Trong lần xếp hạng gần nhất hồi tháng 9, Moody’s nâng bậc xếp hạng của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) lên mức Ba3 cho các danh mục: nhà phát hành và tiền gửi dài hạn nội - ngoại tệ (long-term local (LC) and foreign currency (FC) deposit and issuer ratings); xếp hạng rủi ro đối tác nội - ngoại tệ (LC and FC Counterparty Risk Ratings) và đánh giá rủi ro đối tác (Counterparty Risk Assessment). Tổ chức này cũng đánh giá chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và nguồn vốn phù hợp để SeABank duy trì sự phát triển ổn định, bền vững. Nhờ mức tài sản lưu động và khả năng thanh khoản cao, các rủi ro phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường của ngân hàng được giảm nhẹ.
Cụ thể, SeABank duy trì được chất lượng tài sản ổn định và mức tăng trưởng tốt kể từ năm 2019 sau khi tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trở thành thành viên tiếp theo trong hệ thống các ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC. Đến nửa đầu năm 2022, ngân hàng vẫn thành công duy trì tỷ lệ nợ xấu (NPL) ổn định ở mức 1,6%. Các khoản nợ nhóm 2 chiếm 0,32% tổng dư nợ, thuộc một trong những ngân hàng có mức thấp của thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn vốn của SeABank đã tăng đáng kể lên mức ngang bằng với các ngân hàng khác nhờ nguồn vốn nội bộ được cải thiện. Chỉ số vốn hữu hình/tài sản có rủi ro (TCE/RWA) theo chuẩn Basel II đã tăng lên mức 11,9% nhờ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và nguồn vốn mới từ các cổ đông hiện hữu và cổ đông mới giúp hỗ trợ tăng trưởng.
Cùng với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam sau đại dịch, khả năng sinh lời của SeABank sẽ duy trì ổn định do ngân hàng tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay bán lẻ có mức sinh lời cao. Chỉ số ROA của SeABank đã cải thiện lên mức 2,0% trong nửa đầu năm 2022 nhờ sự gia tăng tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) ở mức 3,0%. SeABank cũng đang tăng thu nhập từ phí để ổn định và đa dạng hóa nguồn thu, tập trung vào bancassurance và thẻ tín dụng thông qua mối quan hệ đối tác độc quyền kéo dài 20 năm với Prudential Việt Nam, qua đó duy trì tỷ lệ thu nhập ngoài lãi định kỳ theo tỷ lệ phần trăm thu nhập hoạt động ở mức 30%-40%.
SeABank quản lý tài sản - nợ phải trả tốt, thể hiện qua sự chênh lệch tương đối thấp về kỳ hạn giữa tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn của SeABank. Ngân hàng cũng đã huy động các khoản vay có kỳ hạn dài hơn từ các tổ chức tài chính quốc tế trong những năm gần đây như: Khoản vay cao cấp 200 triệu USD, khoản vay tài trợ thương mại 20 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), khoản vay 200 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC).
Đánh giá tích cực này của Moody’s được công bố sau khi xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. 6 tháng đầu năm 2022, tổng tài sản của SeABamk đạt 229.723 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng; tổng thu thuần TOI đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021. Thu thuần ngoài lãi (NOII) đạt 1.736 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 1,6%.
Đại diện SeABnk cho biết, việcđược Moody’s tăng bậc các xếp hạng thể hiện đánh giá tích cực của tổ chức này về tình hình tài chính tăng cương, khả năng chống chịu của ngân hàng trước các biến động vĩ mô. Điều này cũng góp phần khẳng định vị thế và tiềm lực của SeABank với khách hàng, đối tác, đặc biệt là các tổ chức quốc tế.
Hiện tại, SeABank hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng và tiếp tục triển khai lộ trình tăng vốn lên 22.690 tỷ đồng trong năm nay. Nhà băng này cũng tập trung phát triển chiến lược hội tụ số, số hóa các sản phẩm dịch vụ, đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
An Nhiên