Eddi Chu đã dành một ngày tìm hiểu công việc thu gom rác của bà Fung Lan, 67 tuổi cùng chồng, một ông lão 77 tuổi. Chu bất ngờ vì phát hiện việc họ làm quan trọng thế nào trong nỗ lực tái chế rác của thành phố, theo SCMP.
Tờ mờ sáng, bà Lan và chồng bắt đầu công việc thường nhật. Dù qua tuổi nghỉ hưu đã lâu, hai vợ chồng bà vẫn đi thu nhặt thùng giấy bìa và hộp xốp gần nhà.
Bà Lan đã làm công việc này hơn 20 năm, sau khi mất việc ở một nhà máy địa phương. Bà đã nuôi nấng ba con trưởng thành bằng công việc vất vả này, nhưng không có ý định dừng lại.
Tiếp xúc với rác hàng ngày khiến móng tay bà đen kịt, ngón tay sần nốt chai. May mắn hơn những người nhặt rác nghèo khác, bà Lan và chồng có nhà để ở. Hai ông bà mua nó vài chục năm trước và đây là một kỳ công ở Hong Kong - thành phố có giá nhà cao nhất thế giới.
"Ở không trong nhà tôi thấy khó chịu. Nếu không làm việc, người tôi sẽ đau mỏi khắp nơi", bà Lan nói. "Tôi sẽ nghỉ làm khi không còn sức đẩy xe nữa, sau đó, tôi sẽ thuê một người giúp việc ở Trung Quốc đại lục sang".
Bà Lan nằm trong số 2.900 "bà dì nhặt rác" - đa số là phụ nữ lớn tuổi, tham gia thu gom và mua bán đồng nát. Nhiều người hạnh phúc khi được tiếp tục lao động dù đã ở tuổi xế chiều.
Trở lại với nhà lập pháp Eddie Chu. Ông được nhóm thu gom rác địa phương mời đi theo quan sát công việc của bà Lan và chồng hồi đầu tuần. Ba người xuống đường lúc 6h sáng và trong vòng 3,5 tiếng, họ đã nhặt đầy xe chở 70 kg thùng giấy bìa, đẩy nó xuống một đường cao tốc 6 làn xe và chuyển 132 hộp xốp đang chắn lối đi trên vỉa hè.
"Anh phải hét lên, không là họ không nhường đường đâu", bà Lan hướng dẫn Chu lúc qua đường.
Họ bán hết đồ, kiếm về 280 đôla Hong Kong (36 USD). Sau đó nghỉ trưa ăn cơm và tiếp tục làm việc vào 15h. Họ sẽ làm tới tối muộn, thường là 22h, hoặc 23h khuya, và làm 7 ngày một tuần.
Ước tính mỗi ngày có 193 tấn giấy bìa cứng và giấy vụn được những người Hong Kong như bà Lan và chồng thu gom.
"Công việc của họ giúp ích cho nỗ lực thu gom rác thải của thành phố, nhưng dường như họ không được chào đón", Chu nói. "Tôi có cảm giác họ đang sống ngoài rìa xã hội".
Bà Lan thường xuyên là chủ đề nói xấu của người dân trong khu phố Kwai Fong, một quận có nhiều dân lao động sinh sống ở Cửu Long.
"Đừng có thương bà ta. Mụ này giàu lắm!" hai phụ nữ lớn tiếng bảo Chu khi họ đi ngang qua.
Hai người khác phàn nàn với Chu về vấn đề vệ sinh. Tuy nhiên, một bảo vệ ở tòa nhà gần đó ca ngợi công việc vất vả của bà Lan đã giúp giữ gìn đường phố sạch sẽ.
Những người bán rau và thịt ở phố Che Fong thường xuyên vứt thùng giấy bìa đã qua sử dụng, hộp xốp và nhiều loại rác lên vỉa hè, ỷ lại đã có bà Lan thu gom và đưa tới nhà máy tái chế gần đó.
Tuy nhiên, rác quá nhiều tới nỗi vợ chồng bà Lan không nhặt xuể do sức yếu, nên thường chất đống lộn xộn trên đường phố. Cơ quan Vệ sinh Môi trường Hong Kong (FEHD) thường xuyên nhận được phàn nàn về rác thải ở khu phố này, Chu cho biết.
Hồi tháng 7, một phụ nữ lớn tuổi giống bà Lan đã bị phạt 191 USD vì tội xả rác, sau khi làm rơi rác lúc thu gom. Năm ngoái, một người thu gom và bán thùng giấy bìa không có giấy phép đã bị phạt 0,13 USD cho một thùng. Cả hai vụ đều khiến công chúng phản đối, yêu cầu chính quyền thông cảm. Cuối cùng, các nhà chức trách quyết định miễn phạt.
Chu từng là nhà hoạt động vì môi trường trước khi trở thành nhà lập pháp. Ông muốn chính quyền lập một nơi công cộng cho những người nhặt rác như bà Lan thu gom và sắp xếp đồ. Chu đề nghị địa điểm là công viên ngoài phố Che Fong.
Ông tin rằng công việc của các "bà dì nhặt rác" ở Hong Kong đáng được xếp vào cùng nhóm với công việc dọn dẹp vệ sinh mà FEHD và Sở bảo vệ môi trường đang thực hiện hàng ngày. Ông cũng kêu gọi sáp nhập hai cơ quan này để tăng tỷ lệ tái chế rác của thành phố.
Những người thu gom rác lớn tuổi là nguồn tài nguyên lao động đáng quý, Chu nói. Chính quyền nên tạo các chính sách cổ vũ họ.
"Chúng ta có thể nghĩ xem làm thế nào để sử dụng tốt hơn 170 điểm tập kết rác công cộng mà FEHD hiện có, để cung cấp không gian làm việc cho các 'đại sứ tái chế' này", Chu nói.