Người gửi: The Moon, 24.151.134.65
Gửi tới: Ban Đời sống
Tiêu đề: Một ngày ở bệnh viện Nội Tiết Trung ương
Nhân tiện đọc một số bài báo về văn hoá ứng xử của các y bác sĩ trong bệnh viện. Cho phép tôi được chia sẻ chuyện của mình với độc giả trong và ngoài nước.
Cũng như những bệnh nhân bị bướu cổ không may khác. Tôi được giới thiệu đến bệnh viện Nội Tiết Trung ương để khám và chữa bệnh. Theo thủ tục của bệnh viện, bệnh nhân nào không có bảo hiểm phải xếp hàng ngoài hiên để lấy số thứ tự qua một ô cửa sổ. Hơn 8h sáng mà vẫn chưa thấy nhân viên nào của bệnh viện ra phát số, chúng tôi được một bệnh nhân - người đã vào trong và lấy được số thứ tự - chạy ra thông báo "Hôm nay họ chuyển vào trong làm việc mà". Vậy là chúng tôi lại kéo nhau vào trong mà không hề được nhân viên nào của bệnh viện thông báo trước đó.
Sau một hồi phải chen lấn vã mồ hôi cùng nhiều bệnh nhân khác, cuối cùng tôi cũng lấy được số thứ tự để đến phòng khám bệnh. Đến đây tôi tiếp tục chờ ở ngoài cửa phòng khám gần một tiếng nữa. Chị bác sĩ khám bệnh cho tôi yêu cầu tôi đưa tay về phía trước và làm một số động tác với vẻ mặt lạnh lùng và những câu nói như ra lệnh. Khi tôi vừa mở miệng định trình bày do điều kiện tôi đang học ở xa, liệu có phương pháp điều trị nào... thì chị nói luôn "việc học là việc của chị". Ồ tất nhiên là việc của tôi rồi, nhưng chị không có từ nào lịch sự hơn để nói với tôi sao? Là tôi nghĩ trong đầu thế chứ tôi im bặt ngay sau câu nói lạnh lùng của chị.
Công đoạn tiếp theo là đến quầy thu ngân để nộp tiền làm xét nghiệm. Hàng trăm cánh tay giơ lên nhào về phía trước, ai cũng cố gắng nhoi lên để đưa được phiếu xét nghiệm của mình vào bên trong - qua một ô cửa kính bé xíu phía bên dưới. Rồi tôi cũng đến lượt sau khoảng một tiếng chờ đợi. Khi tôi vừa đưa phiếu xét nghiệm vào thì một chị thu ngân lại bảo "Phiếu xét nghiệm này thì phải nộp tiền ở đầu kia", và tôi lại đến... đầu kia và tiếp tục chờ khoảng nửa tiếng nữa.
Xong rồi, bây giờ bắt đầu đi làm xét nghiệm. Lại chờ đợi tiếp, trung bình mỗi lần làm xét nghiệm, tôi phải chờ ít nhất là 1 tiếng nữa. Phòng đầu tiên là lấy máu để làm xét nghiệm. Vẫn ngôn từ và ngữ điệu theo kiểu ra lệnh.
Sang phòng điện tim, ở đây tôi mới thực sự bị shock. Vừa bước vào phòng, một chị y sĩ hay bác sĩ gì đó, còn rất trẻ, quát lên với tôi và vẫn theo kiểu ra lệnh: "Nằm xuống, kéo ống quần lên, kéo áo lên trên ngực". Tôi vội vàng làm theo mệnh lệnh của chị. Khi tôi đang làm điện tim thì trong phòng có cả nam bác sĩ và nữ bác sĩ nói chuyện nhốn nháo. Chưa hết, một chị bác sĩ khác mở cửa bước vào, theo sau là một nam bệnh nhân khác và cửa phòng không hề được khép lại sau đó. Phía bên ngoài bệnh nhân cũng nhốn nháo ngó đầu vào và tôi nằm tơ hơ trên giường để đo... điện tim.
Xấu hổ xen lẫn với tức giận đã làm cho nhịp tim của tôi nhanh hơn nhiều so với nhịp tim nhanh vốn có của người bị bướu cổ lồi mắt. Chưa xong, sau khi đo xong, vẫn chị bác sĩ vừa quát tôi bước ra và dùng một tay dứt toàn bộ dây đo trên khắp người tôi một cách đồng loạt và dứt khoát rồi ném toàn bộ dây đo đó sang một bên. Tên bệnh nhân tiếp theo lại được xướng lên.
Rồi tôi cũng làm xong tất cả các xét nghiệm trong sự căng thẳng và phẫn nộ. Buổi chiều là thời gian chờ đợi để lấy kết quả xét nghiệm của buổi sáng. Không chen lấn xô đẩy như buổi sáng nữa nhưng kẻ đứng người ngồi la liệt trên sàn nhà. Tiếng loa phát thanh xướng tên bệnh nhân đến lấy kết quả của phòng thử máu và phòng điện tim lẫn vào nhau, và chúng tôi phải ngồi căng tai ra và tập trung cao độ cả buổi chiều để nghe tên mình.
Gần hết giờ làm việc của buổi chiều, tôi cũng lấy được kết quả. Hí hửng chạy về phòng khám bệnh để chị bác sĩ khám bệnh cho tôi buổi sáng đọc kết quả và kê đơn thuốc. Nhưng niềm vui của tôi chưa kịp cất cánh thì chị lại lạnh lùng bảo: "Phải làm thêm một xét nghiệm nữa". Thế là tôi lại mất một ngày hôm sau nữa chỉ để làm thêm một xét nghiệm mà có lẽ chị đã quên từ đầu.
Bệnh viện nhỏ, cũ, cơ sở hạ tấng xuống cấp, bệnh nhân đông quá tải thì việc phải chờ đợi cả ngày để làm vài xét nghiệm là chuyện dễ hiểu và có thể thông cảm. Nhưng thái độ và văn hoá ứng xử của MỘT SỐ y bác sĩ của bệnh viện thì không thể thông cảm được. Sau khi lấy kết quả, tôi đã định quay lại phòng điện tim để "trao đổi" với chị bác sĩ đo điện tim cho tôi về văn hoá ứng xử của chị với bệnh nhân, nhưng vì bệnh nhân vẫn còn đông nên tôi đã không có dịp làm việc đó.
Tôi không rõ trong quá trình học chuyên môn, có bài giảng nào dành cho các y sinh về y đức, về thái độ và hành vi của người thầy thuốc đối với bệnh nhân? Nếu có, tôi thiết nghĩ những bài giảng đó nên được dạy đầu tiên.