Nhẫn lông đuôi voi là một trong những mặt hàng lưu niệm phổ biến được bán trong các khu du lịch ở Buôn Đôn (Đắk Lắk). Nhẫn rỗng được làm bằng vàng, bạc... bên trong lồng lông đuôi voi, được nhiều du khách coi là món quà mang lại may mắn và giúp xua đuổi tà ma. Dưới đây là bài viết về thú chơi lông đuôi voi trên AFP.
Ven đường buôn Trí A (Đắk Lắk), một phụ nữ giơ lên cái đuôi voi quắt queo, lác đác vài sợi lông thô cứng trong cửa hàng lưu niệm. Bà hứa với khách rằng nó sẽ đem lại may mắn.
"Chị sẽ cắt một sợi ra ngay trước mặt em, để chắc là không phải hàng giả nhé", người bán hàng nói.
Những năm gần đây, nhiều tiểu thương bán hàng lưu niệm rỉ tai khách du lịch về truyền thuyết của người Tây Nguyên - ai nhặt được lông đuôi voi rụng trong rừng sẽ gặp may mắn. Những câu chuyện được thêu dệt bên sạp hàng bày lông đuôi voi, cùng trang sức hay tượng Phật tạc từ ngà voi có giá tới 900 USD.
Nhưng theo bà Linh Nga Nie Kdam, nhà nghiên cứu văn hóa Ê đê, người Tây Nguyên không bao giờ có tục cắt đuôi hay nhổ lông đuôi voi. Thậm chí, người M'Nông và Ê đê còn mang lòng tôn kính sâu sắc với loài động vật này.
"Họ yêu và xem những con voi như người trong nhà, nên họ sẽ không bao giờ làm hại chúng. Họ không bao giờ bán lông của chúng", bà Linh Nga Nie Kdam chia sẻ.
Tuy nhiên, thú đeo nhẫn hay vòng tết lông đuôi voi đang thúc đẩy "trào lưu thời trang đáng lo ngại" tại Việt Nam, nơi vẫn còn nạn buôn bán động vật hoang dã từ sừng tê giác, vảy tê tê, răng hổ cho tới mật gấu.
Xu hướng này gây khó khăn cho những con voi còn sống sót ở Việt Nam. Những kẻ săn trộm thường nhổ lông hoặc cắt cụt đuôi voi đem bán, khiến chúng không còn gì để xua ruồi hay làm sạch thân sau.
"Đuôi voi là phần giữ vệ sinh cho cơ thể, vì vậy nhổ lông hay cắt cụt sẽ gây trở ngại cho voi", Dionne Slagter, Quản lý Phúc lợi Động vật tại tổ chức Động vật Châu Á, nói với AFP.
Hiện Việt Nam chỉ còn lại 80 cá thể voi nuôi nhốt, và khoảng 100 cá thể sống trong tự nhiên - giảm từ mức 2.000 cá thể vào năm 1990. Bà Slagter nghi ngờ rằng phần lớn đuôi voi Việt Nam đang bị bán lậu sang những quốc gia láng giềng hoặc tới tận châu Phi.
Thậm chí, người dân của một số quốc gia châu Á còn có thói quen ăn thịt voi. Tại Myanmar, những con voi bị giết thịt để phục vụ nhu cầu gia tăng của người dân, và bán da voi sang Trung Quốc - nơi cực phẩm này được tin dùng để trị mụn hoặc chàm.
Nạn săn trộm và môi trường sống tự nhiên thu hẹp khiến số lượng voi hoang dã sụt giảm mạnh ở Thái Lan, Campuchia và Lào - những quốc gia vốn tôn thờ sinh vật này trong hàng trăm năm.
Theo quan niệm của người M’Nông, lông voi đem lại may mắn trong tình yêu và sức khỏe, tuy nhiên đó phải là cái lông rụng. Từ quan niệm ấy, người ta mới thích mang nhẫn, lắc, dây chuyền lông voi. "Đó là do người Việt mình biến nó thành trang sức, còn ngày xưa dùng từ 'sở hữu' đúng hơn", chị Huỳnh Thu, một người dân ở Đắk Lắk, trả lời VnExpress.
Anh Y’xuyên, quản tượng tại khu du lịch thác Bảy Nhánh - Buôn Đôn cho biết từ khi có du lịch, mới xuất hiện việc lông voi có nghĩa may mắn. "Nếu mà may mắn thật, chúng tôi bán lông làm gì, giữ cho con cháu gia đình chứ", anh nói. Theo anh Y’xuyên, câu chuyện lông voi mang may mắn, xua đuổi tà ma không có cơ sở. Anh cũng chưa từng được gia đình truyền lại câu chuyện này bao giờ.