"Đây là việc công ty không mong muốn nhưng sẽ tuân thủ quyết định của toà", bà Trương Ngọc Khanh - Tổng giám đốc SPP viết trong văn bản gửi Uỷ ban chứng khoán nhà nước cuối tháng 3. Trong giai đoạn này, công ty vẫn hoạt động bình thường nhưng chịu sự giám sát của thẩm phán toà án và quản tài viên.
Đến cuối năm 2019, công ty đang nợ 860 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu gần 440 tỷ đồng. Số dư vay quá hạn hơn 700 tỷ đồng và công ty chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay (ước tính 56 tỷ đồng) vào kết quả kinh doanh.
Ban lãnh đạo lý giải việc chưa hạch toán là do đang thương lượng với các tổ chức tín dụng, chưa thống nhất về số lãi phải trả. Đối với nợ vay quá hạn, công ty chưa thu xếp được tiền trả ngân hàng vì đang gặp khó khăn về tài chính, cộng thêm dịch bệnh.
Toà án TP HCM nhận thấy công ty mất khả năng thanh toán nhưng trên báo cáo tài chính, công ty vẫn cho rằng mức độ rủi ro với việc trả nợ là có thể kiểm soát. Công ty dự kiến sử dụng dòng tiền hoạt động kinh doanh và thu từ các khoản đầu tư tài chính đáo hạn để trả nợ. Trước đó, SPP nói đang làm việc với tập đoàn PHI Group của Mỹ để chào bán 51% vốn cổ phần và thu về khoảng 50 triệu USD.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm ngoái của công ty ghi nhận doanh thu giảm hơn 77%, còn khoảng 255 tỷ đồng và lỗ tăng vọt lên 720 tỷ đồng do thanh lý hàng tồn kho kém phẩm chất. Dựa trên số lỗ luỹ kế tính đến cuối năm hơn 690 tỷ đồng, phía kiểm toán nhận định khả năng hoạt động tiếp tục phụ thuộc vào mức độ sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu công ty.
SPP niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội từ năm 2008, chuyên sản xuất bao bì màng ghép phức hợp, nhựa và kim loại. Trong báo cáo những năm gần đây, ban lãnh đạo công ty thường nêu nhiều khó khăn như thiếu vốn lưu động để thanh toán tiền nguyên vật liệu nhập khẩu, đầu tư máy móc mới; các đối thủ cạnh tranh chuyển hướng sản xuất, nhắm vào những mặt hàng thế mạnh của công ty nên thị phần bị xé nhỏ...
Phương Đông