Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết "bệnh nhân 1823" 65 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội, từ nhập viện ngày 2/2 đến nay đã được hơn một tháng, các chỉ số sinh học gần như chưa cải thiện. Mức độ tổn thương phổi trên 95%, bệnh nhân sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở và ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).
Bác sĩ nhận định tình trạng bệnh nhân chưa tiến triển nhiều, song điều này không nằm ngoài dự đoán so với những ca Covid-19 trước đây đã điều trị trong nước hoặc trên thế giới.
"Có những trường hợp tổn thương phổi nặng, ngay cả khi cơ thể chiến thắng virus thì tổn thương phổi cũng cần thời gian rất lâu để hồi phục", bác sĩ nói.
Bác sĩ giải thích, đơn cử như "bệnh nhân 91" (phi công Anh) hay "bệnh nhân 19", tổn thương phổi rất nặng, hơn 2 tháng hoặc 3 tháng mới hồi phục.
Trước đây, những bệnh nhân Covid-19 nặng khác kèm nhiều bệnh nền, gây trở ngại trong điều trị. Hiện các bác sĩ tích lũy nhiều kinh nghiệm điều trị hơn, những bệnh nhân Covid-19 nặng kèm bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, đã được khống chế rất tốt. Bệnh nhân được chăm sóc hô hấp tích cực và chờ đợi tổn thương phổi cải thiện.
Bác sĩ Khiêm nhận định bệnh nhân "1823" còn nhiều cơ hội cứu được, ngoài phổi, các chức năng khác như tim, thận, gan về cơ bản tương đối tốt. Bệnh nhân hiện có kết quả xét nghiệm nCoV âm dương lẫn lộn nhiều lần. Bác sĩ giải thích cơ thể bệnh nhân có thể tồn lưu lượng virus ngưỡng rất thấp, xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều khả năng do xác virus vẫn còn... hoặc "nhiều nguyên nhân khác".
"Bệnh nhân 1823" đang thở máy, can thiệp ECMO, bị phù nhiều, run cơ, xuất huyết dưới da, chảy máu vùng miệng. Hiện đây là bệnh nhân tình trạng nặng nhất.