Vương quốc Anh có tham vọng lớn lao để trở thành nơi ươm mầm các ý tưởng cho toàn cầu, thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế cả ở nước Anh và trên thế giới. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy tự do thương mại và đạt được các thỏa thuận thương mại với các thị trường mới trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Chúng tôi muốn trở thành một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như giải quyết các thử thách toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ của tôi là biến những tham vọng này thành những thành tựu trong mối quan hệ song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
18 tháng trước, tôi đến Việt Nam với tư cách là Đại sứ Anh khi hai nước chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện lớn đầu tiên của tôi là chào mừng chuyến thăm của tàu HMS Albion của Hải quân Hoàng gia - một minh chứng về sự hiện diện an ninh toàn cầu của Vương quốc Anh.
Tôi đã dành thời gian gặp gỡ các công ty Anh xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam. Tôi đã có dịp đến thăm 30 tỉnh thành tại Việt Nam và đã đến các trường đại học, bệnh viện và nhà máy địa phương. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ở Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đang trở thành một trong những tuyến đầu trong việc ngăn chặn những dịch bệnh mới như dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (2019-nCoV).
Tôi có thể nhận thấy người Việt Nam quan tâm nhất đến Vương quốc Anh như cái nôi của các trường đại học tốt nhất trên thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với sự tham gia toàn cầu.
Đầu tiên, tôi xin nhấn mạnh rằng quan hệ giữa Vương quốc Anh với EU vẫn tiếp tục dựa trên tình hợp tác và hữu nghị. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác ở Châu Âu về các vấn đề liên quan đến an ninh, vì an ninh của Châu Âu cũng chính là an ninh của chúng tôi.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có quan điểm rõ ràng, độc lập và sẽ có những hành động cụ thể về những vấn đề quan trọng với chúng tôi, và tiếp tục là đối tác với những quốc gia năng động như Việt Nam. Một ví dụ điển hình là cách mà Vương quốc Anh, Pháp và Đức đã cùng lên tiếng về tầm quan trọng của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) và tự do hàng hải trên toàn cầu.
Một trong những ưu tiên thúc đẩy của chúng tôi là lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nghiệp vượt trội của Vương quốc Anh. Mặc dù chỉ chiếm 1% dân số thế giới, nước Anh xuất bản 15% các nghiên cứu được trích dẫn thường xuyên nhất trên toàn thế giới. Một nửa trong số được đồng tác giả bởi các nhà nghiên cứu quốc tế. Chúng tôi sẽ dành một phần của GDP để tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), giữ vị trí của Anh là một cường quốc về sáng tạo và nghiên cứu, đồng thời là một đối tác hấp dẫn đối với các nhà khoa học Việt Nam hiện đang nghiên cứu cả ở Anh và Việt Nam.
Một lĩnh vực trọng tâm khác của chúng tôi là đóng vai trò tiên phong trên toàn cầu trong việc thúc đẩy tự do thương mại thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng và giúp các nước nghèo trên thế giới có độc lập kinh tế một cách thực sự. Mười ba thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết chính là minh chứng rõ ràng cho nền kinh tế năng động của các bạn. Chúng tôi tin tưởng thỏa thuận tự do thương mại song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ được ký kết để đảm bảo sự duy trì của hoạt động trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
Vương quốc Anh cũng sẽ tiếp tục đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Chúng tôi là một trong những quốc gia dẫn đầu trong công tác phòng chống biến đổi khí hậu và là nền kinh tế lớn đầu tiên chính thức thông qua cam kết cắt giảm khí thải nhà kính xuống 0% trước năm 2050.
Cuối năm nay, cùng với Italia, chúng tôi sẽ đăng cai Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) nhằm thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam là một trong các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C. Do vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn về tài chính và khuyến nghị các chính sách để giảm việc sử dụng năng lượng than và tận dụng tiềm năng lớn của Việt Nam về năng lượng gió và mặt trời. Tôi cũng đã được tận mắt chứng kiến việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ở Bình Thuận, được đồng tài trợ bởi nguồn hỗ trợ của Vương quốc Anh dành cho các dự án phát triển ở nước ngoài.
Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là nền kinh tế G7 duy nhất cam kết sử dụng 0.7% Tổng thu nhập quốc dân dành cho hỗ trợ phát triển nước ngoài, Vương quốc Anh sẽ hành động vì hòa bình, an ninh và phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam khi họ tham gia các phái bộ của Liên Hợp Quốc tại các khu vực đang có xung đột trên khắp thế giới. Chúng tôi cũng cam kết tuân thủ quyền con người và các quyền tự do có tính phổ quát nhằm đảm bảo tất cả người dân của chúng ta, không phân biệt giới tính, xu hướng tính dục hoặc sắc tộc, đều có quyền tham gia và hưởng lợi từ tiến trình phát triển.
Năm nay không chỉ là năm đánh dấu việc nước Anh rời khỏi EU. Đây cũng là năm Vương quốc Anh kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng ASEAN là khu vực sẽ tiếp tục lớn mạnh về kinh tế và chính trị trong thế kỷ này, và Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều nước khác trong ASEAN.
Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành "cửa ngõ" của khối ASEAN. Vì vậy, trong năm nay, tôi mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước chúng ta và đồng thời đóng góp vào quá trình xây dựng một thế giới an toàn và phát triển bền vững hơn.
Gareth Ward