Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Incheon, Hàn Quốc, lúc 4h49 phút buổi sáng hôm ấy, tôi vẫn còn hoang mang tự hỏi: “Có thật không? Hay chuyến đi này chỉ là một trong những sự tưởng tượng phong phú của mình?”. Mãi đến khi rời sân bay đón xe buýt vào Seoul, hít căng lồng ngực luồng khí lạnh đến từng tế bào và khép lại vạt áo choàng cho thật ấm, tôi mới có thể tự nhủ trong vui sướng: “Mình đã đến rồi”.
Tôi có một danh sách nho nhỏ những thành phố muốn ghé thăm trong đời để thỏa đôi chân “muốn đi không muốn nghỉ”. Trong số đó, Seoul là một gạch đầu dòng mà tôi cứ tô đậm mãi. Cuối cùng, ngày đó đã đến một cách hoàn toàn bất ngờ, như món quà Giáng sinh được trao sớm vào giữa mùa thu tháng 10. Cho đến bây giờ, sau gần một năm kể từ chuyến đi ngắn ngày ấy, tôi vẫn biết ơn cơ hội ngọt ngào đã mang Seoul đến với tôi sớm hơn mong đợi.
Từ sân bay Incheon vào trung tâm Seoul mất khoảng hơn một giờ đồng hồ. Tôi dõi mắt qua khung cửa kính, ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Có người từng nói với tôi, tuy mặt trời vẫn là mặt trời ấy, nhưng bình minh không bao giờ giống nhau, vì mỗi ngày chúng ta lại đón buổi sáng bằng một tâm trạng khác. Ngày hôm đó, tôi đã đón ngày mới ở một nơi hoàn toàn xa lạ bằng tất cả sự hớn hở và xúc động.
Xe buýt dừng ở trạm. Chúng tôi kéo va li lách cách trên đoạn đường thoai thoải dốc về khách sạn nằm trên phố Myeong-dong. Mặc dù thấm mệt sau một đêm ngủ rất ít trên máy bay (tôi đã dành phần nhiều thời gian để xem một bộ phim tài liệu về ẩm thực Hàn Quốc), nhưng cả tôi lẫn mọi người trong đoàn đều không muốn chợp mắt chút nào, mà chỉ mong bước xuống phố ngay. Một tiếng đồng hồ check-in và dọn hành lý sao mà dài thế!
9h sáng, Myeong-dong vẫn còn “nửa thức nửa ngủ”, đường phố dần nhộn nhịp bước chân người đi học, đi làm, nhưng một số cửa hàng còn chưa vội mở cửa. Toàn con phố lát gạch, không chỉ sạch sẽ mà còn tạo cảm giác ấm áp thân quen, như thể bạn đang đi trên mảnh sân vườn nhà, giữa luồng khí mát lạnh và ánh nắng trong veo. Tôi giơ máy lên chụp hình như mụ mị, ghi lại từng góc nhỏ quanh chỗ tôi đứng, từ quầy bán báo với ông chú hỏi tôi muốn mua gì trong số các tờ tạp chí bắt mắt về sao Hàn đến cả chiếc nắp cống, từ một cửa hiệu thời trang sang trọng đến tiệm DVD nhỏ bằng nắm tay, từ chiếc áo khoác màu xanh navy đẹp tuyệt của một cô gái xinh xắn, đến bộ đồng phục của em học sinh vừa đi lướt qua… Tất cả những khoảnh khắc đó, tôi đều muốn giữ lại cho riêng mình để ghi nhớ buổi sáng này đây, lần đầu tôi đứng ở nơi này - Seoul.
Một người bạn Hàn Quốc xung phong dành hẳn một buổi đánh xe chở chúng tôi đi ăn gà tần sâm ở nhà hàng Tosokchon (토속촌 삼계탕) gần cung điện Gyeongbokgung. Trời lạnh lạnh, thố gà nóng hổi dọn lên làm tôi phấn khởi hẳn. Tôi vốn rất sợ lạnh. Trước khi đi Hàn, có một sự tình cờ là tôi được chiếc máy điều hòa trong công ty “huấn luyện” ba tuần ròng rã, ngày nào cũng phà hơi lạnh buốt. Nhờ vậy mà 12 độ C không quá khủng khiếp như tôi nghĩ. Kim chi ở đây được đựng trong những chiếc thố to, khách có thể dùng thoải mái. Quả đúng như bạn tôi kể, kim chi ăn ở đâu cũng không ngon bằng ăn ở chính Hàn Quốc. Người bạn bản xứ giới thiệu đây là tiệm gà tần sâm có tiếng, nhưng khi về khách sạn hỏi lại Google, tôi mới biết đây là nơi rất nổi tiếng, hầu như ít du khách nào đến Seoul mà có thể bỏ qua nhà hàng này.
Một điều tôi rất thích ở Seoul nói riêng (vì tôi chưa có dịp đến các thành phố khác ở Hàn) là ở những giao điểm chính đều có đội tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ mọi thông tin cho du khách. Trong lúc tôi đi dạo lơn tơn và đếm thử xem có bao nhiêu cửa hàng mỹ phẩm trên phố Myeong-dong thì ba anh cảnh sát trẻ măng mời tôi tham gia ghi hình một đoạn giới thiệu về cảnh sát hỗ trợ khách du lịch. Các anh ấy còn cho tôi số điện thoại tổng đài để gọi khi cần giúp đỡ.
Vì lịch trình công việc không giống nhau, tôi và một người bạn tranh thủ dạo bộ vòng quanh các con hẻm nhỏ dọc ngang phố Myeong-dong, thích thú ngắm những người bán khoai tây chiên xỏ que xoắn ốc trổ tài cắt khoai điêu luyện, thèm thuồng nhìn những chiếc kem ốc quế cao lêu khêu ngộ nghĩnh mà không dám ăn vì trời chiều lạnh teo. Buổi tối hôm ấy, một người bạn Hàn Quốc khác đãi chúng tôi bữa thịt nướng tuyệt vời trước khi cả đoàn kéo nhau lên Namsan ngắm thành phố về đêm.
Tôi đã từng du lịch nhiều nơi và luôn rung động trước vẻ đẹp về đêm của những miền đất mình từng đi qua, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc của buổi đêm hôm ấy, khi tôi đứng cạnh hàng rào “móc khóa tình yêu”, nhìn xuống Seoul rực rỡ ánh đèn phía xa, sau lưng là ngọn tháp N Seoul thắp sáng màn trời, và nghe hơi lạnh luồn sâu vào mái tóc, chảy qua từng ngón tay. Lúc rời cáp treo đi bộ một đoạn để lên đến nơi này, tôi đã “dại dột” nhúng một ngón tay vào vòi phun nước để cảm nhận cái lạnh. Hậu quả là ngón tay suýt đóng băng và đỏ ửng lên. Thật là một kỷ niệm nhớ đời!
Mặc dù không chủ đích đến đây để mua móc khóa tình yêu, nhưng người bạn bảo tôi đã đến rồi thì đừng bỏ lỡ. Tôi cẩn thận viết một dòng yêu thương nho nhỏ rồi tìm nơi nào dễ nhớ nhất để khóa lại. Ổ khóa của tôi màu đỏ, nổi bật giữa một mảng các ổ khóa đã phai màu vì nắng gió. Nghe nói, khóa xong phải vứt chìa đi mới “linh nghiệm”. Tôi không rõ có phải thế không, nhưng quyết định giữ lại chiếc chìa bé xíu xinh xắn ấy và cất sâu vào trong ví, như cất lại một chút nồng nàn và cuồng nhiệt của thời tuổi trẻ.
Ngày hôm sau, chúng tôi dành buổi sáng đi thăm cung điện. Cách đó ít lâu, tôi có xem một bộ phim truyền hình Hàn Quốc lấy cung điện làm bối cảnh chính. Sau này, khi chọn đề tài tiểu luận về nền công nghiệp du lịch của Hàn Quốc, tôi không quên đề cập đến chính sách quảng bá văn hóa của người Hàn thông qua làn sóng Hallyu. Quả thật mỗi thước phim đã tăng thêm tính kích thích và khơi dậy sự tò mò cho những ai muốn khám phá du lịch ở đất nước này. Khi bạn đi chơi, bạn cảm thấy sảng khoái trước mỗi cảnh đẹp. Nhưng nếu khung cảnh đó từng được ngắm trên màn ảnh nhỏ hay màn ảnh rộng, bạn sẽ càng cảm thấy thú vị hơn và lần sau, nếu xem lại bộ phim, bạn sẽ phấn khích hơn. Tôi đi bộ dọc quanh vườn thượng uyển, dừng chân trước mặt hồ long lanh dưới ánh mặt trời, một lần nữa cảm thấy thật may mắn khi có cơ hội chạm tay đến khung cảnh tuyệt đẹp này. Tôi đã đặt tên cho buổi sáng hôm ấy là “Buổi sáng thái tử phi”, để ghi nhớ ký ức bên chiếc hồ mà tôi đoán đã xuất hiện trên phim (không biết có chính xác không, bởi hoàng cung mênh mông quá).
Thế còn buổi chiều hôm ấy lại được tôi “ưu ái” đặt cho cái tên “Buổi chiều Gangnam và cơn ác mộng”. À, thật ra Gangnam rất tuyệt! Lúc tôi đăng lên Facebook một tấm ảnh đang ngồi thưởng thức chiếc bánh tiramisu ngon “thần sầu” trong tiệm cà phê Coffeesmith, một anh bạn còn hỏi đùa có gặp chú Psy ở đấy không. Đường phố đẹp như một bức tranh với hàng cây ngân hạnh dọc hai bên vỉa hè. Khi ấy đã sang thu, nhưng lá chưa kịp nhuộm vàng hết cả, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một tán cây còn xanh mướt một màu. Cơn ác mộng ấy thật ra do tôi bị say xe, đón taxi lên trường đại học Seoul tham quan nhưng lại đi nhầm đường, lên đến nơi thì trời đã tối hẳn.
Tôi còn nhớ khi băng sang đường để vào cổng trường, tôi ngước nhìn mảnh trăng tròn vành vạch trên cao, đẹp lạ lùng mà không nhấc nổi tay để ghi lại một tấm ảnh. Không sao, có khi nhờ vậy mà tôi đã ghi lại rất sâu trong ký ức của mình. Sau này, thi thoảng tình cờ nhìn trăng mười sáu, tôi lại nhớ đêm hôm ấy, và trời thì lạnh đâu đó chừng 5 độ C… Vì quá mệt, tôi đành một mình đón taxi về lại khách sạn và say xe điên cuồng, mấy lần suýt gọi điện số khẩn cấp mà anh cảnh sát đã cho, nhưng rồi nhớ ra tôi làm gì có sim Hàn Quốc… Đến lúc thấy hoàng cung thấp thoáng bên đường, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì biết đường về khách sạn gần đây thôi.
Hôm sau, tôi tiếp tục dạo bộ một vòng qua Nhà Xanh. Mọi thứ trên đường đều mang đến cho tôi cảm giác thú vị, từ những hạt dẻ to đùng nóng hổi ngọt bùi bán bên vệ đường đến những bụi hoa cúc dại trước công viên quảng trường, từ những em bé lũn cũn tay cầm bong bóng, tay nắm gấu áo choàng của mẹ đến những chiếc lá vàng rơi lả tả theo gió. Tôi nhặt một chiếc lá nhỏ, ép vào ví, mang về làm kỷ niệm để nhớ một mùa thu.
Ở Seoul, tôi đi bộ không biết mệt. Đường có dài mấy, dốc có cao mấy, tôi cũng rất hăng hái. Trên đường về, tôi ghé vào một chợ nhỏ, ngắm nhìn khung cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây. Tôi gặp một đám cưới dọc đường, cô dâu và chú rể sau khi biết tôi là du khách đã vui vẻ chụp hình chung. Hôm ấy chắc có lẽ nên đặt tên là "Ngày đi bộ" vì tôi đã đi đến… mòn cả đế giày dọc theo con suối Cheonggyecheon, rồi khám phá chợ Dongdaemun, sau đó không quên để lại dấu chân trên khắp các nẻo chợ đêm Myeong-dong.
Tôi có một kỷ niệm nhớ đời ở Hàn, đó là làm rơi mất chiếc ví có hộ chiếu (và chiếc chìa khóa nhỏ). May thay, ngày hôm đó, tôi chỉ đi quanh quẩn những nơi gần Myeong-dong và phát hiện mất ví khi vào Lotte mua hàng “duty free” (miễn thuế - bạn cần trình hộ chiếu ở đây). Cạnh khách sạn là thánh đường Myeong-dong nổi tiếng của Hàn Quốc. Tôi đã đến đây cầu nguyện và rồi trước khi tôi kịp đến Lãnh sự quán Việt Nam để làm thủ tục, chiếc ví đã trở về khách sạn như một sự thần kỳ, nhờ một người đi tàu điện nào đó đã nhặt và lần theo danh thiếp của khách sạn để gửi lại cho tôi. Mãi đến giờ, tôi vẫn không thể biết đó là ai để gửi một lời cảm ơn.
Khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại ở Seoul xinh đẹp, tôi đã đi dạo dọc sông Hàn, chụp lại biết bao hình ảnh đẹp, đoán xem chiếc cầu nào từng xuất hiện trong bộ phim The Host, giành ngồi xích đu với các em nhỏ ở công viên, đi xe đạp, ăn mì ly và kẹo bông gòn, đọc sách ở một xe bán sách lưu động. Tôi còn ngồi 30 phút cho họa sĩ đường phố vẽ tranh (nhưng bác ấy vẽ tôi trông buồn quá, chắc lúc ấy tôi đang đói meo), đi nhà sách, ghé rạp chiếu phim, thăm làng dân tộc hanok, ăn một bữa cơm hoành tráng với vài người bạn ở Hàn Quốc… Điều khiến tôi vui nhất là trong khoảng thời gian một mình ở Seoul, tôi đã kịp trở lại Namsan vào buổi sáng và chào tạm biệt chiếc khóa màu đỏ của mình. Khi ấy, tôi có nói rằng một ngày kia, nếu sớm có dịp trở lại thăm nơi này, và người ta chưa tháo dỡ bớt vì quá nặng thì tôi lại tháo ổ khóa mang về Việt Nam. Tôi nghĩ chắc hẳn sẽ kỳ diệu lắm nếu chiếc khóa vẫn còn ở nơi đấy, chờ tôi, như một lời hẹn rằng tôi sẽ trở lại.
Tôi vẫn còn rất nhiều nơi muốn ghé thăm, còn muốn khám phá xem con cá to đùng dưới sông Hàn quẫy nước tung tóe là loài cá gì, còn muốn ăn thử một chiếc kem ốc quế lạnh buốt, muốn ngắm Seoul trên những con đường khác. Tôi muốn thấy hoa nở trên những lối đi, muốn chạm tay đến những điều xinh đẹp ấy thêm một lần nữa, để thấy cuộc sống của mình thêm đáng giá từ những hành trình đầy ký ức.
Cuộc thi 'Hàn Quốc hành trình kỷ niệm' do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Tổng cục Dua lịch Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 31/8. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Phùng Khôi Vân Hạnh