Gần đây, đoạn video với hình ảnh ở huyện Liên Thủy, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, một số người đàn ông dùng những thanh sắt to dài chặn cửa ra vào một hộ gia đình, mặc những người bên trong gào thét phản đối kèm tiếng khóc của trẻ con, đã thu hút cộng đồng mạng Trung Quốc. Trên bức tường ngoài căn hộ cũng bị dán thông báo: "Gia đình này vừa từ Vũ Hán về, xin đừng tiếp xúc".
Hộ gia đình bị chặn cửa có tám người đang bên trong, trong đó có ba trẻ em mới từ Vũ Hán về quê đón Tết. Chủ gia đình họ Khang nói rằng, họ đã tự cách ly từ khi trở về nhưng không ai tin lời ông.
Ông Khang và vợ cùng gia đình 2 cậu con trai đến Vũ Hán làm việc hơn 11 năm nay. Năm nào họ cũng trở về Giang Tô đón Tết. Năm nay vào ngày 21/1, họ đã về đến Liên Thủy trước khi Vũ Hán chính thức đóng cửa và mọi người trở nên hoảng loạn về dịch bệnh.
"Sau khi rời khỏi Vũ Hán được hai ngày, chúng tôi nhận được hàng chục cuộc gọi của chính quyền hỏi về lịch trình, những khách sạn đã ở hoặc những nơi nghỉ chân tiếp xúc với nhiều người. Lúc này tôi mới hiểu, dịch bệnh đang thực sự rất khủng khiếp", ông Khang nói.
Gia đình ông Khang đã tự nguyện trình báo tên tuổi và số chứng minh tại huyện Liên Thủy. Hàng ngày ông cũng tiến hành đo thân nhiệt 2 lần cho tất cả những người trong gia đình và tự hạn chế ra ngoài trừ lúc đi chợ và đi đổ rác. Sức khỏe của 8 người trong gia đình ông đều bình thường.
Vào ngày mùng Hai Tết, ông nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu thông báo số chứng minh thư – việc ông đã thực hiện nhiều lần từ những ngày đầu trở về. Ông cảm thấy bực mình và nói rằng gia đình đang bị làm phiền và bản thân cảm thấy như một tội phạm bị truy nã.
"Người trong điện thoại nghe thấy vậy quát rằng gia đình tôi đáng lẽ không nên trở lại Liên Thủy. Ông ta cảnh cáo nếu không khai báo sẽ tự cách ly gia đình tôi với xã hội. Tôi chỉ nghĩ họ dọa dẫm nhưng buổi chiều hôm đó cánh cửa nhà tôi đã bị đóng chặt", ông Khang chia sẻ.
"Khi họ đóng đinh cánh cửa, cả nhà tôi ai cũng nghe thấy. Tôi và hai con trai vội chạy ra ngoài để mở cửa nhưng nó đã bị chốt chặt từ phía ngoài. Chúng tôi yêu cầu họ mở cửa nhưng chẳng thay đổi được điều gì".
Ông Khang cho hay, những người xưng là lãnh đạo cộng đồng nói rằng họ có nghĩa vụ cách ly gia đình ông với xã hội để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong 14 ngày. Những nhu yếu phẩm cần thiết họ sẽ mua, việc thanh toán do gia đình ông Khang chi trả.
Sau khi nhốt, ông muốn đưa gia đình trở về Vũ Hán. Tuy nhiên, nhà chức trách ở Vũ Hán khuyên ông nên ở lại Giang Tô vì tình hình dịch bệnh đang rất nghiêm trọng.
Hai ngày đầu tiên, những người trong gia đình ông Khang được một người hàng xóm cung cấp thức ăn. Người này đưa rau và thức ăn vào một cái túi rồi treo vào sợi dây thừng để gia đình ông kéo lên. Những ngày tiếp theo, đúng như cam kết trước đó, người ta đưa đầy đủ thức ăn theo nguyện vọng gia đình, giá rẻ hơn 20%.
"Mọi việc cũng ổn trừ mỗi việc cả nhà chỉ hoạt động trong một không gian chật hẹp, rác có khắp mọi nơi. Cả nhà cũng chỉ quanh quẩn chơi mạt chược và xem phim", ông Khang kể.
"Những ngày đầu tiên tôi rất phẫn nộ vì những người chốt chặn cửa gia đình tôi đã dựa vào điều gì để làm như vậy. Họ dựa vào sự hoảng loạn của chính mình để tước quyền tự do của người khác. Nhưng sau này tôi lại nghĩ đây đang là tai họa quốc gia, mình nên chấp nhận thực tế", ông Khang phân trần.
Người đàn ông này cũng cho hay, sau thời gian cách ly, mọi người trong gia đình ông vẫn khỏe mạnh và ông cảm thấy đó là điều hạnh phúc nhất. Ngay cả khi cánh cửa cách ly được mở, ông cũng không có ý định khởi kiện những người đã tự ý chốt chặn cửa nhà mình như suy tính ban đầu. "Thực ra họ có quá ít kiến thức về dịch bệnh. Họ đáng thương hơn chúng tôi vì luôn sống trong sợ hãi".
Sau khi nhận được thông tin, chính quyền huyện Liên Thủy đã dỡ bỏ những chốt chặn cửa bên ngoài gia đình ông Khang. Tuy nhiên gia đình ông hiện vẫn tự cách ly đủ 14 ngày theo yêu cầu của y tế địa phương.
Vy Trang (Theo bjnews)