"Giá khí đốt giao ngay hiện tại cho thấy điều đó không đơn giản. Châu Âu khó có thể trông cậy vào ai, ngoại trừ Mỹ, quốc gia đang tăng quy mô sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)", Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov hôm nay trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok.
Tuyên bố được Shulginov đưa ra sau khi Cao ủy kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni hồi tháng 4 cho biết EU đặt mục tiêu giảm 2/3 nhiên liệu hóa thạch Nga vào cuối năm nay, hướng tới dừng phụ thuộc hoàn toàn vào cuối năm 2027.
Ủy ban châu Âu hồi tháng 5 cho biết cần đầu tư 210 tỷ euro vào cả lĩnh vực công và tư nhân, phần lớn cho năng lượng tái tạo, để phục vụ mục đích cai khí đốt Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Nga cho rằng mùa đông sắp tới sẽ cho châu Âu thấy tính thực tế trong niềm tin vào khả năng từ bỏ khí đốt Nga, cảnh báo nguy cơ các ngành công nghiệp dừng hoạt động, trong đó có lĩnh vực hóa chất và sản xuất điện bằng khí đốt.
"Đây sẽ là một cuộc sống hoàn toàn mới với người dân châu Âu. Tôi tin rằng họ sẽ không thể từ bỏ khí đốt Nga. Điều này quá thiếu bền vững với họ", ông Shulginov nói thêm.
Giá khí đốt tại châu Âu gần đây tăng trở lại sau khi Nga ngừng vô thời hạn dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang Đức vì lý do kỹ thuật. Chính phủ các quốc gia EU đang phải tung những gói cứu trợ hàng tỷ euro để bảo vệ các hộ gia đình trước đà tăng chi phí năng lượng.
EU cáo buộc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2. Moskva nhiều lần bác bỏ, cho rằng những lệnh trừng phạt từ phương Tây và các sự cố kỹ thuật trên đường ống khiến nguồn cung khí đốt gián đoạn.
Bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU sẽ họp khẩn vào ngày 9/9 để thảo luận biện pháp ứng phó, trong đó có thể áp giá trần với khí đốt hoặc tạm thời tách điện sản xuất bằng khí đốt ra khỏi hệ thống tính giá điện khu vực.
Ông Shulginov còn cho biết Moskva sẽ đáp trả việc dầu Nga bị áp giá trần bằng cách tăng cung cho châu Á. "Mọi hành động nhằm áp giá trần đều sẽ dẫn đến sự thiếu hụt trên thị trường các quốc gia khởi xướng", ông cảnh báo.
Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7, gồm Mỹ, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Pháp và Canada, ngày 2/9 tuyên bố sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga, nhưng không nêu rõ mức trần.
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, khoảng nửa lượng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm từ dầu của Nga được chuyển đến châu Âu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Như Tâm (Theo TASS, Reuters)