Stockton, thành phố với 290.000 dân thuộc bang California vừa nộp đơn xin phá sản. Đây là thành phố lớn nhất bị phá sản từ trước đến nay của nước Mỹ. Nguyên nhân chính do bị mắc kẹt bong bóng bất động sản khiến doanh thu thuế sụt giảm nghiêm trọng, trong khi trợ cấp lương hưu tăng mạnh. Stockton đang trở thành ví dụ điển hình cho tình trạng báo động tài chính ở địa phương.
Dù các thành phố lớn khác tại Mỹ chưa phải đối mặt với tình trạng sắp phá sản hoặc khủng hoảng tài chính, toàn bộ nước Mỹ vẫn đang gồng mình với con đường đầy gập ghềnh phía trước và dự báo sẽ ghi nhận thêm nhiều vụ phá sản của các địa phương từ một số chuyên gia kinh tế.
Vấn đề chủ chốt ở tất cả những thành phố này là tình trạng chi phí lương hưu công chức nhà nước cùng dịch vụ y tế quá cao. Theo Moody's, trong 42 năm qua, 71 vụ vỡ nợ xuất hiện đều có liên quan đến trái phiếu chính quyền địa phương Mỹ, bất động sản hoặc dịch vụ y tế. Trong khi đó, chỉ 5 vụ có liên quan đến nghĩa vụ chung toàn thành phố.
Năm 2011, một nghiên cứu được thực hiện bởi Joshua Rauh, chuyên gia tài chính đại học Northwestern, chỉ ra quỹ lương hưu trong các bang và chính quyền địa phương đang bị thiếu hụt từ 1.300-3.000 tỷ USD.
Nếu con số này là chính xác, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ phải chịu khoản nợ lên tới 2.000 USD. Thậm chí, mức này còn lớn hơn đối với những thành phố như New York, Chicago hay San Francisco. Nếu không xử lý kịp thời, tình trạng trên sẽ dẫn đến khủng hoảng nợ công.
Những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề từ bong bóng bất động sản và suy thoái sẽ là các nạn nhân gặp nhiều nguy hiểm nhất. Detroit là ví dụ điển hình và theo sau rất có thể là Santa Ana. Thành phố này đã bị Moody’s xếp hạng ở mức gần "rác" – hạng thấp nhất, có nghĩa không đáng để đầu tư.
Thêm vào đó, rất nhiều thành phố khác cũng đang phải chịu áp lực hành động để giữ vững xếp hạng tín nhiệm mức cao. Ví dụ Boston, vào năm 2011, liên đoàn lao động thành phố đã phải cắt giảm những khoản phụ cấp thời điểm hiện tại và lương hưu trong tương lai của người lao động. Trong tháng này, cử tri tại 2 thành phố San Diego và San Jose cũng phải lựa chọn cắt giảm lương hưu khu vực công để có thể cải thiện tình hình tài chính toàn thành phố.
Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng đưa ra những cảnh báo về tình hình tài chính của địa phương. Trong báo cáo tháng 4 về Chicago, Fitch nhận định với lần giảm thuế gần đây nhất, gánh nặng nợ của Chicago vẫn trên mức trung bình, dịch vụ nợ tăng cao trong khi vốn bị thiếu hụt. Tương tự vậy, Standard & Poor's cũng cảnh báo tình trạng của Detroit, mặc dù những nỗ lực đáng kể trong việc xóa bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách đã được thực hiện, thành phố này vẫn phải đối mặt với căng thẳng tài chính.
Tuy nhiên, theo David Jacobson, người phát ngôn của Moody’s, hầu hết các thành phố Mỹ đều có thời gian điều chỉnh và tránh căng thẳng tài chính, đồng thời giới đầu tư cũng tin tưởng các chính quyền địa phương có thể thực hiện điều đó. Bằng chứng là dòng tiền đầu tư vào các trái phiếu chính quyền địa phương vẫn gia tăng trong những năm qua.
(Theo TTVN)