Theo Financial Times, với các quy định mới được ban hành, ngân sách Chính phủ sẽ không được dùng để giải cứu nhà băng. Luật này cũng yêu cầu thành lập một cơ quan phụ trách đóng cửa các tổ chức trước khi họ gặp rắc rối, đẩy khoản thiệt hại lên các chủ nợ.
Moody’s sẽ xem xét lại đánh giá nợ sơ cấp và thứ cấp phát hành bởi cả 6 ngân hàng. Việc này có thể khiến các nhà băng bị hạ từ một đến hai bậc, tùy mức độ Chính phủ có thể hỗ trợ, David Fanger - nhà phân tích tại Moody’s cho biết. Tuy nhiên, theo ông, Bank of America và Citigroup có thể giảm hoặc tăng do tình hình kinh doanh đang cải thiện.
Nếu bị hạ xếp hạng, chi phí vốn cho các công ty sở hữu ngân hàng sẽ tăng lên. Việc này cũng khiến nhiều đối tác ngần ngại khi tham gia giao dịch với nhà băng.
Đây là lần điều chỉnh tín nhiệm lớn thứ hai của Moody’s trong hai năm qua. Năm ngoái, hãng đã bị chỉ trích rất mạnh từ giới lãnh đạo ngân hàng sau khi hạ xếp hạng tới 15 nhà băng lớn nhất thế giới. Trong đó có 5 ngân hàng lớn nhất Mỹ, Ngân hàng Hoàng gia Canada và 9 nhà băng châu Âu. Nguyên nhân là triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng dài hạn đang suy giảm. Thời điểm đó, hãng cũng tuyên bố sẽ điều chỉnh lần nữa với tiêu chí mức độ hỗ trợ của Chính phủ.
Hồi tháng 6, S&P đã nhận định các ngân hàng Mỹ vẫn "quá lớn để sụp đổ". Đây là thuật ngữ chỉ các ngân hàng lớn, có liên quan chặt chẽ với nhau đến mức nếu sụp đổ, họ sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cần Chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, Moody’s cho biết có thể hạ xếp hạng các công ty điều hành ngân hàng, để phản ánh khả năng trái chủ các công ty đó phải chịu thiệt hại.
Thùy Linh