Vào lúc 15h52 ngày 13/10/2016, hàng triệu người dân Thái Lan trải qua giây phút được miêu tả là "bi thương nhất của quốc gia" khi hoàng gia thông báo Vua Bhumibol đã băng hà.
Khi thi hài quốc vương được chuyển từ bệnh viện về hoàng cung, rất nhiều người dân, trong tâm trạng bàng hoàng, đã chờ sẵn để đưa tiễn nhà vua.
"Tôi không thể ngủ nổi và càng không muốn loanh quanh ở nhà. Tôi phải làm gì đó bởi lúc này tôi cảm thấy rất buồn", Patarapong Chankaw nói. "Vì thế, tôi quyết định tới hoàng cung cùng những người khác". Anh Chankaw có mặt trước hoàng cung từ 5h sáng và muốn nán lại cho đến khi nghi lễ rước thi hài nhà vua kết thúc.
Kể từ thời điểm Vua Bhumibol Adulyadej qua đời, đã có gần 12 triệu người dân, tương đương 1/6 dân số Thái Lan, vào cung điện, nơi đặt thi hài nhà vua, để bày tỏ lòng tiếc thương. Với họ, đức vua Bhumibol Adulyadej, vị quân vương trị vì suốt 70 năm, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, thống nhất của dân tộc, là trụ cột cho sự ổn định quốc gia.
Một năm sau ngày quốc vương Bhumibol Adulyadej trút hơi thở cuối cùng, hàng triệu người dân Thái Lan một lần nữa trải qua cảm giác đau buồn trong lễ hỏa táng kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ hôm 25/10, để đưa tiễn cố quốc vương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trên chiếc xe lăn, ông Sathit Jantarangsri, 55 tuổi, vượt quãng đường dài hơn 350 km từ quê nhà lên thủ đô Bangkok để dự lễ hỏa táng đức vua Bhumibol Adulyadej.
Sathit bị liệt thân dưới sau một tai nạn vào năm 2004. Không có ai để nương tựa, sau ba năm cô đơn vật lộn với bệnh tật, ông quyết định viết thư gửi Vua Bhumibol cầu xin sự trợ giúp. Đáp lại lời khẩn cầu của ông, quốc vương Thái Lan đã đích thân bảo trợ cho Sathit chữa trị tại bệnh viện ở Bangkok và còn tặng một chiếc xe lăn để giúp người đàn ông khuyết tật này hòa nhập với cuộc sống dễ dàng hơn.
Trong suốt 10 năm qua, đã không ít lần, ông Sathit, với vài bộ quần áo và một chiếc lều, vượt hàng trăm cây số trên chính chiếc xe lăn được Vua Bhumibol tặng, về thủ đô để bày tỏ lòng biết ơn với đức vua.
"Đây sẽ là cơ hội cuối cùng trong đời, tôi có thể bày lòng tôn kính của mình với Nhà Vua Bhumibol", ông Sathit nói với Bangkok Post.
Biển người Thái Lan tới lễ hỏa táng tiễn biệt cố vương
Sáng 26/10, linh cữu của nhà vua quá cố đã được chuyển từ cung điện đến đài hóa thân hoàn vũ tại quảng trường Sanam Luang để hỏa táng. Reuters miêu tả "biển người mặc đồ đen" có mặt tại khu vực gần hoàng cung để dõi theo sự kiện này. Nhiều người đã dựng lều ngủ qua đêm trên đường phố.
"Đây là lần cuối cùng rồi", bà Pimsupak Suthin, 42 tuổi, lặn lội từ tỉnh phía bắc Nan lên thủ đô từ nhiều ngày trước lễ hỏa táng, cho biết. "Tôi vô cùng yêu mến và tiếc thương đức vua. Thật không có từ ngữ nào diễn tả được cảm giác này".
"Lễ hỏa táng khiến tôi đối mặt với sự thật nhà vua đã băng hà", bà Petchpailin Jaidee, 60 tuổi, một tình nguyện viên trong tang lễ, nói. "Tôi cảm giác như trời đất đang sụp xuống".
Ban tang lễ ước tính có khoảng 110.000 tập trung trước khu vực hỏa táng và khoảng 200.000 đứng xếp hàng trên những con phố lân cận. Mọi người tham dự tang lễ hoàng gia đều mặc đồ đen đơn giản và kín đáo. Các nữ phóng viên tác nghiệp tại sự kiện cũng được yêu cầu mặc váy dài đến mắt cá chân, không mặc quần.
Các cửa hàng, siêu thị tại Bangkok đều đóng cửa trong ngày 26/10. Hoàng gia Thái Lan cũng ra thông báo nhằm khuyến cáo khách du lịch tới Thái Lan trong dịp này mặc trang phục phù hợp và cư xử đúng mực để thể hiện sự tôn trọng.
Thái Lan mất gần một năm để chuẩn bị tang lễ ước tính tốn khoảng 90 triệu USD. Gần 6.000 người trực tiếp tham gia vào nghi thức tang lễ. Sau lễ hỏa táng vào 10h tối ngày 26/10, tro cốt của nhà vua được đặt trong các bình vàng, tiếp đó, lễ cúng dường được tổ chức để cầu phúc cho tro cốt của nhà vua. Ngày cuối cùng, tro cốt sẽ được chuyển về hoàng cung.
Theo các chuyên gia phân tích, sự ra đi của Vua Bhumibol để lại khoảng trống lớn trong lòng người dân Thái Lan vì đức vua luôn được coi là "vị cha già" - biểu tượng của sự gắn kết dân tộc.
"Đối với tôi, ông là một vị vua hết sức vĩ đại", Narit Somkane, một tiểu thương tại Bangkok, trả lời AP.
An Hồng