Năm 2016, ông Dewayne Johnson ở Mỹ đâm đơn kiện công ty hóa chất Monsanto thuộc Bayer AG với lý do sản phẩm thuốc diệt cỏ chứa glyphosate do hãng này sản xuất khiến ông bị ung thư hạch bạch huyết. Cựu quản lý trường học 46 tuổi cho biết mỗi năm, ông sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro khoảng 30 lần. Các bác sĩ dự đoán Johnson không sống quá năm 2020.
Sau khi tòa án đưa ra phán quyết, đại diện Monsanto đáp trả: "Những gì xảy ra ngày hôm nay không thay đổi sự thật rằng hơn 800 nghiên cứu, đánh giá khoa học đã chứng minh glyphosate không gây ra ung thư cũng như dẫn tới tình trạng của ông Johnson".
Tuy nhiên, luật sư Brent Wisner, đại diện nguyên đơn khẳng định tài liệu nội bộ "cho thấy từ hàng chục năm nay, Monsanto đã biết glyphosate và cụ thể là thuốc Roundup có thể gây ung thư".
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên đơn kiện glyphosate gây ung thư được xử lý. Ngoài ông Johnson, công ty Monsanto đối mặt với hơn 5.000 đơn kiện khác khắp nước Mỹ.
Hiện nay, glyphosate vẫn là chất diệt cỏ phổ biến nhất trên thế giới. Tháng 9/2017, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ kết luận glyphosate không hại con người song Tổ chức Y thế giới (WHO) năm 2015 liệt glyphosate vào danh sách "các chất có thể gây ung thư".
Không chỉ sản xuất thuốc diệt cỏ, "gã khổng lồ" Monsanto còn làm ra chất làm rụng lá cây, còn gọi là chất da cam, mà quân đội Mỹ dùng rải xuống Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Độc chất dioxin trong chất da cam là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như ung thư, dị tật bẩm sinh.
Hàng triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng từ chất dioxin trong chất da cam. Năm 2004, các nạn nhân đã đệ đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, trong đó nổi bật là Monsanto và Dow Chemical. Tuy nhiên đơn kiện bị tòa liên bang Mỹ bác bỏ với lý do không đủ căn cứ. Trên thực tế, Monsanto đã nhiều lần bồi thường các nguyên đơn ở Mỹ khi họ phải chịu tác hại từ việc phơi nhiễm các hóa chất mà hãng này sản xuất.
Chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam hiện có các chương trình hợp tác tẩy độc dioxin ở gần sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa.