Hơn một năm trước, cửa hàng đầu tiên của Phúc Long mở tại Hà Nội. Thương hiệu từ miền Nam nhanh chóng thu hút thực khách tại thủ đô. Cảnh hàng dài chờ mua diễn ra trong nhiều tháng liên tiếp kể từ khi cửa hàng đầu tiên được mở. Kết quả, doanh thu năm 2019 của chuỗi này đạt tới 779 tỷ đồng, tăng gần 65% so với năm trước.
Phúc Long khởi đầu từ cao nguyên chè Bảo Lộc (Lâm Đồng) đầu những năm 1970. Những năm 80, Phúc Long khai trương ba cửa hàng đầu tiên tại TP HCM trên đường Lê Văn Sỹ, Trần Hưng Đạo và Mạc Thị Bưởi, nhằm giới thiệu sản phẩm trà và cà phê thuần Việt. Những cửa hàng này cũng là nhóm đầu tiên phục vụ các sản phẩm trà pha chế đặc trưng mang thương hiệu Phúc Long.
Tuy nhiên, so với những thương hiệu nước ngoài hay các chuỗi cà phê nội địa, Phúc Long có phần thận trọng trong việc mở rộng, dù đã gây dựng được danh tiếng. Chuỗi này cũng chọn cách phát triển với quy mô thị trường hẹp hơn, chủ yếu tại TP HCM. Đến năm 2015, quy mô chuỗi Phúc Long mới tăng lên 10 cửa hàng.
Hai năm tiếp theo, tốc độ mở cửa hàng được đẩy nhanh hơn, doanh thu của chuỗi này tăng lên ngưỡng 300 tỷ đồng. Bước chuyển lớn nhất diễn ra năm 2018, khi nhà máy thứ hai của Phúc Long được xây dựng tại Bình Dương và họ quyết định mở rộng ra thị trường ngoài Bắc.
Vị trà đậm, nhiều sắc ngọt đặc trưng của thị trường miền Nam trở thành nét đặc sắc của Phúc Long so với các thương hiệu tại thị trường Hà Nội.
Minh chứng dễ thấy nhất là hàng dài người xếp hàng chờ mua trước quầy hay tình trạng quá tải trên những ứng dụng gọi đồ khi cửa hàng đầu tiên của Phúc Long được mở. Chỉ trong hơn một năm, Phúc Long mở 10 cửa hàng tại Hà Nội, quy mô chỉ đứng sau TP HCM (47 cửa hàng). Doanh thu năm 2019 vì thế cũng tăng đột biến gần 65%.
Tuy nhiên, tăng trưởng cao nhờ mở rộng thị trường ra Hà Nội thực tế chỉ giúp Phúc Long thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu. Xếp trên Phúc Long, Starbuck đạt doanh thu năm 2019 hơn 780 tỷ, còn The Coffee House đạt hơn 860 tỷ đồng. Trong khi đó, Highland vẫn duy trì khoảng cách lớn với phần còn lại khi đạt doanh thu gần 2.200 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu cao nhưng lợi nhuận của chuỗi Phúc Long những năm gần đây cũng chỉ ở mức vài tỷ đồng. Kết quả này có thể do quá trình mở rộng liên tục và biên lợi nhuận không quá cao. Việc đánh đổi lợi nhuận lấy doanh thu là điều mà nhiều chuỗi đang làm để đẩy nhanh việc chiếm thị trường.
Ngoài ra, tương tự Starbucks, nguyên liệu đầu vào được Phúc Long tự thực hiện từ khâu sản xuất cho tới xử lý. Chuỗi này sở hữu hai đồi chè tại Thái Nguyên và Bảo Lộc, cùng hai nhà máy tại Bình Dương. Biên lợi nhuận gộp của Phúc Long vì thế chỉ đạt trung bình 35%, bằng một nửa Highland và The Coffee House.
Minh Sơn