Hội thảo tổng kết một thập kỷ chương trình Monozukuri giữa Toyota Việt Nam (TMV), Quỹ Toyota Việt Nam (TVF) và Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), sự kiện diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Hà Nội.
Hơn 160 đại biểu từ hơn 70 doanh nghiệp Việt Nam và sinh viên từ các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật tại Hà Nội đã tham gia buổi tổng kết những thành tựu mà chương trình đào tạo Monozukuri đạt được sau 10 năm triển khai. Cơ hội để các học viên giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thu được sau khoá học.
Từ đó đưa ra định hướng đẩy mạnh triển khai chương trình Monozukuri tại Việt Nam, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp và sinh viên tiếp cận với kiến thức chuyên sâu và bí quyết thành công của Toyota để nâng cao năng lực, cải tiến chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Yoshihisa Maruta – tổng giám đốc TMV phát biểu tại hội thảo. |
Bốn doanh nghiệp tiêu biểu từng tham gia khoá học gồm công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC1), công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại LeGroup, công ty TNHH Diesel Sông Công (DISOCO) và công ty TNHH Liên doanh Vĩnh Hưng (TMI Vietnam) đã tham gia chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cũng như những kết quả và thành tựu đạt được sau khi tham gia khoá học Monozukuri và áp dụng hệ thống sản xuất Toyota (TPS) vào thực tế sản xuất.
Theo ông Yoshihisa Maruta – tổng giám đốc TMV “Monozukuri được hiểu là hoạt động sản xuất. Nó luôn gắn liền với đào tạo con người. Các sản phẩm không chỉ được làm ra bằng máy móc, mà được làm ra bởi chính bàn tay. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta luôn phải phát triển những ý tưởng hữu ích và tiến hành kaizen để liên tục có những cải tiến”. Tham gia vào Monozukuri, các học viên đều nắm bắt được một cách cụ thể: áp dụng kiến thức 5S vào thực tế giúp các doanh nghiệp cải thiện môi trường sản xuất, giảm mặt bằng, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Thực hiện công việc tiêu chuẩn, áp dụng tự động hóa thông minh và sắp xếp dòng chảy sản xuất giúp các doanh nghiệp đảm bảo an toàn lao động, nâng cao chất lượng, tăng năng suất, giảm nhân công, giảm thời gian sản xuất sản phẩm, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm lãng phí, giảm lượng sản phẩm lỗi trên dây chuyền.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn xây dựng thành công phong trào kaizen – cải tiến không ngừng, khuyến khích công nhân viên không ngừng đưa ra ý tưởng sáng tạo, cải tiến, từ đó góp phần không nhỏ cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc và sự phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc công ty cổ phần LeGroup cho biết áp dụng kiến thức tự động hóa thông minh nhằm tăng năng suất và giảm nhân công, cùng với đó là sắp xếp dòng chảy sản xuất nhằm giảm các lãng phí trong sản xuất và giảm bán thành phẩm trong các công đoạn.
Lớp học Monozukuri. |
Nhờ áp dụng cải tiến (kaizen) vào sản xuất đã giúp tăng năng suất lao động và chất lượng. Đơn cử trong dây chuyền sản xuất vách – dập: nếu như trước kaizen năng suất/ca chỉ đạt 2.500 sản phẩm nhưng sau kaizen đã tăng lên 8.000 sản phẩm; hay lượng điện năng tiêu thụ trước kaizen là 3000 W/h, thì sau kaizen chỉ còn 800 W/h. Áp dụng kaizen cũng giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động…
Chặng đường 10 năm của Monozukuri tại Việt Nam
Đến Việt Nam từ năm 1995, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Toyota được biết đến là hãng xe hơi được yêu thích nhất trên thị trường với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, cũng như những thành tích ấn tượng trong sản xuất và kinh doanh. Góp phần không nhỏ vào thành công của Toyota chính là Monozukuri hay có thể hiểu là hệ thống sản xuất và phương thức quản lý hiệu quả hướng tới chất lượng cao nhất; là nỗ lực không ngừng để liên tục cải tiến sáng tạo trong qui trình sản xuất và kinh doanh, nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Trụ cột chính trong hệ thống sản xuất Toyota (TPS) - một hệ thống sản xuất tinh giản toàn diện gắn với những nguyên tắc tư duy tích cực và triết lý kinh doanh sâu sắc – được Toyota đúc kết và áp dụng thành công trên toàn cầu.
Kỷ niệm 10 năm thành lập Toyota Việt Nam, vào tháng 9/2005, TMV chính thức triển khai lần đầu tiên chương trình đào tạo Monozukuri nhằm giúp các học viên là các doanh nghiệp và sinh viên ngành kỹ thuật tại Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng, phục vụ cho nhu cầu xã hội. Cũng như góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam thông qua việc tiếp cận và hiểu sâu hơn về hệ thống sản xuất Toyota (TPS).
Nội dung xuyên suốt của chương trình là giúp các học viên hiểu rõ quy trình tiêu chuẩn và triển khai các hoạt động như giảm thiểu lãng phí, cải tiến không ngừng, công việc tiêu chuẩn, quản lý chất lượng trong sản xuất, phương pháp tư duy tích cực trong giải quyết vấn về.
Dây chuyền sản xuất. |
Với phương châm đó, các khoá học được thực hiện theo mô hình thảo luận nhóm, bài tập tình huống, xác định các vấn đề ngay trong công việc thực tiễn sản xuất hàng ngày của công ty và đề xuất các giải pháp thích hợp, trong khi đó giảng viên đóng vai trò là người cố vấn. Khi tham gia khoá học, các học viên không chỉ được đào tạo về mặt lý thuyết mà còn được hướng dẫn cách thức tiến hành các hoạt động cải tiến, thăm quan nhà máy Toyota Việt Nam và các công ty đã áp dụng thành công phương thức sản xuất của Toyota vào quản lý sản xuất.
Qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình đã xây dựng được đội ngũ 8 giảng viên chuyên nghiệp, tổ chức thành công 36 khóa học tại trường Bách khoa Hà Nội và TMV, cho tổng số 919 học viên, trong đó 562 học viên là các cấp quản lý của 119 doanh nghiệp trên toàn quốc, và hơn 357 sinh viên xuất sắc của các trường đại học kỹ thuật.
Bên cạnh các khóa học, Chương trình cũng đã thực hiện thành công hai mô hình cải tiến thí điểm (Kaizen Showcase) tại VPIC1 và tập đoàn LeGroup, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng TPS thành công vào sản xuất của chính doanh nghiệp và đã đạt được tiến bộ đáng kể trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.
Trong năm 2016, bên cạnh các hình thức học truyền thống với bài giảng, các hoạt động trên lớp và hoạt động thăm quan nhà máy. Khoá học tập trung nâng cao hơn nữa kiến thức thực tiễn của học viên thông qua các trò chơi, ví dụ sát thực tế, thăm quan nghiên cứu trực quan tại mỗi doanh nghiệp học viên. Mở rộng nội dung bài giảng, tập trung hơn vào kiến thức công việc tiêu chuẩn, bổ sung thêm kiến thức về vận tải, kho bãi...
Dự kiến, khoá học Monozukuri “phương thức sản xuất Lean” tiếp theo sẽ thực hiện từ tháng 6/2016.
Minh Vũ