Từng hứng thú với không gian khu ổ chuột ở Mumbai qua phim Triệu phú ổ chuột, anh Dy Khoa, một người đam mê xê dịch sống tại TP HCM, đã ghé thăm nơi này trong chuyến đi Ấn Độ hồi tháng 5. Anh có bài chia sẻ dành riêng cho VnExpress.
Trước khi đặt chân đến Ấn Độ, mặc dù đây là một đất nước có bề dày văn hóa, lịch sử rất lớn nhưng trong trí óc của tôi gần như chỉ biết về đất nước này bằng những vệt kiến thức mập mờ, cách Việt Nam khoảng 5-6 giờ bay.
Tôi biết đến Ấn Độ nhiều hơn là nhờ bộ phim điện ảnh ăn khách Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire). Đây là cuốn phim đã phơi bày nhiều thực tế liên quan đến văn hóa, tôn giáo và cả cuộc sống của những người dân ở quốc gia Nam Á thuần chất nhất. Triệu phú ổ chuột dấy lên sự tò mò trong tôi và thúc đẩy tôi phải lên đường khám phá đất nước này, trong đó có khu ổ chuột - đặc trưng của nền kinh tế - xã hội của Ấn Độ. Trong lần trở lại vào tháng 5, tôi đã được khám phá văn hóa khu ổ chuột độc đáo tại TP Mumbai (thuộc bang Maharashtra, nằm ở Tây Ấn).
Mumbai đón tôi trong tiết trời dịu mát hơn hẳn so với thành phố Ahmedabad mà tôi ghé thăm trước đó. Cảng hàng không quốc tế Chhatrapati Shivaji (sân bay chính của Mumbai) rất rộng nhưng được quy hoạch, có hướng dẫn di chuyển rõ ràng và chi tiết. Tôi dễ dàng tìm được tuyến xe buýt và ga tàu để vào trung tâm thành phố. Mumbai không có tàu đô thị như các quốc gia tôi từng đi qua mà sử dụng và kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia. Vì vậy, các ga tàu ở đây rất rộng, có nhiều platform (sảnh đợi). Du khách lần đầu đến nên hỏi kỹ người bán vé để tránh nhầm platform, dẫn đến nhầm tàu và mất thời gian. Đồng thời cần bám chặt tay vịn tàu để tránh đổ ngã, một số hành khách bản địa sẽ đu bám thành tàu rất tốt nên một người đổ ngã sẽ ảnh hưởng đến những người đu bám này.
Trước mắt tôi là một không gian Mumbai lộng lẫy, nếu không bật bản đồ để nhìn đường đi thì tôi sẽ nhầm tưởng bản thân đang lạc giữa một châu Âu hoa lệ. Trung tâm Mumbai thực sự tráng lệ, được quy hoạch và xây dựng bài bản. Trong phim Triệu phú ổ chuột, Mumbai được khắc họa rất ít hình ảnh xa hoa mà chủ yếu là sự tăm tối và ngõ cụt của những phận đời sống bên trong nó. Bộ phim kể về một chàng trai sống trong một khu ổ chuột (được gọi là slumdog hoặc slum) ở thành phố này. Sau đó, anh tham gia trò chơi truyền hình format giống Ai là triệu phú và giành chiến thắng. Nhà chức trách nghi ngờ kiến thức của anh và mở cuộc thẩm vấn, điều tra. Cứ mỗi câu hỏi, khán giả xem phim lại lật mở được thêm vài điều thú vị về cuộc sống trong slum.
Trong bản phim đã chiếu cách đây hơn 10 năm, các nhà làm phim không chỉ đích danh tên của slum. Tại Mumbai, có rất nhiều slum. Mỗi slum chứa cả nghìn đến cả trăm nghìn con người cùng chung sống trong một không gian rất chật hẹp. Tôi có tìm hiểu trước và quyết định đến slum Dharavi. Đây là một trong những slum rộng lớn nhất thế giới, khoảng 2 km2, nhưng chứa đến hơn một triệu người. Khu vực nằm trong nhóm những nơi có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Đường đến Dharavi khá dễ dàng, từ trung tâm Mumbai có thể đến đây bằng xe buýt hoặc taxi. Tôi chọn đi xe buýt với giá khoảng 15 rupee, tương đương 5.000 đồng. Tuyến xe chạy qua hơn 20 trạm dừng, điểm cuối của chuyến xe còn cách slum thêm vài chục bước chân.
Trước mắt tôi là slum. Cảm giác ngộp, không tin rằng mình đã đến đây và không ngờ bộ phim lại miêu tả khung cảnh chân thực đến thế. Tôi thấy những căn nhà san sát nhau. Những con chuột tung tăng, tự do chạy qua lại, luồn lỏi qua những ngách hẹp bên trên mái nhà. Bên dưới là lũ nhỏ nô đùa đi qua cung đường hẹp chỉ đủ một người qua. Chúng vô hình trở thành con đường một chiều. Họ có ý thức nhường nhau rất tốt. Tôi may mắn đến đây đúng vào ngày lễ tôn giáo. Hôm ấy mọi người mặc đồ rất đẹp, có trang điểm và trên tay có in họa tiết đặc trưng.
Mọi người sống trong những căn nhà rất chật hẹp. Chỉ một người nằm đã đủ chiều dài của một căn nhà. Thêm hai ba người nằm thì không còn một kẽ hở trên sàn nhà. Họ sống trong không gian nhỏ nhưng tình người rất lớn. Tôi cảm giác mình đang đứng giữa một căn nhà rất lớn vậy. Tất cả những thành viên trong slum đều là người nhà của nhau. Họ quen nhau hết. Họ chơi đùa, trò chuyện cùng nhau. Không gian thoáng và sáng nhất của cả khu chính là chiếc giếng trời rộng vài mét vuông. Nơi đó có vài chiếc bàn, ghế, hàng tạp hóa và một nhà vệ sinh, nhà tắm chung. Cư dân ở đây sử dụng đều sử dụng nó.
Tôi dạo thêm một vòng và dừng chân tại quán bán chai (loại thức uống từ trà và sữa của Ấn Độ, nó phổ biến như chè vỉa hè ở Hà Nội) nhìn mọi người qua lại, nói chuyện với nhau. Những người ở đây đa số làm công việc chân tay và có thu nhập khá thấp so với mức sống ở Mumbai, chỉ khoảng 5 triệu đồng một tháng. Trước mặt tôi là một bãi rác, vài người đã mặc cái nắng gắt lượm lặt phế liệu mang bán.
Hai chàng trai trẻ tuổi chủ động bắt chuyện. Người Ấn có điều thú vị là họ rất hiếu khách. Tôi đã đi qua 5-6 thành phố và người dân đều sẵn sàng nói chuyện với du khách. Hai em là người sống trong slum từ bé, hiện làm phụ bếp ở trung tâm Mumbai chứ không làm trong slum như ba mẹ của họ. Khi tôi hỏi họ và gia đình có ý định rời khỏi slum không thì cả hai đều bảo không. Hai anh em bảo nơi này như quê hương của họ vậy, "biết bao nhiêu kỷ niệm". Mặt khác do giá nhà tại thành phố này rất đắt nên để rời đi không phải chuyện dễ dàng. Hiện cả gia đình đang ở thuê trong slum, diện tích bé vậy chứ giá cũng đã cả tỷ đồng một căn.
Tôi cảm nhận được họ đang sống rất hạnh phúc. Khác với những gì tôi tưởng tượng nếu bản thân phải ở trong môi trường như thế sẽ ủ rũ, u sầu. Nhưng hai anh em luôn nở nụ cười trên môi khi nói chuyện, thậm chí họ còn nói chuyện rất hào sảng nữa. Hai người dẫn tôi khám phá thêm slum. Vì tất cả đều là người quen nên mỗi khi gặp ai đó họ đều í ới, gọi nhau rất vui tươi. Gia đình của hai anh em còn có ba mẹ. Bốn người sống trong căn nhà chỉ có công năng để ngủ vì ngủ thôi cũng đã rất chật rồi. Vì được che chắn khỏi ánh mắt trời nên nhiệt độ bên trong nhà khá mát nhưng lại có mùi ẩm mốc đặc trưng.
"Ở đây vui lắm. Mọi người sống với nhau lâu nên ai cũng hiểu tính nhau", mẹ của hai chàng trai nói với tôi. Cô ấy bảo nếu hai người con có tiền thì ra ngoài mua nhà, chứ cô chú và bà vẫn ở lại đây. "Nhiều người cũng rời đi nhưng rồi cũng quay lại vì nhớ nơi này", người mẹ nói tiếp.
Người mẹ bán nước dừa tươi ở chợ, đầu đường vào slum. Người ba hôm nay vắng nhà vì phụ giao hàng. Bà 70 tuổi nhưng còn khỏe lắm. Ba thế hệ sống trong slum từ hồi bà còn là con gái. Để được vào sống ở đây không phải dễ dàng vì rất nhiều người muốn thuê nhưng số lượng nhà rất hạn chế. Họ ở đây và làm việc với mong muốn có thể trang trải cuộc sống, nếu thuê ở khu khác sẽ rất đắt.
Tôi cùng gia đình ăn bữa tối và xin phép rời đi trước khi quá muộn. Tự mình đi ra khỏi slum mà lòng tôi xuất hiện hai trạng thái đầy suy tư. Một là trong bóng tối chỉ có vài ánh đèn le lói, mình có an toàn hay không. Hai là dù có vài tiếng ngắn ngủi được ở trong một không gian đặc biệt với những người đặc biệt mình thấy cuộc sống này quả là nhiều màu sắc. Có dịp trở lại, mình nhất định ghé thăm nơi này và gia đình xa lạ kia.
Dy Khoa