng tôi đều là những người lính. Tôi làm điều này để thể hiện sự tôn trọng với anh ấy”, David Cline giải thích và còn nói thêm "Tôi sẵn sàng cõng anh ấy đi khắp nước Mỹ”... Nhận tin ông Quý từ trần, David Cline đã khóc nức nở qua điện thoại. (Theo Tuổi Trẻ) |
"Ông đi để lại nỗi tiếc thương cho các thành viên tham gia phiên tranh tụng. Dù đến Mỹ với bệnh tích đầy mình, cơ thể suy kiệt, nhiều lúc phải ngồi xe lăn, nhưng ông không một lời kêu ca, cũng không bỏ sót bất kỳ hoạt động nào của đoàn", ông Chính, một hội viên của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Vava), nói.
Đại diện của Vava, do Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch Hội, dẫn đầu đã xuống Hải Phòng để tham dự lễ truy điều người bạn, người đồng hành dũng cảm trong cuộc chiến giành lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Nỗi đau vẫn còn đó
Ông Nguyễn Văn Quý sinh năm 1955, hiện cư trú tại số 38 Cát Cụt, phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Tháng 7/1972, ông trở thành người lính sữa chữa đường dây thông tin. Suốt những năm 1972-1975, trên các nẻo đường hành quân, ông luôn phải ăn sắn, uống nước suối của những khu vực bị phun rải chất diệt cỏ, thuộc miền Nam Việt Nam.
Kết thúc chiến tranh, người lính Nguyễn Văn Quý trở về quê hương Hải Dương để tiếp tục việc đồng áng. Năm 1983, ông lập gia đình, đôi vợ chồng trẻ hồi hộp đón đứa con đầu lòng. Nhưng đứa trẻ đã không đợi đủ 9 tháng 10 ngày mà chào đời sớm với một hình hài dị dạng và chết ngay sau đó. Người vợ trẻ hoảng sợ, đòi ly vợ chồng.
Năm 1987, ông Quý đi bước nữa với bà Vũ Thị Loan và chuyển về Hải Phòng sống. Hai người con Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Thị Thúy Nga lần lượt chào đời. Tiếc thay, Trung bị dị tật cột sống và chân tay, phát triển không bình thường. Còn Thúy Nga thì vừa câm, vừa điếc. Cả hai không thể đến trường, cũng không thể tự chăm sóc.
Đến năm 2003, thấy khó thở, ông Quý được đưa vào Bệnh viện 108, sau đó là một viện chuyên ngành về ung thư chạy chữa. Tại đó, ông được chẩn đoán ung thư dạ dày, tổn thương gan và có dịch trong phổi. Ông không thể làm việc, tất cả đều trông vào gia đình vợ.
Ông ra đi, để lại người vợ nay đã có tuổi cùng hai đứa con chịu ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam. Đặc biệt, ông đã không thể theo được vụ kiện đến giây phút cuối cùng đúng như tâm nguyện.
Hồng Khánh