Từ khi báo cáo của Thượng viện Mỹ được công bố cùng những cáo buộc tiếp tay rửa tiền của ngân hàng HSBC được đưa ra, không chỉ trụ sở đặt tại London, chi nhánh ở Mỹ và các nước có liên quan như Mexico lên tiếng, nay các chi nhánh khác cũng bắt đầu bị “soi”.
Hơn 300 trang báo cáo trong phiên điều trần của Thượng viện Mỹ đã vài lần đề cập đến Ấn Độ. Câu hỏi đặt ra lúc này là Ấn Độ có vai trò gì trong việc tạo điều kiện rửa tiền hay không.
Số lượng nhân viên giám sát làm việc toàn thời gian cho HSBC nhằm giúp đối phó với việc chống rửa tiền là hơn 200 người, trong đó có cả nhân viên người Ấn Độ. Mục tiêu là không quá 2% cảnh báo chống rửa tiền nằm trong hệ thống hơn 120 ngày mà không được giải quyết. Ngoài ra, hệ thống này cũng sẽ thông báo cho quản lý cấp cao hơn nếu việc tồn đọng vượt quá ngưỡng nhất định (thường là 6%). Trong tháng 11/2009, tỷ lệ này từ 4% trong tháng 10 đã tăng vọt lên 9%. Bốn tháng tiếp theo, tồn đọng giữ ở mức 9 – 10%, đến tháng 5/2010, cảnh báo tồn đọng còn khoảng 7%.
Đầu năm 2010, văn phòng kiểm soát tiền tệ thuộc Bộ tài chính Mỹ (OCC) phát hiện số lượng cảnh báo tồn đọng là hơn 17.000 nên yêu cầu HSBC giải quyết nhanh chóng trước ngày 30/6, trong đó có sự hỗ trợ của HSBC Ấn Độ. Sau khi yêu cầu này được thực hiện, OCC thẩm tra lần nữa và phát hiện “thiếu sót trong chất lượng công việc”, đề nghị ngân hàng phải làm lại 34% khối lượng cảnh báo đã giải quyết.
|
Giới phân tích cho rằng khả năng thoái vốn của HSBC là hoàn toàn có thể vì ngân hàng này đang quá tải với những gánh nặng tài chính, dù không tính đến 1 tỷ USD tiền phạt có thể phải đóng. Ảnh: Reuters. |
Dù báo cáo không nói rõ trong 34% cảnh báo này có bao nhiêu phần trăm được thực hiện tại Ấn Độ thì nhiều nghi vấn vẫn được nói đến. Năm 2007, OCC đến thăm chi nhánh HSBC ở Ấn Độ và nhận thấy chi nhánh này có “thủ tục giám sát yếu kém”.
Hai năm sau đó, HSBC đã cho phép chi nhánh của mình cung cấp đồng rupee Ấn Độ cho ngân hàng Al Rajhi của Arập Saudi, được cho là có liên quan đến các tổ chức khủng bố. Các thăm dò cũng tìm thấy sơ hở trong các giao dịch của HSBC với ngân hàng Islami Bangladesh, mở một tài khoản bằng USD với HBUS trong năm 2000, và thanh toán bù trừ tài khoản USD với ngân hàng HSBC Ấn Độ và Pakistan trong năm 2006.
Các nhà phân tích về cơ bản cho rằng những biểu hiện trên có thể cho thấy các giao dịch của HSBC Ấn Độ có dính líu đến hoạt động rửa tiền. Đại diện HSBC Ấn Độ đã không có bình luận gì. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các hoạt động của HSBC Ấn Độ, thậm chí là các chi nhánh HSBC trên toàn thế giới, sẽ được theo dõi kỹ lưỡng.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra dự đoán khoản tiền phạt mà HSBC phải hứng chịu sau vụ bê bối này là 1 tỷ USD. Trong lúc án phạt vẫn chưa được đưa ra thì thông tin về việc HSBC bán cổ phần tại tập đoàn Bảo Việt (BVH) với mức giá khoảng 400 triệu USD, đã có trên thị trường.
Ngân hàng HSBC cho biết đang thoả thuận với hãng bảo hiểm Sumitomo Life, Nhật để bán lại toàn bộ 18% cổ phần BVH, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Việt Nam, với hơn 130 chi nhánh. HSBC và Sumitomo Life đều từ chối bình luận về tin này.
Giới phân tích cho rằng khả năng thoái vốn của HSBC là hoàn toàn có thể vì ngân hàng này đang quá tải với những gánh nặng tài chính, dù không tính đến 1 tỷ USD tiền phạt có thể phải đóng, HSBC cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do nhiều lĩnh vực kinh doanh không tạo ra lợi nhuận.
Do đó, HSBC đang thu hẹp hoạt động ở các lĩnh vực kinh doanh và thị trường có mức lợi nhuận thấp nhằm thực hiện kế hoạch phục hồi dài ba năm. Hiện tại, ngân hàng này đã bán 28 hoạt động kinh doanh, giảm bớt 15.000 nhân viên và xử lý được 55 tỷ USD tài sản rủi ro cao. Cách đây bốn tháng, mảng kinh doanh bảo hiểm toàn cầu của HSBC cũng được chuyển sang cho AXA SA và QBE Insurance Group với giá 914 triệu USD. Tại châu Á, HSBC sở hữu và kinh doanh bảo hiểm tại Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Hong Kong.
Bốn ngân hàng lớn bị nghi thao túng lãi suất
HSBC mất uy tín sau vụ tiếp tay 'tiền bẩn'
HSBC bị cáo buộc tiếp tay 'tiền bẩn'
(Theo Sài Gòn tiếp thị)