Là một trong những học sinh ưu tú của cuộc thử nghiệm giáo dục cách đây 40 năm, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT Nguyễn Thành Nam nhớ như in những ngày đầu tiên vào học ở ĐH Kỹ thuật Quân sự. Những học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học (với Toán trên 8 điểm) được tập hợp thành một đại đội, vừa học ngoại ngữ, vừa học kiến thức Toán, Lý, Hoá, vừa rèn luyện đủ 11 chế độ trong ngày như một quân nhân thực thụ.
Mới học xong THPT, lại có thành tích cao trong học tập, Nguyễn Thành Nam khi đó nghĩ rằng "không có gì là mình không biết". Nhưng khi vào môi trường quân đội, bài học đầu tiên ông nhận ra là vẫn còn rất nhiều điều bản thân chưa biết.
Ông kể, khi vào trường, đại đội trưởng gọi mọi người đến thông báo: Trong một năm học, mỗi người phải tăng gia sản xuất được 25 kg rau. Khi hỏi trồng ở đâu, đại đội trưởng chỉ tay lên quả đồi trơ trọc gần đó. Nam và các bạn trong nhóm họp bàn "kế sách". Cây bí ngô được lựa chọn vì "chỉ cần vài quả đã đủ chỉ tiêu".
"Lúc ấy chúng tôi cho rằng mình thật thông minh, trồng cây này cho quả to, nặng, sẽ nhanh chóng nộp đủ 25 kg mỗi người. Chúng tôi còn băn khoăn không hiểu tại sao các chiến sĩ lại kém thông minh, đi trồng cải cúc vì nó rất nhẹ, biết đến bao giờ mới đủ cân? Nhưng chúng tôi đã lầm", ông Nam thừa nhận.
Đất đồi cằn cỗi, phân bón khan hiếm nên cây bí ngô chỉ cho quả bằng nắm tay, lại vài tháng mới được thu hoạch. Cuối năm đội của ông Nam không hoàn thành khối lượng được giao. Trong khi luống cải cúc của các chiến sĩ mọc như thổi, được cân cả gốc lẫn ngọn, lại liên tục gối vụ nên chẳng bao lâu đã hoàn thành nhiệm vụ.
"Trồng rau thất bại, tôi mới nhận ra thực tế không đơn giản như lý thuyết. Bài học đầu tiên ở doanh trại quân đội đã cho chúng tôi biết rằng những điều mình biết còn quá ít ỏi và chân trời kiến thức còn ở phía trước", Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Nam (hàng giữa, thứ 3 từ trái sang) cùng các bạn trong khóa chụp với các thầy ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Quý Đoàn.
Thời gian một năm ở ĐH Kỹ thuật Quân sự đối với Giám đốc Công ty School@net Bùi Việt Hà chính là lúc ông học được nhiều, tiếp thu nhiều nhất. Học tập xen kẽ với tập quân sự, hành quân đêm, chạy việt dã, đào giao thông hào, tăng gia sản xuất... đã giúp những học sinh mới rời ghế nhà trường trưởng thành, tự lập, chỉn chu hơn.
Ông Hà nhớ nhất thầy My dạy toán cho lớp. Vừa nhập ngũ vào quân đội, thầy My đã được đơn vị phân công chuẩn bị chương trình Toán đặc biệt cho các lớp "pachemu" này. "Tôi được nghe kể lại là rất nhiều đêm thầy thức trắng để soạn giáo án, sáng mai chỉ ăn một quả trứng rồi dạy ròng rã suốt cả ngày. Tình cờ một hôm tôi thấy được toàn bộ chương trình giáo án Toán mà thầy My đã biên soạn riêng cho lớp chúng tôi, một bộ khoảng 10 cuốn sách dày. Nhưng thời gian không cho phép nên thầy chỉ dạy được một phần nhỏ trong bộ giáo án trên. Thật may mắn tôi được thầy tặng riêng cho bộ giáo án này, và trong suốt thời gian một năm tôi đã đọc và tự học gần hết bộ sách đó. Chỉ một năm nhưng tôi đã học được thêm nhiều tri thức", ông Hà cho hay.
Các học viên Quỳnh Như, Minh Tuyền, Minh Phương là 3 trong 8 cô gái của khóa C116. Bà Quỳnh Như nhớ lại, là cô gái nhà nông, không học trường chuyên, được chọn vào đào tạo khiến bà lo lắng, dù thi đại học đạt 25 điểm. Song khi bước vào khóa học, tất cả học viên đều được nhà trường tạo dựng cho cơ hội học tập ngang nhau. Đang là những chàng trai, cô gái xuân thì nhưng dưới kỷ luật nhà binh tất cả chỉ biết tập trung vào học tập, rèn luyện. Chỉ một năm ngắn ngủi mà con người trở nên khác hẳn, chững chạc, hiểu biết hơn.
Bà Như chia sẻ: "Đang là con bé mới lớn chưa biết gì, vào đó được rèn cho nên con người. Mỗi lúc đi ăn cơm, những tối nhà trường chiếu phim ai nấy đều phải xếp hàng, đánh tay đều răm rắp, gấp chăn màn, quần áo thì vuông vức lắm". Bà Như vẫn nhớ những buổi hành quân thâu đêm, các bạn nam phải đeo nặng, bạn nữ chỉ phải đeo cái túi rỗng mà vẫn thấy mệt. Kỷ luật là vậy nhưng dưới ánh trăng thanh mát và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các buổi hành quân trở thành những kỷ niệm đẹp khó phai mờ.

Học viên Minh Tuyền, Quỳnh Như, Minh Phương (từ trái sang) trong một cuộc hội ngộ mới đây. Ảnh: Phan Dương.
Còn bà Minh Tuyền thì nhớ mãi những khi đến phiên trực nhật. Chưa đến 5h sáng bà và một cô bạn tên Thiều Hoa phải đi lấy phân tưới rau. Hôm nào làm việc này hai cô gái cũng thấy mình như "kẻ trộm", tưới xong rau là chạy ào về phòng cười khúc khích.
Sau một năm rèn luyện, các học viên Quỳnh Như, Minh Tuyền và Minh Phương đều sang Liên Xô học tập. Sau 5 năm trở về, bà Như công tác trong ngành dầu khí, bà Tuyền làm giảng viên công nghệ thông tin của ĐH Thương mại, bà Minh Phương công tác ở Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho tới lúc nghỉ hưu.
Bữa ăn thời học dự bị một năm cũng là kỷ niệm mà nhiều học viên không thể nào quên. Ông Đinh Quang Thái cho biết, dù được ưu tiên dành những gì tốt nhất, được ăn bếp trung táo - tương đương với sĩ quan, song những năm 1981-1982 bữa ăn của học viên vẫn là gạo hẩm thiếu vitamin khiến học viên bị phù thũng đồng loạt (do gạo phải chà/xay nhiều lần cho hết mùi ẩm mốc, mất hết lớp vỏ chứa vitamin bọc ngoài).
"Quân y cơ sở 2 tại Tân Sơn Nhất sáng kiến làm món 'bánh cám', đến giờ ăn mỗi mâm có 6 miếng bánh ngòn ngọt cho mỗi đứa một cái. Khổ nỗi đứa nào phù thũng lại không nuốt nổi, còn đứa không bị cứ tì tì chén hộ bạn", ông Thái nhớ lại.

Những gương mặt từng trải qua một năm rèn luyện ở Học viện Kỹ thuật Quân sự thời gian từ 1972-1981. Ảnh: Quý Đoàn.
Nhận xét về dự án đưa học sinh xuất sắc vào rèn luyện trong môi trường quân đội một năm trước khi gửi ra nước ngoài học tập, ông Đỗ Duy Chính (Giám đốc Công ty Edusoft Việt Nam) cho rằng, đây là dự án giáo dục có ý nghĩa chiến lược, tiếc là chỉ thực hiện được một phần nhỏ và bị dừng lại sau 10 năm. Mặc dù vậy, cuộc thử nghiệm cũng đã có kết quả trông thấy, thế hệ học viên sau khi về nước đã và đang góp phần phát triển đất nước trên mọi mặt.
Ông Chính mong muốn dự án sẽ được tiếp tục thực hiện ở giai đoạn hiện nay, để kéo gần hơn khoảng cách kinh tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Việc quan trọng nhất theo ông là cần xác định đúng ai (tầng lớp nào) có thể là người đưa Việt Nam tiến lên. Tiếp theo là cần lựa chọn những "vì sao của đất nước" để đào tạo và tạo điều kiện để họ phát huy hết tài năng, trí tuệ.
Trung tướng Phạm Thế Long (nguyên giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho rằng, đúng như ý nhiều đồng đội của ông đã nêu, cuộc thử nghiệm thiếu chiến lược xuyên suốt và một kế hoạch dài hơi, bài bản. Khi những người khởi xướng không còn giữ chức vụ cũ, thì thử nghiệm phải dừng lại. Lúc ấy không còn ai nói về chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài nữa.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn những năm 1971-1981, Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu và Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Quân sự Đặng Quốc Bảo đã dám đầu tư cho một nhóm "Quý hơn" so với các học viên khác thì đấy là một quyết định mạnh dạn. Mọi cuộc cách mạng, mọi sự đổi mới đều phải bắt đầu từ những quyết định, cách làm, mong muốn đột phá, khác với lối mòn thông thường.
"Những học viên được lựa chọn trong cuộc thử nghiệm giáo dục cách đây 40 năm cơ bản đều đã sống hết mình, làm việc hết mình, cống hiến hết mình, là những con người đàng hoàng, kể cả một vài người đang 'sa cơ, lỡ vận'", tướng Long nói.
Hoàng Thuỳ - Phan Dương