Thứ sáu, 21/2/2025
Thứ sáu, 18/8/2023, 09:42 (GMT+7)

Một năm vác đất lên sân thượng làm vườn

Đà NẵngCứ vài ngày chị Thu Luy mới vác được hai bao đất 10 kg lên sân thượng tầng ba để trồng rau, sau một năm thì phủ xanh vườn.

Con trai đầu lòng khiếm khuyết trí tuệ nên chị Lê Thị Thu Luy (37 tuổi, ở Thanh Khê) luôn muốn dành cho bé những bữa ăn ngon, sạch và bài học tích cực nhất. Vì vậy, khi xây nhà, chị đã có ý tưởng làm vườn trên sân thượng hơn 80 m2. Hai vợ chồng đồng lòng nên làm chống thấm kỹ ngay từ đầu.

Nhà làm xong đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, năm 2021. Chồng đi làm "ba tại chỗ", chị ở nhà vừa chăm con vừa tranh thủ làm vườn. Vài ngày chủ nhà bê lên một, hai túi đất tầm 10 kg. Đúng một năm thì đầy đất trồng như bây giờ.

"Khi đặt mua phân, giá thể, người giao hàng thấy tôi còi còi, thương nên bê giúp lên sân thượng hết luôn", chị Luy kể.

Ban đầu, chị trồng các loại cây rau xanh và cây rau leo giàn như bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa chuột. Sau một tháng vườn đã bắt đầu cho thu hoạch.

Theo chị Luy, khi làm vườn ở phố khâu trộn và xử lý đất là quan trọng nhất. Đất trồng phải tơi xốp, đủ dưỡng chất và sạch nấm bệnh. Chị làm đất trồng theo công thức 30% đất, 40% xơ dừa, tro, trấu, vỏ đậu xay, còn lại là phân hữu cơ hoai mục.

Nhưng chị chỉ trồng được một vụ tươi tốt. Khi nhổ cây lên chị mới thấy cả trăm con trùng đất cắn rễ cây. Một số cây bị bệnh tuyến trùng rễ. "Do mình dùng phân chưa hoai mục hẳn và chưa xử lý kỹ nấm bệnh", chị nói.

Sau lần đó, chị tham gia các hội nhóm trồng cây, thấy ai chia sẻ gì là ghi chép lại để không vấp sai lầm.

Chị dùng dầu Neem ngừa nhện, sâu bọ, dùng dịch tỏi ớt, trộn bánh dầu Neem vào đất ủ kỹ để ngừa bệnh tuyến trùng. Thỉnh thoảng chị Luy phun phòng sâu bọ cho cây bằng men vi sinh, phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học.

Gần đây, chị trồng nhiều cây ăn trái như dưa hấu, dưa lưới và cà chua để lấy quả cho con ăn. Vườn cũng có táo Thái, ổi, dâu Đài Loan. Nho và thanh long ruột đỏ đang ra trái lứa đầu.

Chị Luy trồng thêm khoảng 30 chậu dâu tây treo ban công để các con thu hoạch và thưởng thức. Dâu tây dễ bị bọ trĩ và nhện nên chị phải phun phòng bệnh đến khi ra hoa. "Đất ướt là cây chết liền. Khi có quả bé bé, phải để đất hơi khô mặt chậu rồi pha dịch chuối, bánh dầu, trứng sữa để trái to và mướt", chị kể. Khi thành quả, chủ vườn phải bọc kỹ vì quả ngọt nên hay bị chim ăn.

Một vụ dưa thu hoạch kéo dài cả tháng vì chị Luy trồng 20-40 cây, chia hai lứa quả. Một lứa chính để đúng vị trí từ nách lá thứ 10 đến nách lá thứ 15. Sau khi quả chính đạt trọng lượng mong muốn mà cây khỏe, chị lấy thêm lứa quả trên ngọn. Cùng thời điểm này, chị ươm cây con gối vụ.

Mỗi sáng chị lên vườn dạo một vòng kiểm tra, thấy sâu là bắt.

Phân dùng trồng dưa lưới và cây ăn quả chủ yếu là phân dê, phân trùn quế và phân gà. Riêng rau lá, rau gia vị, ngô, chị cùng hai con tự ủ phân nước từ bánh dầu, đỗ tương, chuối, trứng sữa, chôn rác bếp ở gốc cây.

Từ khi làm vườn, các con chị tương tác với ba mẹ nhiều hơn, bớt dùng điện thoại. Tùng Quân, con trai lớn như tờ giấy trắng, hành động lặp lại nhiều mới ghi nhớ, mới hiểu nên chị hay cho làm vườn kết hợp dạy con.

Dù nhà có hệ thống tưới tự động, nhưng chị vẫn hay nhờ Quân tưới giúp. Lần đầu bé không chịu, hôm sau lại chủ động rủ mẹ cùng làm.

Lên vườn, bé có nhiều thứ để hỏi, nhiều việc để làm. "Nhiều hôm cháu hỏi 'mẹ ơi rau gì, rau gì mẹ ơi'. Nghe con chủ động đặt câu hỏi vậy thôi đã mừng rơi nước mắt", người mẹ nói.

Chồng chị Luy bận nên ít khi lên sân thượng, lần nào lên anh cũng ngạc nhiên vì vườn ngày càng đầy hoa trái.

"Khu vườn không chỉ cho cây trái mà như một ngôi trường để hai con tôi được gần gũi và hiểu hơn về thiên nhiên. Tùng Quân nhờ vậy hoạt bát hơn, giờ đã tự đi chơi khắp khu phố", chị Luy nói.

Bản thân chị cũng thấy từ khi làm vườn bản tính mình nhẹ nhàng, mềm mỏng, không còn tiêu cực như giai đoạn đầu phát hiện con khiếm khuyết.

Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp