Lưu Hà -
Trong thư ngỏ gửi tới nhiều địa chỉ sau khi cuốn sách phát hành (3/2008), dịch giả Giáp Văn Chung (một người Việt hiện sống ở Hungary) khẳng định, ông đã độc lập dịch từ đầu đến cuối Những ngọn nến cháy tàn. Theo ông, bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung được Trung tâm Đông Tây sử dụng là sản phẩm xào xáo từ bản dịch của ông.
Quá trình "chạy" từ tay người này đến tay người khác của bản dịch được ông Chung tường thuật như sau: bà Nhung và ông Chung vốn là những người thân quen trong một nhóm dịch giả người Việt ở Hungary. Khi ông Chung dịch Những ngọn nến cháy tàn, Nguyễn Hồng Nhung cũng đang dịch Lời cỏ cây (một tác phẩm khác cũng của Márai Sándor). Họ thỏa thuận, sau khi dịch xong, sẽ đổi cho nhau để hiệu đính chéo. Bà Nhung hiệu đính cuốn Những ngọn nến cháy tàn cho Giáp Văn Chung và ngược lại với cuốn Lời cỏ cây. Trong quá trình làm việc này, còn có một người thứ ba, tên là TĐ xuất hiện với vai trò cùng hiệu đính bản dịch Những ngọn nến cháy tàn. Từ chỗ "lắm thày", giữa họ nảy sinh những bất đồng quanh chuyện ai là dịch giả, ai là hiệu đính. Cuối cùng, khi Nguyễn Hồng Nhung đề nghị cả ba người đều đứng tên đồng dịch giả trên bìa sách, Giáp Văn Chung đã xin rút lại bản thảo vì thấy cách làm ăn của Nguyễn Hồng Nhung "thật phi lý và tùy tiện".
![]() |
Trang bìa cuốn "Những ngọn nến cháy tàn" do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông tây kết hợp NXB Lao Động ấn hành. |
Nhưng khi Những ngọn nến cháy tàn ra mắt đứng tên dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, ông Giáp Văn Chung đã so sánh hai bản dịch và cho biết, bản dịch của bà Nhung có nhiều đoạn giống hệt bản của ông (đã được đăng tải trên một trang web của người Việt ở Hungary, sau đó được in và bán ở Hungary). Trong khi đó, bà Nhung nói chuyện với một số người Việt ở Hung rằng bà đã bỏ ra một tháng để dịch lại cuốn sách sau khi ông Chung rút bản thảo.
Buổi giới thiệu Những ngọn nến cháy tàn và Lời cỏ cây của Márai Sándor diễn ra khi nghi án đạo dịch chưa được ngã ngũ. Khi biết thông tin về buổi ra mắt này, ông Chung lại tiếp tục có thư ngỏ, trong đó đặt ra vấn đề: Tại sao Trung tâm Đông Tây "khi đã có bản dịch của tôi trong tay, đã lên kế hoạch in, mua bản quyền, đã thiết kế bìa... sau đó lại dùng bản dịch do bà Nguyễn Hồng Nhung dịch lại...?". Ông yêu cầu các cơ quan hữu quan "kịp thời ngừng ngay việc giới thiệu và phát hành cuốn sách".
Trao đổi với eVăn, ông Đoàn Tử Huyến, Chủ tịch Trung tâm Đông Tây cho biết, Đông Tây đã mua bản quyền Những ngọn nến cháy tàn và việc giới thiệu tác phẩm này đến độc giả Việt Nam được thực hiện một cách hợp pháp và hợp lý. "Những việc xảy ra giữa ông Chung và bà Nhung là việc nội bộ của nhóm dịch. Đông Tây không làm việc trực tiếp với ông Chung nên không có chuyện tiếp nhận hay từ chối bản dịch của ông. Chúng tôi chỉ biết, sau khi ông Chung xin rút lại bản dịch, bà Nhung đã giao cho chúng tôi một bản dịch khác nói là của chính bà dịch. Chúng tôi sử dụng bản này. Chúng tôi không biết những khuất tất xảy ra giữa họ cho đến khi cuốn sách được ra mắt và có phản ứng của ông Chung", ông Huyến nói.
![]() |
Bản sách được ấn hành tại Hungary của dịch giả Giáp Văn Chung. |
Trước yêu cầu ngừng việc giới thiệu và phát hành cuốn sách, ông Huyến khẳng định, việc phán quyết (bản dịch này có đạo bản dịch kia hay không) thuộc về Tòa án (trong trường hợp có khiếu kiện). "Chúng tôi không thể ngừng việc giới thiệu hay phát hành cuốn sách khi chưa có phán quyết của Tòa án hoặc quyết định của các cơn quan hành pháp có thẩm quyền", ông nói.
Trước những xôn xao giữa hai bản dịch, những độc giả quan tâm đến cuốn sách đã có nhiều ý kiến trái chiều. Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh phát biểu: "Đây là một cuốn sách rất hay. Tôi và vợ tôi đều rất thích. Nên khi xảy ra chuyện này, tôi rất quan tâm. Tôi hy vọng vấn đề sẽ được làm sáng tỏ để độc giả có thể tiếp cận với một bản dịch hay".
Thanh Huyền (sinh viên khoa Văn) cho rằng: "Theo tôi, dịch giả Giáp Văn Chung có quyền. Tôi nghĩ, những băn khoăn của anh Chung cũng là có lý và chính đáng. Cá nhân mỗi độc giả khi đọc hai bản dịch sẽ có những cảm nhận khác nhau. Còn việc kết luận bản dịch này có đạo bản dịch kia hay không theo tôi là chuyện của các cơ quan có thẩm quyền".
Tại Việt Nam, đến nay chưa có vụ tranh chấp về tác quyền dịch nào được đưa ra tòa. Nhưng trước khả năng ông Chung khởi kiện để bảo vệ tác quyền dịch cho mình, một luật sư cho biết: "Thông thường, với những vụ tranh chấp về bản quyền tác phẩm dịch, tòa sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia. Họ có thể mời các dịch giả uy tín, am hiểu cả ngôn ngữ gốc của bản dịch để thẩm định xem mức độ xâm phạm tác quyền diễn ra đến đâu. Trên cơ sở đó, Tòa sẽ đưa ra kết luận. Tạm thời, dịch giả được coi là bị đạo bản dịch có quyền đưa ra yêu cầu với các cơ quan chức năng hoặc đưa ra lời cảnh báo với nhà xuất bản. Nhưng nếu muốn sách bị thu hồi, hoặc ngừng phát hành, anh ta phải kiện ra Tòa. Nhà xuất bản và dịch giả bị tố cáo đạo dịch sẽ thực hiện yêu cầu khi có phán quyết của tòa án".
Một số so sánh giữa hai bản dịch:
Bản của Giáp Văn Chung | Bản của Nguyễn Hồng Nhung |
- Thứ âm nhạc mà Konrád yêu thích không mang đến sự quên lãng, mà đánh thức những đam mê, cảm thức tội lỗi trong con người, nó muốn cuộc sống trong trái tim và trong tri giác con người trở nên hiện thực hơn. Thứ âm nhạc như thế thật đáng sợ, chàng nghĩ và bắt đầu huýt sáo nhè nhẹ một điệu van-xơ với vẻ bất cần. Vào năm đó, ở thành Viên, đâu đâu cũng thấy người ta huýt sáo những bài van-xơ đang thịnh hành của nhà soạn nhạc trẻ Strauss. Điều đó thật không dễ. Họ trò chuyện với nhau như hai người anh em. Henrik khẩn khoản nài Konrád hãy chia sẻ tài sản của chàng, mà chàng cũng chưa biết dùng nó vào việc gì. Konrád cố gắng giải thích: chàng không thể nhận dù chỉ một xu. Cả hai đều biết, sự thật là: con trai người vệ binh không thể cho Konrád tiền, chàng phải chấp nhận việc mình đi giải trí trong xã hội, sống phù hợp với phẩm hàm và tên tuổi của chàng, trong khi ở căn hộ Hietzing, Konrád ăn món trứng rán năm tối trong một tuần và tự đếm đồ lót từ nơi giặt gửi về. Nhưng điều đó không quan trọng. (trích Chương 7) - Người vệ binh già, hơi ngả mình về phía trước, chăm chú lắng nghe bạn của con trai mình, như nhìn thấy cậu ta lần đầu. Buổi tối khi chỉ còn hai cha con trong phòng hút thuốc, ông bảo con: - Konrád không bao giờ trở thành một người lính thực thụ đâu. (trang 45) |
- Thứ âm nhạc mà Konrád yêu thích không mang đến sự quên lãng, mà chạm tới những đam mê và ý thức tội lỗi trong con người, nó muốn cuộc sống trong trái tim và trong ý thức của con người hãy trở thành hiện thực hơn. Thứ âm nhạc như thế thật đáng sợ, chàng nghĩ và khe khẽ, bướng bỉnh huýt sáo nhè nhẹ một điệu van-xơ với vẻ bất cần. Vào năm đó, ở thành Viên, đâu đâu cũng thấy người ta huýt sáo những bài van-xơ đang thịnh hành của nhà soạn nhạc trẻ Strauss. Điều đó thật không dễ. Họ trò chuyện với nhau như hai người anh em. Henrik khẩn khoản nài nỉ Konrád hãy chia sẻ tài sản của chàng, thứ mà chàng cũng chưa biết dùng vào việc gì. Konrád cố gắng giải thích: chàng không thể nhận dù chỉ một xu. Cả hai đều biết, sự thật chỉ đơn giản: con trai ngài vệ binh không thể cho Konrád tiền, chàng phải chấp nhận việc mình đi giải trí trong xã hội, sống phù hợp với phẩm hàm và tên tuổi của chàng, trong khi ở căn hộ Hietzing, Konrád ăn món trứng rán năm tối trong một tuần và tự đếm đồ lót từ hiệu giặt gửi về. Nhưng điều đó không quan trọng. (trích Chương 7) - Ngài vệ binh, hơi ngả mình về phía trước, chăm chú lắng nghe bạn của con trai mình, như thể lần đầu nhìn thấy cậu. Buổi tối khi chỉ còn hai cha con trong phòng hút thuốc, ông bảo con: - Konrád không bao giờ trở thành một người lính thực thụ đâu. (trang 45) |