Ca ghép đa tạng diễn ra ngày 21/5, kéo dài 7 tiếng. Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, người hiến tạng là một bệnh nhân nam, 41 tuổi bị tai nạn giao thông, được khẳng định là chết não. Do không có bệnh nhân tim phù hợp với tim của người chết não nên các bác sĩ chỉ tiến hành đồng thời 2 ca ghép thận, một ca ghép gan.
Người được ghép gan là một nam bệnh nhân 54 tuổi ở Hà Nội, phát hiện bị viêm gan C năm 2005. Đầu tháng 4 vừa rồi, bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán ung thư gan. Để khống chế sự phát triển của khối u, trong thời gian chờ ghép gan, các bác sĩ đã phải tiến hành nút hóa chất động mạch gan cho bệnh nhân 2 lần. Hai bệnh nhân được ghép thận đều bị suy thận mạn tính và phải chạy thận nhân tạo thường xuyên.
"Kỹ thuật ghép tạng hiện nay đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện, giúp cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện 150 ca ghép thận và 12 ca ghép gan trên người lớn", phó giáo sư Quyết nói.
Ngoài ra, cũng từ nguồn hiến tặng này, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng thực hiện được hai ca ghép giác mạc.
Trong gần 3 năm qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận nguồn tạng hiến từ 13 người chết não. Nhờ đó, ghép tim cho 5 bệnh nhân, ghép gan cho 9 trường hợp và 25 trường hợp được ghép thận.
Hiện các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới điều khó khăn chính là khan hiếm nguồn tạng. Trên thế giới, 90% nguồn tạng cho được lấy từ người chết não, chỉ khoảng 10% là từ người cho sống. Ngược lại ở Việt Nam, các ca ghép thận, gan vẫn chủ yếu là từ người cho sống. Trong khi đó, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Việt Đức mỗi năm có gần 1.000 người tử vong do chết não nhưng người nhà lại không đồng ý cho tạng.
Phương Trang