Thứ hai, 13/1/2025
Chủ nhật, 19/4/2020, 20:06 (GMT+7)

Một ngày làm việc của y tá Italy

Nữ y tá Cristina Settembrese dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 và tự cách ly để đảm bảo an toàn cho gia đình.

Y tá Settembrese, 54 tuổi, bắt đầu công việc của mình kể từ khi mới 18. Hai tháng trước, khoa truyền nhiễm Bệnh viện San Paolo, Milan nơi bà làm việc được chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bà bắt đầu làm quen với việc điều khiển những thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp. Settembrese ví chúng với những chiếc "mũ bảo hiểm" dành cho bệnh nhân và tự học cách vận hành tại nhà. 

Sáng 10/4, bà rời khỏi căn hộ của mình để đưa chú chó Pepe đi dạo trước khi tới bệnh viện. 

Hai ngày sau khi Italy ghi nhận trường hợp dương tính đầu tiên, y tá Settembrese đã gửi con gái 24 tuổi Rebecca tới nhà chị gái ở vùng ngoại ô Basiglio, Milan. Bà lo lắng mình sẽ lây bệnh cho con nếu chẳng may nhiễm virus. 

Y tá Settembrese dắt thú cưng đi dạo bên ngoài khu nhà. Bà trò chuyện với hàng xóm bất cứ khi nào có thể trong khoảng cách an toàn. Là mẹ đơn thân, người bạn đồng hành duy nhất của Settembrese giờ đây là Pepe, chú chó chihuahua. 

"Đi dạo với Pepe và trò chuyện với những người nuôi chó là giao tiếp xã hội duy nhất của tôi (bên ngoài bệnh viện)", bà chia sẻ.

Khu vực phía bắc Lombardy, nơi bà sinh sống, là một trong những ổ dịch lớn nhất Italy. 

Trên đường tới bệnh viện, bà Settembrese dừng lại tại lò bánh mì của cha mẹ. Bà vẫy tay chào hai người từ xa, có đeo găng cao su. Mẹ Settembrese thường gửi đồ ăn cho các đồng nghiệp của bà. 

Y tá Settembrese trò chuyện với con bên ngoài khu nhà của chị gái ở thành phố Basiglio, Italy trước khi tới bệnh viện. 

Đây là những khoảnh khắc hiếm hoi hai mẹ con có thể gặp mặt trực tiếp giữa đại dịch. 

Y tá Settembrese được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào làm việc, trên tay là số thức ăn mà cha mẹ gửi cho các đồng nghiệp tại Bệnh viện San Paolo.

Dành phần lớn thời gian tiếp xúc với người nhiễm nCoV, bà cho biết tự cách ly là lựa chọn cá nhân. 

Y tá Settembrese cùng các bác sĩ khác chia sẻ bữa ăn nhẹ gồm các loại bánh mì, trong đó có casatiello, loại bánh cuộn trứng và xúc xích, đặc sản từ quê hương của bà.

Tạm rời xa người thân yêu trong thời gian cách ly, song y tá Settembrese liên tục nói về gia đình thứ hai, đó là các bệnh nhân và đồng nghiệp. Bà chia sẻ họ đã tạo động lực cho mình trong những tuần đầy khó khăn vừa qua. 

Y tá Settembrese được một đồng nghiệp giúp đỡ mặc trang phục bảo hộ.

Giới chức Italy từng dùng từ "chiến tranh" hay "thảm họa" để mô tả tình trạng bệnh dịch bùng phát trong khoảng thời gian qua. Nhiều bác sĩ gần như kiệt quệ bởi phải điều trị lượng bệnh nhân quá lớn. 

Y tá Settembrese đang ra hiệu cho một người nhiễm nCoV tại khu hồi sức tích cực của bệnh viện. Vì lệnh cách ly bắt buộc, người nhà bệnh nhân không thể đến thăm thân trong quá trình điều trị. 

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình. Song một số biến chứng xảy ra với phổi có thể dẫn đến tử vong. 

Y tá Settembrese đang trao đổi với đồng nghiệp qua cửa sổ phòng bệnh. 

Bà chia sẻ: "Các bệnh nhân Covid-19 phải tự chống chọi với căn bệnh một mình. Đôi khi họ qua đời mà chẳng có ai bên cạnh". 

Italy vẫn là một trong những quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì nCoV cao nhất thế giới. Hiện nước này ghi nhận hơn 170.000 trường hợp dương tính với virus, trong số đó gần 45.000 người được điều trị thành công.  

Y tá Settembrese trấn an đồng nghiệp của mình trong một cuộc họp đêm trước khi kết thúc ca làm việc. 

Các bác sĩ thường thảo luận về diễn tiến của bệnh nhân mà họ phụ trách. Họ cho biết thân nhân của một số người đã qua đời do Covid-19 tỏ ra tức giận vô cớ với bệnh viện. 

Khi dịch mới bùng phát, vì lượng bệnh nhân quá lớn, các bác sĩ đôi khi phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị, các ca phẫu thuật bị hủy bỏ, khẩu trang khan hiếm. 

Settembrese mệt mỏi trở về nhà sau một ca trực kéo dài. 

Bà gọi điện thoại video cho mẹ và con gái để nói lời chúc ngủ ngon. 

Kể từ tháng 2, nhân viên y tế Italy luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải, kiệt sức bởi số lượng bệnh nhân quá lớn. Tính đến tháng 4, hơn 13.500 người đã nhiễm virus, khoảng 100 người tử vong. 

Thục Linh (Theo: AP)