Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine ngày 24/2/2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden lập tức hành động. Mỹ nhanh chóng thành lập một liên minh quốc tế hỗ trợ Ukraine, cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự, huấn luyện quân đội cho Kiev và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy với Moskva.
"Nếu không có viện trợ từ Mỹ và sau đó là những hỗ trợ rộng rãi hơn của châu Âu, Ukraine có thể đã sụp đổ", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định. "Những hỗ trợ này mang tính sống còn và tiếp tục duy trì nó là điều vô cùng quan trọng".
Nguồn viện trợ quân sự khổng lồ từ hàng chục quốc gia được điều phối thông qua Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, với đại diện khoảng 50 quốc gia lần đầu tiên họp mặt vào tháng 4 năm ngoái.
Trong các cuộc họp của nhóm, phía Ukraine cập nhật tình hình chiến trường và đưa ra yêu cầu về vũ khí để các nước xem xét và đưa ra khoản hỗ trợ cần thiết, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper, nói.
Các đồng minh ủng hộ Kiev cũng đang huấn luyện binh sĩ Ukraine, nỗ lực được thực hiện thông qua Nhóm Hỗ trợ An ninh - Ukraine. Mỹ đã bắt đầu chương trình huấn luyện kỹ chiến thuật và cách sử dụng khí tài phương Tây cho quân nhân Ukraine.
Washington cùng các đồng minh còn áp đặt nhiều vòng trừng phạt với Moskva, nhắm tới các mục tiêu như tổ chức tài chính Nga, khả năng nhập khẩu công nghệ và xuất khẩu năng lượng của nước này.
Stephen Sestanovich, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu Nga và Á - Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho hay nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng liên minh quốc tế hỗ trợ quân sự cho Ukraine thể hiện khác biệt cơ bản giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden với người tiền nhiệm Donald Trump.
Nhiều người trong chính quyền cựu tổng thống Trump "không thích các thể chế, quy trình và những nhà lãnh đạo ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Những quyết định ông Trump đưa ra thường xuyên hỗn loạn, khiến việc xây dựng chính sách chung với EU và phần còn lại của NATO trở nên vô cùng khó khăn", Sestanovich nói.
Chuyên gia này cho rằng nếu Trump tiếp tục nắm quyền, Mỹ khó có thể xây dựng được một mặt trận đoàn kết như vậy để duy trì huyết mạch vũ khí cho Ukraine.
Những viện trợ quân sự cho Ukraine bao phủ hầu hết các khía cạnh, từ trang bị, đồng phục, vũ khí bộ binh, đạn dược, đến hệ thống tên lửa, pháo, tổ hợp phòng không và xe tăng, xe bọc thép.
Cooper cho biết tổng hỗ trợ an ninh của Mỹ cùng các đồng minh cho Ukraine từ đầu chiến sự đến nay đã lên tới khoảng 45 tỷ USD. Mỹ cung cấp phần lớn trong số đó, với viện trợ được chuyển giao chủ yếu thông qua hai con đường: Rút vũ khí trực tiếp từ các kho dự trữ quân sự và qua các đơn đặt hàng quốc phòng.
Tuy nhiên, nỗ lực bơm vũ khí này cũng gây ra thách thức lớn với Mỹ. Việc liên tục rút vũ khí từ kho dự trữ khiến Mỹ có nguy cơ cạn kiệt nguồn dự phòng, làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Mỹ đã ký các hợp đồng giá trị lớn với nhiều tập đoàn quốc phòng để thúc đẩy sản xuất vũ khí, nhưng quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian.
Theo Cancian, nguy cơ này "sẽ ngày càng nghiêm trọng" với kho vũ khí Mỹ, đặc biệt là với nguồn cung đạn pháo. Quân đội Ukraine khai hỏa khoảng 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhiều hơn những gì ngành công nghiệp phương Tây có thể sản xuất.
Tìm kiếm và mua vũ khí từ các quốc gia khác để chuyển tới Ukraine có thể là một giải pháp. "Nguồn viện trợ quân sự sẽ tiếp tục, nhưng cách thực hiện sẽ phải thay đổi để thích ứng", chuyên gia từ CSIS nhấn mạnh.
Dù ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với nỗ lực hỗ trợ Ukraine nhìn chung vẫn mạnh mẽ, đã xuất hiện một số tiếng nói kêu gọi Washington hạn chế viện trợ.
"Không còn tiền cho Ukraine nữa", nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz hồi đầu tháng viết trên Twitter.
Tuy nhiên, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng hồi cuối tháng trước đã kêu gọi tăng viện trợ cho Ukraine, hối thúc Lầu Năm Góc chuyển giao những hệ thống vũ khí tiên tiến mà Washington chưa từng cung cấp cho Kiev.
Sestanovich nhận định mức hỗ trợ hiện tại của Mỹ với Ukraine có thể được duy trì trong thời gian dài. "Điều khó khăn hơn là tìm ra cách để tăng mức hỗ trợ đó lên một cách nhanh chóng", ông nói. "Mỹ và các đồng minh phương Tây biết rõ rằng đẩy mạnh viện trợ là điều cần thiết, nhưng họ chưa thể thống nhất những chi tiết liên quan".
Vũ Hoàng (Theo AFP)