![]() |
Ông Nguyễn Văn Thường bên mô hình thực nghiệm. |
Ông Thường đến với vật lý cứ như bị "bỏ bùa". Nhà nghèo, nên học đến lớp 7, ông đi làm công nhân ở nhà máy dệt Mùa Đông, Thanh Xuân, hà Nội. Ở đây ông được cử đi học thêm lớp đào tạo trung cấp sửa chữa máy móc. Quy trình đào tạo đi từ lý thuyết đến thực hành, còn với ông Thường thì ngược lại. Nghe thầy giáo giảng về cơ cấu biên tay quay, ông lục lại kinh nghiệm trong sản xuất mới thấy điểm cần xét lại trong lý thuyết phân tích lực: khi góc alpha tăng thì lực dọc biên tăng. Nhưng nhiều lần trực tiếp thay lò xo giảm rung, ông Thường đưa ra ý kiến cho rằng: góc alpha tăng thì lực dọc biên phải giảm.
Lần khác, khi giảng về nguyên lý hình bình hành, thầy nói: mọi lực đồng quy độc lập với nhau ở bất cứ góc độ nào. Bằng mô hình thực nghiệm tự xây dựng, ông Thường nói: "Mọi lực đồng quy độc lập với nhau chỉ khi vuông góc với nhau". Tiếp đến là bài toán con nêm, con son. Về bài toán con son - vẫn ứng dụng trong hệ xây dựng cầu cống, nhà cửa - ông Thường chứng minh: khớp động và khớp hàn chặt khi cùng chịu một hệ lực tác động cho kết quả khác nhau. Trong khi trước nay người ta vẫn cho rằng: khớp động và khớp hàn chặt khi chịu một lực tác động cho kết quả giống nhau. Một phát hiện quan trọng của ông Thường trong bài toán này là: bài toán chỉ tính đến lực kéo và lực nén, trong khi lực uốn mới đáng kể.
Theo đề nghị của Ủy ban Khoa học Nhà nước lúc bấy giờ do Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm chủ nhiệm, một cuộc hội thảo đã được tổ chức để xem xét những vấn đề anh công nhân Nguyễn Văn Thường nêu ra. Người ủng hộ, người phản bác. Nhưng có điều, những người phản bác cũng không chỉ ra được phát hiện của ông Thường sai ở đâu sau khi quan sát ông thao tác trên những mô hình thực nghiệm. Lần đó, GS Nguyễn Hoàng Phương ủng hộ những quan điểm của ông Thường, rồi đến GS Nguyễn Văn Bửu. Trong một bức thư gửi GS Hoàng Quý, GS Nguyễn Văn Hiệu viết: "Tôi thấy anh Thường nói có lý, nhưng không có thời gian tìm hiểu kỹ...".
Suốt 34 năm, ông Thường vẫn phải ôm những mô hình thực nghiệm đi diễn thuyết một cách không chính thức ở các cơ quan khoa học. Người ta lại gật đầu, người ta lại phản đối, nhưng về mặt toán học, chẳng ai chứng minh điều ông Thường nói là đúng hay sai?
Trong 2 năm gần đây, Hội vật lý Việt Nam đã cho đăng tải hết các phát hiện của ông thường về "những sai lầm" trong lý thuyết vật lý cơ học cổ điển (số mới nhất 4/2002). Đáng tiếc là chưa có một ai lên tiếng phản đối hoặc ủng hộ một cách khoa học.
Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường xem xét lại những vấn đề ông Thường nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa thấy bộ KHCNMT hay cơ quan nào khác đả động đến, chỉ hứa "sẽ tổ chức một cuộc hội thảo để xem xét", cụ thể thời gian bao giờ thì "chưa biết".
(Theo Khoa học và Đời sống)