"Chúng tôi quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2022 cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, cùng tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do Dân sự có trụ sở tại Ukraine", Ủy ban Nobel Na Uy thông báo hôm nay.
Ủy ban cho hay họ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Bialiatski và hai tổ chức trên vì muốn tôn vinh "quyền con người, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình" ở ba quốc gia láng giềng Belarus, Nga và Ukraine. Họ khẳng định giải thưởng này không nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Các bên đoạt giải đại diện cho xã hội dân sự ở quốc gia của họ", Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, nói, thêm rằng họ đã "bảo vệ các quyền cơ bản của công dân" trong nhiều năm qua, bằng cách "ghi nhận các hành vi phạm tội ác chiến tranh, lạm dụng nhân quyền và quyền lực".
Ông Bialiatski sinh ngày 25/9/1962 tại Vyartsilya, ngày nay là Karelia, Nga. Ông tốt nghiệp chuyên ngành triết học Nga và Belarus tại Đại học Gomel năm 1984. Ông sau đó trở thành giáo viên tại quận Lelchitsy, vùng Gomel. Năm 1985-1986, ông nhập ngũ, phục vụ trong đơn vị pháo chống tăng gần Yekaterinburg, tỉnh Sverdlovskaya của Liên Xô.
Sau khi Belarus trở thành quốc gia độc lập, Bialiatski đã dành cả đời để thúc đẩy dân chủ và phát triển hòa bình ở quê hương. Năm 2006, ông được tặng giải thưởng Per Anger của Thụy Điển, trao cho những cá nhân nỗ lực đóng góp thúc đẩy dân chủ và nhân đạo, đưa ra các sáng kiến và giải pháp tích cực, không màng lợi ích hay nguy hiểm cho cá nhân.
Năm 2020, ông là đồng chủ nhân Giải thưởng Sinh kế Chính đáng, thường được biết đến như như một giải Nobel khác. Bialiatski từng 5 lần đề cử cho Giải Nobel Hòa bình vào các năm 2006, 2007, 2012, 2013.
Tháng 8/2011, giới chức Belarus bắt Bialiatski với cáo buộc né thuế và che giấu lợi nhuận ở quy mô rất lớn, dựa trên dữ liệu tài chính được các công tố viên Litva và Ba Lan công bố. Bialiatski bác bỏ cáo buộc này, nhưng bị kết án 4,5 năm tù và tịch thu tài sản vào tháng 10/2021.
Ông được trả tự do vào tháng 6/2014, nhưng bị bắt lại năm 2021, cũng với cáo buộc né thuế và đối mặt án tù tối đa 7 năm. Ủy ban Nobel Na Uy kêu gọi Belarus trả tự do cho ông.
"Chúng tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra và ông ấy có thể tới Oslo để nhận giải", bà Reiss-Andersen nói.
Theo bà Reiss-Andersen, Trung tâm Tự do Dân sự (CLL) được trao giải vì đã tham gia vào nỗ lực điều tra cáo buộc "tội ác chiến tranh" trong xung đột Ukraine. "Nhóm này đã đóng vai trò tiên phong nhằm buộc các bên phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình", bà nói.
CLL là một trong những tổ chức nhân quyền hàng đầu Ukraine, được thành lập ngày 30/5/2007 ở thủ đô Kiev. Theo Tổ chức Dân chủ Quốc gia (NED), trụ sở ở Mỹ, CCL đã tích cực tham gia giám sát và điều tra những cáo buộc về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, đồng thời tìm kiếm công lý cho các nạn nhân.
Trên trang web của mình, CLL nêu rõ sứ mệnh họ theo đuổi là "củng cố nhân quyền, dân chủ và đoàn kết ở Ukraine" cũng như khu vực thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm "khẳng định phẩm giá con người".
Theo NED, CCL đã tham gia giám sát các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass, miền đông đất, nước nổ ra từ năm 2014.
CLL tuyên bố trên Twitter họ "cảm thấy tự hào" khi đoạt giải Nobel Hòa bình.
Trong khi đó, Memorial là tổ chức giám sát nhân quyền lâu đời nhất tại Nga, được thành lập vào năm 1989.
Tổ chức này gồm Memorial International và Trung tâm Nhân quyền Memorial. Trung tâm điều hành một mạng lưới văn phòng trên khắp khu vực Bắc Caucasus, giúp ghi nhận các cáo buộc về vi phạm nhân quyền và cung cấp trợ giúp hợp pháp và thiết thực cho các nạn nhân.
Hồi năm ngoái, Tòa án Tối cao Nga đã ra lệnh đóng cửa cả Memorial International lẫn Trung tâm Nhân quyền Memorial, với cáo buộc vi phạm quy định về tổ chức "đại diện nước ngoài". Theo TASS, Memorial International từng bị phạt vì vi phạm luật của Nga về tổ chức "đại diện nước ngoài".
Văn phòng tại Đức của tổ chức Memorial ra tuyên bố cho hay giải Nobel Hòa bình sẽ "tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm của chúng tôi hỗ trợ các đồng nghiệp ở Nga".
Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho 137 cá nhân, tổ chức kể từ khi được khởi xướng vào năm 1901. Năm nay, 251 cá nhân và 92 tổ chức đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ kém số đề cử vào năm 2016.
Cá nhân và tổ chức chiến thắng được lựa chọn bởi 5 thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy, thường là các chính trị gia đã nghỉ hưu được quốc hội Na Uy bổ nhiệm. Theo di nguyện của Nobel, giải được trao cho cá nhân, tổ chức "có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, trùng với ngày mất của nhà phát minh, nhà khoa học Alfred Nobel. Các cá nhân, tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (900.000 USD).
Nobel Hòa bình là một trong 6 giải thưởng do Alfred Nobel thiết lập năm 1895. Năm giải còn lại gồm Nobel Vật lý, Nobel Hoá học, Nobel Y sinh, Nobel Văn học và Nobel Kinh tế.
Vũ Anh (Theo Reuters, AFP)