Trong thông báo ngày 30/6 của Bộ Tư pháp Mỹ, Tuấn bị khởi tố với hai tội danh: âm mưu lừa đảo qua mạng và âm mưu rửa tiền quốc tế, liên quan đến dự án bán NFT mang tên Baller Ape Club.
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2021 đến tháng tháng 3/2022, Tuấn đã thành lập và điều hành dự án nói trên cùng đồng phạm, thông qua một số công ty có trụ sở tại Mỹ. Nhóm này sử dụng danh tính giả để đăng ký website, tài khoản mạng xã hội, lôi kéo người dùng mua các NFT của dự án.
Baller Ape Club được quảng cáo là xây dựng trên nền tảng blockchain Solana, với sản phẩm là ảnh những con khỉ, gợi nhớ đến bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club. Dự án bán ra 5.000 NFT, với giá mỗi NFT là 2 SOL từ tháng 10/2021. Khi đó, mỗi đồng tiền số SOL có giá từ 280 đến 320 USD. Ngoài ra, Baller Ape Club cũng cung cấp các gói quyền lợi, trong đó có gói trị giá 50 SOL.
Chỉ một ngày sau khi bán NFT, Tuấn thực hiện "rút thảm", thuật ngữ mô tả hành động đóng cửa dự án, xóa website có chủ đích nhằm chiếm đoạt tiền của những người mua NFT trước đó. Để rửa tiền, nhóm này được cho là dùng chiêu "nhảy chuỗi", tức chuyển lượng tiền số phi pháp qua nhiều chuỗi khối khác nhau cũng như các dịch vụ hoán đổi tiền điện tử nhằm xóa dấu vết. Theo cáo trạng, tổng số tiền nhóm thu được thông qua hoạt động trên là 2,6 triệu USD.
"Nếu bị tuyên đủ các tội danh, Tuấn sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 40 năm tù", thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ nêu. Đây là một trong bốn vụ án liên quan đến tiền điện tử được cơ quan này công bố hôm 30/6, với tổng số tiền lừa đảo trên 100 triệu USD.
"Những vụ án này là lời nhắc nhở cho mọi người về những kẻ lừa đảo. Chúng ẩn sau các dự án với những từ khóa thời thượng, nhưng cuối cùng vẫn là tìm cách moi tiền của mọi người", luật sư Tracy L. Wilkison đánh giá.
Trước Baller Ape Club, một số dự án NFT liên quan đến người Việt cũng bị tố lừa đảo, như Crypto Bike, Floki Iron. Theo báo cáo của Chainalysis, vấn nạn lừa đảo tiền mã hóa đạt kỷ lục 14 tỷ USD trong năm ngoái, cao gấp đôi mức 7,8 tỷ USD năm 2020.
Lưu Quý