Báo StraitsTimes đưa tin, anh Thoại, một công nhân nhà máy với mức lương tầm 3,3 triệu đồng, đã cố dành dụm để có đủ tiền mua tặng bạn gái chiếc iPhone 6 nhân ngày sinh nhật. Trong chuyến du lịch với người yêu tại Singapore, anh Thoại đã đến cửa hàng Mobile Air tại khu Sim Lim để mua iPhone 6 với giá 950 đôla Singapore (tương tương 16 triệu đồng), cao gấp 5 lần lương của anh.
Tuy nhiên, anh Thoại đã ký vào hợp đồng mà không đọc kỹ vì tiếng Anh của anh không thực sự tốt, hơn nữa anh nghĩ Singapore là một đất nước an toàn. "Khi họ hỏi tôi muốn gói bảo hành 1 năm hay 2 năm, tôi tưởng đó là một phần quà tặng đi kèm nên nói 1 năm. Anh ta không hề nói trước là tôi sẽ phải trả thêm tiền", anh Thoại kể lại.
Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng cho hay nếu không thanh toán cho gói bảo hành lên tới 1.500 SGD (gần 26 triệu đồng), anh Thoại không thể mang điện thoại ra khỏi cửa hàng.
Anh đã năn nỉ, van xin cửa hàng cho lấy lại tiền nhưng họ chỉ cười phá lên. Cuối cùng, Mobile Air đồng ý trả lại anh này 600 SGD, nhưng người bạn gái không chấp thuận và gọi cảnh sát. Khi cảnh sát tới, nhân viên Mobile Air nói anh Thoại đã ký hợp đồng với họ rồi nên cửa hàng sẽ chỉ hoàn lại 70 SGD. Nhờ sự can thiệp của Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore (Case), anh nhận lại 400 SGD. Anh rời cửa hàng, mất 550 SGD mà không có chiếc iPhone nào.
"Hai ngày nữa tôi sẽ về nhà, tôi không muốn gặp rắc rối nào nữa, nên tôi đành chấp nhận lấy lại một phần tiền", anh Thoại cho hay. Tổ chức Case cho biết cửa hàng Mobile Air đã bị 14 khách hàng phàn nàn trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 - con số cao nhất trong số các cửa hàng tại khu Sim Lim.
Trong bài viết "Bị lừa ở Sim Lim, Singapore" trên trang cá nhân của mình, anh Hoàng Sơn tại TP HCM cũng kể lại một kỷ niệm không vui tại đất nước này. Đầu năm 2013, anh tới một gian hàng ở Sim Lim để mua iPad cho bạn gái (vì ở những khu mua sắm khác, giá tablet của Apple khá cao). Nhân viên cửa hàng nhiệt tình mở hộp cho anh Sơn kiểm tra và dùng thử mà chưa cần trả tiền. Trong khi đó, họ yêu cầu đưa thẻ để thanh toán.
"Cầm thẻ tín dụng, bọn lừa đảo ngay lập tức charge tiền với giá gấp rưỡi (hoặc con số khác tùy lòng hảo tâm) khi chúng ta đang loay hoay. Thông thường tôi không để ai chạm vào thẻ của mình nhưng trong tình trạng một người cứ nói huyên thuyên về máy, một người cầm máy POS ngay bên cạnh để tạo sự tin tưởng thì sự nghi ngờ đã giảm đi rất nhiều. Trong trường hợp của tôi, số tiền bọn chúng tính là 571 SGD, trong khi giá bán lẻ đề xuất là 450 SGD. Khi hóa đơn in ra, tôi đã nghi ngờ và hỏi ngay và nhận được lời giải thích khá dễ chấp nhận: VAT ở Singapore cao, ra sân bay được hoàn lại 20%. Thực chất, trừ khi mua đồ ở Singapore nhiều mới biết hoàn thuế khoảng 5,5% thôi, còn tôi không mua trước đó nên không biết mức hoàn là bao nhiêu", anh Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi ký xong hóa đơn thẻ tín dụng, cửa hàng lại đưa một tờ hóa đơn viết tay khác chỉ ghi mua iPad trên đó mà không có số tiền phải trả, đề nghị ký sẵn để in ra một lần cho tiện.
"Chẳng hiểu sao tôi lại đặt bút ký vào đây mà không hề do dự. Sau khi đã ký xong, chúng lật mặt và nói là đã kích hoạt bảo hành 2 năm cho máy, tôi cần trả thêm tiền để lấy máy. Dù bạn nói bất cứ điều gì như tôi không sống ở Singapore nên không cần bảo hành, Apple bảo hành điện tử… thì cũng không có giá trị vì tôi đã ký giấy trên. Lúc này tôi hiểu mình đã bị lừa và gọi cảnh sát tới", anh Sơn kể lại. "Trong lúc đó, chúng ghi thêm vào hoá đơn viết tay là miếng dán màn hình và kích hoạt bảo hành 2 năm, kê khống lên khoảng 300 SGD. Ký giấy tức là tôi đã thừa nhận mua với giá đó nên trên danh nghĩa pháp luật tôi phải trả thêm 300 SGD mới được quyền lấy máy, nếu không sẽ mất trắng số tiền đã trả. Ba cảnh sát tới nhưng cũng không giải quyết được gì".
Sau một hồi thương thảo dưới sự giúp đỡ của cảnh sát, cửa hàng đồng ý giảm 200 SGD kích hoạt bảo hành và bán miếng dán màn hình cho anh Sơn với giá 100 SGD. Như vậy, tổng số tiền anh phải bỏ ra cho chiếc iPad Mini 16 GB WiFi lên tới gần 12 triệu đồng. Không những thế, khi ra sân bay trình giấy hoàn thuế, nhân viên hải quan ngạc nhiên nói đó không phải hoá đơn hoàn thuế.
Anh Sơn khuyến cáo khi mua sắm ở Sim Lim, người mua không nên trả lời bất cứ thông tin nào không cần thiết, thông báo rằng mình không cần kích hoạt bảo hành hay dịch vụ thêm nào khi mua đồ điện tử, hỏi số tiền cuối cùng cần phải trả cũng như chỉ ký hoá đơn nếu thực sự hiểu về số tiền ghi trên đó.
Châu An