Khoảng giữa tháng 6, bà Trần Thị Lan và người em song sinh Nguyễn Thị Hồng Lệ nhờ con gái đăng một bức thư lên mạng xã hội tìm mẹ đẻ, người đã bỏ rơi họ 53 năm trước.
"Tại sao hồi trước tụi con không tìm má? Tụi con xin trả lời là vì tới ngày hôm nay, sau 50 năm, tụi con mới có thể tha thứ cho ba với má vì đã bỏ rơi tụi con lúc mới chào đời. Nếu mà ông trời không cho tụi con gặp má trong kiếp nầy, tụi con cũng mong má với ba, nếu có một lần nhớ tới tụi con, hãy an lòng", họ viết trong thư.
Đang sống hạnh phúc bên chồng và các con nhưng lòng bà Trần Thị Lan chưa một ngày thôi day dứt về nguồn cội của mình. Từ khi vừa chào đời, bà đã bị cho đi và lưu lạc qua vài gia đình nhận nuôi, cuối cùng được ông bà Ba Cầm ở Cái Bè, Tiền Giang đón về nuôi, thương như con đẻ. Có điều, cha mẹ nuôi không biết bà Lan sinh ra từ đâu, cha mẹ đẻ tên họ gì.
"Ba má không chút phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi nhưng tui luôn buồn tủi vì không có gốc gác", bà nói. Có lúc bà đã tin cả đời sẽ không thể lý giải mái tóc xoăn tít, chất giọng khác lạ của mình di truyền từ ai.
Nhưng cách đó hơn 300 km, ở Sông Ray, Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hồng Lệ biết câu trả lời. Năm 16 tuổi, bà đã được mẹ nuôi kể mình được sinh ra ở bệnh viện Nha Trang và có một người chị song sinh.
Năm 1970 (hoặc 1971), mẹ nuôi bà Lệ bỏ cái thai hỏng và tình cờ biết có cô gái 16 tuổi có nguyện vọng cho hai đứa con song sinh nên quyết định ẵm một bé về nuôi. Người phụ nữ chọn đứa chị vì thấy cứng cáp hơn nhưng trong lúc về nhà thu dọn đồ để quay lại viện thì đã có người khác ẵm mất. Bà đành bế đứa còn lại về, yêu cầu người mẹ đẻ đưa giấy chứng sinh. Cuộc sống nhiều xáo trộn, tờ giấy năm xưa không còn, nhưng những gì mẹ nuôi kể bà Lệ vẫn thuộc lòng.
Theo lời kể, mẹ đẻ bà tên Phan (hoặc Phạm) Thị Đào, sinh năm 1954 (hoặc 1955), quê ở Vĩnh Long. Khi được hỏi lý do bỏ con, người mẹ nói đây là kết quả của mối tình với một người lính Đại Hàn (Hàn Quốc) nhưng người này đã về nước, mất liên lạc. Một mình bà Đào không thể lo cho hai đứa trẻ song sinh.
"Má nuôi dặn tui, nếu trên đời này gặp người nào giống con y chang thì đó chính là chị gái ruột", bà Lệ nhớ lại. Luôn muốn tìm lại chị, nhưng cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền tạm vùi lấp ước mơ.
Có lần, một đoàn hát từ Cái Bè, Tiền Giang đến Sông Ray biểu diễn, bà Lệ cũng đi xem. Một người trong đoàn hát bất ngờ vỗ vai bà Lệ thắc mắc "Ủa, chị Lan, sao chị tới đây chi vậy?", bà Lệ bảo "Tui tên Lệ, không phải Lan".
Nhớ lời kể của mẹ nuôi, bà hỏi cô gái tên Lan đó là con nuôi hay con đẻ, người kia đáp "là con nuôi của một ông tên Ba Cầm". Nhưng vì nghĩ trên đời nhiều người giống nhau, lại bận rộn vì vừa sinh con nhỏ, bà Lệ để câu chuyện trôi qua.
Năm 2000, ở Cái Bè, một người đàn ông bỏ mối cà phê gõ cửa nhà bà Lan mời mua. Nhìn thấy bà, người này ngạc nhiên "Sao chị Lệ ở đây?". Nữ chủ nhà tưởng lừa đảo nên đáp gọn "Tui tên Lan, không phải Lệ". Người kia khẳng định gần nhà mình có một người giống bà Lan y hệt, hứa sẽ mang ảnh tới cho xem.
Người đàn ông ấy là hàng xóm của gia đình bà Lệ. Ông về Đồng Nai kể chuyện với mẹ nuôi bà Lệ. Ở tuổi gần đất xa trời, ước muốn tìm người ruột rà thân thích cho con gái nuôi trỗi dậy, người mẹ âm thầm đi tìm, hỏi thăm đến nhà bà Lan.
Tới nơi, chỉ có chồng bà Lan ở nhà nhưng nhìn tấm hình cưới trên tường, mẹ nuôi bà Lệ biết đã tìm được chị ruột cho con. Bà kể chuyện cho chồng bà Lan biết, hẹn sẽ có ngày đoàn tụ. Nhưng chỉ ngày hôm sau, mẹ nuôi cùng vợ chồng bà Lệ đến nhận ruột thịt.
"Chị tui trong ngõ ngóng ra, tui từ ngoài vào, nhìn nhau mà tưởng mình trong gương. Khóc quá trời khóc. Hai bên đường, người kéo đến xem đông lắm, ai nhìn cũng biết đúng là chị em", bà Lệ kể.
"Cứ tưởng tượng 30 năm liền nghĩ mình mồ côi, không người thân thiết nay đột nhiên có một đứa em ruột thịt, giống từ giọng nói, dáng đi đến mái tóc, hạnh phúc kể sao hết", bà Lan nhớ lại cảm xúc khi đó.
Hai chị em sống ở hai nơi nhưng luôn giữ liên lạc, trò chuyện mỗi ngày. Nhà người này có việc không bao giờ vắng mặt người kia. Tuy vậy, tổn thương trong quá khứ vì bị bỏ rơi khiến họ không có dũng khí và khát khao đủ lớn để tìm mẹ.
Chị Quế Thanh, 31 tuổi, (con gái bà Lan) kể từng nhiều lần hỏi mẹ có muốn tìm ngoại không, nhưng mẹ hờ hững. Bà Lan nói đang sống với cha mẹ nuôi nhưng yêu thương, sao phải đi tìm một người bỏ rơi mình.
Ít năm sau khi chị em họ tìm được nhau, mẹ nuôi bà Lệ nhắm mắt. Năm 2013, bố mẹ nuôi của bà Lan cũng lần lượt qua đời. Lúc đó, khoảng trống trong lòng hai chị em mỗi lúc một rộng. Tuổi càng cao, họ càng muốn buông bỏ những oán giận và tìm lại cha mẹ đẻ.
Đầu tháng 6 năm nay, khi con gái đi công tác Đà Nẵng gọi về, bà Lan buột miệng: "Thanh đang ở Đà Nẵng thì tiện đường về Nha Trang tìm mẹ cho mẹ đi!". Bà nói rồi hai mẹ con bật khóc.
"Tôi biết đó là câu nói mẹ dồn nén mấy chục năm, nay mới đủ dũng khí để thốt ra", người con nói. Chị Quế Thanh đăng bức thư của mẹ và dì lên mạng xã hội, đồng thời kết nối với các kênh tìm người thân, hy vọng tìm được bà ngoại.
"Bây giờ, hai chị em con ai cũng có một gia đình riêng hạnh phúc rồi má. Bây giờ, tụi con đã 52 tuổi rồi, có cháu ngoại, cháu nội luôn rồi. Xin lỗi má tại tới bây giờ tụi con mới nói được mấy lời nầy", hai người con viết trong thư.
Bà Lệ nay đã chuyển về Bình Dương làm ăn, nhưng dự định vài năm nữa sẽ về Cái Bè, Tiền Giang làm nhà, sống cạnh chị gái. "Chỉ có hai chị em với nhau, đâu có ai nữa đâu, phải ở cạnh nhau khi hoạn nạn", bà Lệ nói.
Đêm đêm, từ xa, bà vẫn hay gọi chị gái rủ xem chương trình tìm người thân trên mạng xã hội. "Biết đâu một ngày nào đó, chị em mình lại thấy mẹ đang tìm chúng ta trên này", họ nói với nhau trong hy vọng.
Phạm Nga