Ông Quân nhắn nhủ học sinh những điều này tại lễ khai giảng của trường Phổ thông Năng khiếu, sáng 5/9.
Ông Quân ví học sinh của trường như những hạt mầm tươi sáng, đã trải qua cuộc tuyển chọn khắt khe. Ông hy vọng những hạt mầm này sẽ đâm chồi, nở hoa, lan tỏa tri thức, văn hóa.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nói cảm ơn thầy cô đã cần mẫn với thế hệ trẻ và phụ huynh đã tin tưởng giao những hạt mầm tốt nhất cho nhà trường.
Nhắn nhủ với học sinh, ông khuyến khích các em làm được ba điều "hơn" và "bớt" đi ba việc. Ông mong học sinh thành công hơn, giúp cha mẹ, thầy cô tự hào hơn và đất nước phát triển hơn. Để làm được, các em cần "bớt" đi 3 điều: đố kỵ, tự mãn và sử dụng điện thoại.
"Ganh đua để đứng đầu lớp, có vị trí trong đội tuyển học sinh giỏi là điều không sai nhưng nếu ganh đua thái quá vì những tham vọng cá nhân là biểu hiện của sự đố kỵ", ông nói.
Theo ông Quân, học sinh cần có khát vọng, hoài bão giúp đất nước phát triển giàu đẹp hơn. Các em không thể thực hiện điều này một mình. Do đó, bớt đố kỵ sẽ giúp các em có thêm những người bạn tốt, đồng hành trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.
Ông dẫn thông tin Bill Gates phải làm việc gần 20 tiếng mỗi ngày để xây dựng một đế chế Microsoft như ngày nay. Trước khi đưa Apple trở thành biểu tượng công nghệ, Steve Jobs cũng từng bị sa thải tại chính công ty mình sáng lập. Từ đó, ông mong học sinh bớt tự mãn, mà học tập, rèn luyện chăm chỉ hơn, chấp nhận và học cách vượt qua thách thức, thất bại.
Ngoài ra, ông khuyên học sinh "bớt" sử dụng điện thoại di động. Theo ông, dùng điện thoại để tìm kiếm, cập nhật kiến thức là tốt nhưng đừng để công cụ này âm thầm biến các em thành "tù binh" của mạng xã hội và game.
"Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi thanh xuân, hoài bão của các bạn học sinh. Bớt sử dụng điện thoại, bớt cám dỗ thông thường sẽ giúp các em chăm chỉ, dành tâm trí những hoài bão phi thường. Tôi mong Phổ thông Năng khiếu là nơi không có điện thoại di động", ông Quân đề xuất.
Phát biểu của ông Quân khiến toàn bộ học sinh trong hội trường bất ngờ, đồng loạt reo lên và vỗ tay.
Phần hội sau lễ khai giảng của trường cũng được khoảng 2.000 học sinh hưởng ứng nồng nhiệt, đặc biệt khi ca sĩ Đen Vâu xuất hiện. Học sinh hò reo, đứng lên nhún nhảy, hát theo nam ca sĩ bài hát "Nấu cơm cho em", rồi "Mang tiền về cho mẹ", "Đi theo ánh mặt trời".
Trong phần giao lưu ngắn, Đen Vâu nói bồi hồi khi được trở lại không khí tuổi học trò. Qua lời ca tiếng hát, anh mong các bạn trẻ kiên trì theo đuổi đam mê của mình.
Lê Minh Quân, học sinh lớp 11, phấn khích.
"Lần đầu tiên chúng em có một ngày khai giảng bùng nổ, hào hứng như hôm nay. Em tin các bạn sẽ có nhiều động lực hơn trong năm học mới", nam sinh nói.
Rapper Đen Vâu tên thật là Nguyễn Đức Cường, 34 tuổi. Trước khi đi hát, Đen Vâu từng làm nhân viên thu gom rác thải suốt bảy năm. Anh được trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia hồi cuối năm ngoái vì đã lan tỏa thông tin về dự án Nuôi Em, giúp 30.000 học sinh vùng cao được nhận nuôi cơm bán trú.
Trường Phổ thông Năng khiếu cho biết việc mời ca sĩ Đen Vâu xuất phát từ những nguyện vọng của học sinh, sau khi phát biểu của anh về sự tử tế được đưa vào đề thi lớp 10, hôm 25/5.
"Đen Vâu lan tỏa các thông điệp rất bình dị mà sâu sắc qua những bài hát", trường đánh giá. "Nhà trường mong sự kết nối với nghệ sĩ trẻ, tử tế sẽ truyền động lực, hướng các em trở thành những học sinh ưu tú, công dân có ích cho xã hội".
Phổ thông Năng khiếu được thành lập năm 1993, tiền thân là hệ phổ thông trung học chuyên Toán - Tin của Đại học Tổng hợp TP HCM. Đây là trường duy nhất ở TP HCM tổ chức thi tuyển riêng, độc lập với kỳ thi vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Năm học trước, khoảng 300 em, tương đương 40% tổng số học sinh của trường du học. Còn lại, hầu hết trúng tuyển vào các đại học hàng đầu trong cả nước.
Tại lễ khai giảng hôm nay, 14 thủ khoa các lớp 10 được khen thưởng, trao học bổng 100% học phí năm đầu. Ba học sinh giành trên 1.000/1.200 điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, những em được học bổng toàn phần và nhóm thí sinh đạt huy chương bạc kỳ thi Olympic quốc tế Trí tuệ nhân tạo (IOAI) cũng được trường vinh danh.
Lệ Nguyễn