Đây là đợt thứ hai, đồng thời là đợt cuối cùng, theo thỏa thuận phát hành giữa Nam Long và IFC. Mỗi trái phiếu có mệnh giá một tỷ đồng và dự kiến đáo hạn vào đầu năm 2029. Lãi suất đợt này là 12,94% một năm, cao hơn nhiều so với mức 9,35% của đợt phát hành đầu tiên cách đây nửa năm.
Nam Long là công ty bất động sản duy nhất phát hành trái phiếu trong gần hai tháng trở lại đây, theo cổng thông tin trái phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Doanh nghiệp gần nhất phát hành thành công là Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (mã chứng khoán: HDC) khi huy động được 30 tỷ đồng vào cuối tháng 10 với lãi suất 11% một năm.
Theo phương án phát hành của Nam Long, việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ được thực hiện vào năm thứ ba, thứ năm hoặc thời điểm thỏa thuận với IFC. Tài sản đảm bảo cho đợt phát hành này là 51% vốn Nam Long đang sở hữu tại Công ty Nam Long VCD và 50% vốn tại Công ty NNH Mizuki với mức định giá lần lượt 1.850 tỷ đồng và 1.501 tỷ đồng.
Ngay sau khi thu tiền, Nam Long dự kiến giải ngân ngay vào giai đoạn hai dự án Waterpoint (Long An) bằng hình thức góp vốn vào công ty con Nam Long VCD. Nguồn vốn sẽ dùng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình và đóng tiền sử dụng đất.
Ban lãnh đạo Nam Long nhận định rủi ro khi đầu tư vào dự án này là tiến độ phê duyệt pháp lý có thể chậm trễ và thời gian phát triển bị ảnh hưởng do tình hình kém khả quan của thị trường bất động sản.
Giữa năm nay, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị xác nhận công ty không tránh khỏi khó khăn do việc siết chặt nguồn vốn vào bất động sản. Tuy nhiên, công ty đã chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó như hợp tác cùng những đối tác quốc tế có nguồn lực, năng lực phát triển đô thị lẫn tài chính như Hankyu, NNR, Keppel Land...
Ngoài ra, công ty cũng có chiến lược dài hơi nhằm lấy được điểm đánh giá cao về uy tín tài chính, từ đó thuận lợi hơn cho việc huy động vốn. Ông Quang khi đó cho biết thỏa thuận phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng (chia làm hai đợt) từ IFC là minh chứng cho thành công của Nam Long trong chiến lược phát triển kênh huy động vốn ngoài biên giới.
Phương Đông