Sáng nay, nhiều người dùng Internet tại Việt Nam cho biết một loạt các báo điện tử tại Việt Nam như Thanh Niên, Tiền phong, Sài gòn Giải phóng, VOV, Zing, trang web tổng hợp tin tức Báo Mới... đồng loạt không vào được. Các trang web này sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS) ePi, có hệ thống quản lý đặt tại trung tâm dữ liệu VinaData của VNG.
Cùng lúc, nhiều hệ thống website, nền tảng giải trí thuộc tập đoàn VNG, như trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3, ứng dụng nhắn tin và gọi điện Zalo, Zing TV, cổng thanh toán trực tuyến Zalo Pay, cùng hệ thống game trực tuyến cũng không thể truy cập.
Hệ thống quản lý của ePi đặt tại trung tâm dữ liệu ở Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tuy nhiên sáng ngày 23/9, QTSC mất điện. Trung tâm dữ liệu VinaData của VNG đã gửi email thông báo tình trạng tới khách hàng, trong đó cho biết đã xảy ra sự cố mất điện trong khu vực. Đội ngũ kỹ thuật vận hành đang chuyển sang sử dụng nguồn điện khác và hệ thống có thể sớm khôi phục. Tuy nhiên, tới 14h, tình trạng vẫn chưa được khắc phục.
Theo chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc, để xảy ra sự cố tại trung tâm dữ liệu do mất điện là điều "khó chấp nhận". "Điện, mạng, hệ thống làm mát là ba điều căn bản của trung tâm dữ liệu và là lý do để khách hàng tới sử dụng dịch vụ thay vì đặt máy chủ tại nhà. Thời gian bảo trì, khắc phục các sự cố như mất điện thể hiện khả năng và chất lượng của các trung tâm. Nếu downtime một phút là chuyện bình thường, 5 phút là sự cố lớn còn 30 phút tới một tiếng là khó chấp nhận được", chuyên gia này nói.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công nghệ công ty FPT Telecom, mất điện có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng tới hoạt động của trung tâm dữ liệu. Trong trường hợp thông thường, tình trạng này có thể nhanh chóng được khắc phục nhờ các máy phát hoặc bộ lưu điện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau khi có điện, hệ thống cần thời gian dài để hoạt động bình thường. Bởi trong quá trình khởi động lại, các luồng dữ liệu có thể không "khớp" được với nhau, do ảnh hưởng từ việc máy chủ bị mất điện đột ngột. Thời gian khôi phục lúc này phụ thuộc vào độ phức tạp và độ lớn của cơ sở dữ liệu. Trường hợp như vậy từng xảy ra tại một trung tâm dữ liệu ở Thái Lan và cần tới nhiều giờ để khắc phục.
Sự cố đã gây ảnh hưởng tới nhiều người sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam bởi đang sử dụng dịch vụ của VNG để hoạt động kinh doanh và trao đổi thông tin. Chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, anh Duy (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Đang truy cập Zalo thì gặp trục trặc. Ban đầu tôi cứ tưởng mạng lỗi, phải tắt đi bật lại Wi-Fi. Sau đó chuyển sang 4G mà vẫn không truy cập được. Định xóa đi tải lại ứng dụng thì lên Facebook thấy thông tin nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự".
"Nếu bảo trì trang web với trang nghe nhạc thì có thể. Chứ cả Zalo và các máy chủ game đều hỏng thì chắc đã có vấn đề lớn xảy ra", người dùng Facebook có tên Hoàng Thanh bình luận.
Đây là lần thứ hai trong năm 2018, VNG gặp phải sự cố mang tính hệ thống. Trước đó vào ngày 26/4, một thành viên trên diễn đàn Raidforums đã đăng đường link cho tải về hơn 163 triệu tài khoản Zing ID của công ty VNG. Dữ liệu khá chi tiết, bao gồm tên tài khoản, mật khẩu, email, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, số CMND - hộ chiếu... của các thành viên. Phía VNG sau đó cho biết dữ liệu nói trên nằm trong số 160 triệu tài khoản Zing ID có nguy cơ bị rò rỉ mà công ty đã phát hiện từ năm 2015. Tại thời điểm đó, công ty đã có biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn xâm nhập và hạn chế số người bị ảnh hưởng.
Đến 16h30, hệ thống của các báo điện tử Thanh Niên, Tiền phong, Sài gòn Giải phóng, VOV, Zing và trang web tổng hợp tin tức Báo Mới đã có thể truy cập. Song song với đó, dịch vụ của Zing như MP3, Zing TV đã hoạt động trở lại. Riêng nền tảng trò chuyện trực tuyến Zalo và ứng dụng thanh toán Zalo Pay vẫn bị lỗi.