![]() |
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. |
1. "Chuồn chuồn ngô" là Thanh Lam. Bắt đầu từ album Thanh Lam - Hà Trần, Thanh Lam chú ý hơn đến Lê Minh Sơn. Ngọc Khuê trước đó đã đưa tên Lê Minh Sơn ra mắt, nhưng có lẽ chỉ đóng dấu được cái tên ấy vào tai ông giám khảo Dương Thụ để đến tai Thanh Lam, bởi Lam là bạn non tuổi của Dương Thụ.
Lê Minh Sơn có Thanh Lam để phô bày thứ âm nhạc anh chăm chút suốt từ thuở cầm đàn. Còn Lam, với tiếng tăm sẵn có, phải chăng sẽ có một chút phá phách tìm tòi cá nhân trong cái gọi là âm nhạc dân tộc?
2. "Chuồn chuồn kim" Tùng Dương và "chuồn chuồn ớt" Ngọc Khuê là hai bằng chứng về những cố gắng đào tạo học trò của Lê Minh Sơn. Liên tiếp, nhạc sĩ trẻ này thực sự thuyết phục được người nghe về một chất âm nhạc dân gian được biến tấu và tung tẩy hết sức ngẫu hứng cho hai thí sinh sáng giá của Sao Mai - Điểm hẹn.
Ngọc Khuê chơi dòng đậm đặc chất dân gian hơn Tùng Dương - người vốn thiên về những tố chất jazz trong cách cảm nhạc cá nhân. Nhưng cả hai đã thuyết phục được khán giả khó tính với chính tác phẩm của Minh Sơn. Hơn thế, chỉ với Khuê và Dương thôi, Lê Minh Sơn cho thấy rõ con đường đi của anh. Con đường ấy là nối dài của con đường những tác giả Phó Đức Phương, Nguyễn Cường đã đi và đang theo đuổi. Nó trẻ hơn vì Minh Sơn biết cách viết ca từ yêu đương của thế hệ mình.
Với lợi thế học và dạy guitar cổ điển, anh đem những quyến rũ và say nồng của tiết tấu âm nhạc Tây Ban Nha vào ca khúc của mình. Và như thế, chỉ cần hai học trò giỏi và trung thành cũng đủ để anh có tên.
3. Cho đến nay, Sơn đã có 3 sản phẩm trình làng nghiêm túc và trọn vẹn. Một album cho "chuồn chuồn ớt". Một cho "chuồn chuồn kim". Và một dự án thời vụ cho "chuồn chuồn ngô". Nhưng anh đã tuyên bố trong phút cao hứng với báo chí rằng, cố gắng sẽ làm mỗi năm được 3-4 album. Một tuyên ngôn đáng chờ đợi, nhưng hơi đáng lo.
Album của Thanh Lam Ru ta ngậm ngùi chưa bao giờ thấy ngậm ngùi đến thế. Lam đã vội vàng bước đến bờ ao đầy đất non. Minh Sơn làm mới được nhạc Trịnh, thậm chí là rất hấp dẫn. Âm nhạc giản dị, kiệm nhạc cụ điện tử mà chủ yếu nắn nót những dây thanh guitar, violon, cello... Chỉ có điều Thanh Lam đã hát không ra chất âm nhạc thiên về cổ điển Tây phương. Chị vẫn nặng nề về giày vò câu chữ. Sự trải nghiệm và cái tôi của Thanh Lam đã không đi cùng được cái tôi của Minh Sơn.
Lam hát như gò mình và trả bài những tiết tấu của Sơn. Môt mặt lại cứ phải lồ lộ cái riêng của mình trong lối hát đãi chữ bẻ giọng. Trong Ru ta ngậm ngùi, Lam hát cả một bài bằng một cách hát mệt mỏi, ngắt từng chữ ghép có nghĩa trong từng bài. Với nhạc Trịnh, toàn bài quen thuộc, Lam hát làm người ta thấy oải.
Có nên nói thêm với "chuồn chuồn ngô" rằng, cái tuyệt của Khánh Ly là chị đã giấu được tất cả những điêu luyện của một giọng hát có học, để ẩn mình sau triết lý và thi ca của nhạc Trịnh. Rõ ràng, Sơn đã phô diễn được cá tính của mình.. rằng nó thực hay, thực có cái riêng, nhưng cũng thực khó để hoà nhập với một cái hay khác đã định hình - là lối hát của Lam.
4. Album của "chuồn chuồn kim" Chạy trốn mới thực là đường của Lam. Tùng Dương, người rõ ràng hát lối hát của Lam, ngắt hơi nhả chữ theo cách của Lam, thậm chí jazz-blues cũng là đường của Lam đã giẫm chân qua. Nhưng Dương có lẽ may mắn. Ôi quê tôi, Tùng Dương cũng tạo được ấn tượng trước. Cả một album blues, Dương cũng đi nhanh hơn Lam, tiếp thị một cách tình cờ trong suốt hai tháng trời trên truyền hình. Rõ ràng, Dương đã đi, Lam có nhảy vào, cũng chỉ là người đến sau.
Vậy lối đi đến bờ ao của Lam là gì? Là Người ở người về với đầy sự trải nghiệm trong cuộc sống và sự nghiệp. Phải là một Thanh Lam khác hẳn Ngọc Khuê. Lam hát phải là một chủ thể có tầm ảnh hưởng, chứ không thể chỉ như một cá thể khi mờ lẫn như trong bản phối âm Ôi quê tôi của Trần Mạnh Hùng được.
Nếu như Thanh Lam chỉ đơn thuần là muốn tìm một cuộc dạo chơi vào một miền âm nhạc khác, người yêu nhạc sẽ ủng hộ chị. Nhưng nếu là một cuộc cải cách, một bước nhảy thì sẽ phải khuyên chị suy nghĩ kỹ càng. Lối hát dựa nhiều vào sự am hiểu dân ca của chị và Quốc Trung là một lối đi độc đáo và nhiều khai phá. Nhưng lối đi của chị và Sơn chưa cho thấy một bất ngờ.
5. Lê Minh Sơn có một phát ngôn khá thú vị: "Chợ nhạc đương nhiên có nhiều rác". Nhưng anh cố gắng là người không xả rác ra chợ. Anh có tài và có nhiều tìm tòi cá nhân tâm huyết. Những cái tên Tùng Dương, Ngọc Khuê đã giúp anh có được một thương hiệu rất riêng...
Sơn không có lỗi khi cộng tác với Lam. Bản thân Lam cũng không sai. Chỉ có điều, sự cộng tác thân mật và nhiều chi phối, đôi chút nhường nhịn tiếng tăm lại chẳng phải là một nước đi hay. Lam vẫn sẽ hát nhạc của Sơn hay. Nhưng Lam sẽ hay hơn nhiều nếu như chị vẫn đi trên con đường cũ. Sơn có cảm hứng hơn Thanh Lam rất nhiều, mà ở đó, Lam cũng chỉ là một con chuồn chuồn không hơn. Chỗ của Lam không hẳn đã là bờ ao...
(Theo Thị Trường Quốc Tế Tiêu Dùng)