![]() |
Trẻ em hay bị mộng du hơn người lớn. |
Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ về các trường hợp bị mộng du. Bác sĩ Damien Leger (Trung tâm giấc ngủ, Bệnh viện Hotel Dieu, Paris) cho biết, mộng du được xếp vào nhóm rối loạn chất lượng giấc ngủ (có những thái độ bất thường trong khi ngủ), cùng nhóm với các chứng khiếp sợ về đêm, nói mơ, nghiến răng... Người mộng du thường đi lang thang hoặc có những chuyển động mà họ không ý thức được vì đang ngủ. Trong một số trường hợp, người lớn có thể trở nên hung hăng, thậm chí còn đánh đập hay bóp cổ bạn đời vì họ có cảm giác bị đe doạ.
Trạng thái mệt mỏi mà bệnh nhân cảm thấy khi thức giấc là do cơn mộng du xảy ra trong giai đoạn đầu của giấc ngủ, giai đoạn giúp ta phục hồi sức lực sau những mệt mỏi trong ngày. Nếu chứng mộng du lặp đi lặp lại thường xuyên, đêm sẽ không còn tác dụng hồi sức nữa.
Thủ phạm là nỗi sợ hãi?
Cha của Marie Christine cũng bị mộng du. Ông thường chơi trò giữ thăng bằng trên bao lơn. Marie nhớ lại: "Khi tôi còn nhỏ, đang đêm cha tôi chui vào ngăn tủ và mọi người phải cậy tủ để tìm ông. Sau này ông có những cơn nguy hiểm hơn. Ông từng là quân nhân thời thế chiến thứ nhất. Vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, một lần trong lúc mộng du, ông đã nghĩ rằng mình vẫn đang ở dưới làn đạn trong chiến hào. Lúc ấy chị tôi còn là một đứa bé, cha đã bọc chị trong tấm đệm để bảo vệ chị khỏi bom đạn. May mà mẹ tôi kịp thức giấc".
Hai con trai của Marie Christine cũng thường múa gậy trong đêm. Tình trạng mộng du của đứa con trai lớn còn nặng hơn nhiều so với mẹ. Hồi 9 tuổi, cậu bé thường đứng dậy 10 lần trong một đêm và cha mẹ cậu không thể giúp gì được. Họ đã thử đủ mọi cách như lay, nói chuyện, lau nước lạnh... nhưng không có kết quả. Tuy bị nặng như vậy nhưng cậu bé đã hồi phục một cách rất bất ngờ.
Marie Christine cho rằng việc con trai bà mắc bệnh và khỏi bệnh đều có thể giải thích được. Bà cho biết, trong một lần đi xem phim cùng gia đình, bất chợt cháu đâm hoảng hốt. Khi bố mẹ gạn hỏi, cháu đã kể lại kỷ niệm không hay về lần đầu tiên đi xem phim với bạn bè năm lên 4 tuổi. Khi đó, bóng tối và tiếng kêu của bọn trẻ đã làm cháu sợ hãi nhưng không dám nói với ai. Nỗi sợ hãi ấy ám ảnh cháu và từ đó chứng mộng du xuất hiện. Mặt khác, từ khi thổ lộ được điều này với cha mẹ, cháu không còn bị mộng du nữa. Theo Marie, nỗi sợ hãi chính là nguyên nhân gây ra chứng mộng du của con bà. Bản thân bà cũng nghiệm thấy chứng mộng du của mình trở nên trầm trọng thêm khi trải qua những trạng thái tâm lý tồi tệ. Vào năm mà gia đình Marie có người tự tử, trong vòng một tháng, đêm nào bà cũng bị mộng du.
Theo bác sĩ Damien Leger, mộng du thường biểu lộ một tình trạng lo âu nặng nề. Không hiếm trường hợp thanh niên bị mộng du trong những ngày đầu nhập ngũ.
Chứng mộng du thường xuất hiện từ thời thơ ấu, hiếm khi bắt đầu ở tuổi trưởng thành. 15-20% trẻ là nạn nhân của mộng du, trong khi chỉ 0,5% người lớn bị rối loạn này. Bác sĩ Leger cho rằng sở dĩ trẻ dễ bị rối loạn giấc ngủ vì chúng ít biểu hiện nỗi lo âu hơn. Mặt khác, đối với trẻ em, giai đoạn đầu của giấc ngủ (thường chậm và sâu) quan trọng hơn so với người lớn. Theo các chuyên gia, mộng du không liên quan gì đến những cơn động kinh, dù động kinh có thể là nguồn gốc của những triệu chứng tương tự. Ngoài ra, sốt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện chứng mộng du.
Thuốc chỉ giúp xoá cơn
Để điều trị chứng mộng du, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc an thần và thuốc chống co giật liều thấp. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ giúp xoá cơn chứ không chữa khỏi bệnh. Bác sĩ thường chỉ cho bệnh nhân dùng thuốc nếu họ có thái độ gây rối, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Đối với những trường hợp bị bệnh do lo âu, sợ hãi, việc thư giãn và trị liệu tâm lý là những biện pháp tốt nhất.
Theo các bác sĩ, khi bắt gặp người nhà đang trong cơn mộng du, việc đánh thức họ không gây nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ, ngay cả khi điều đó khiến cho họ khó chịu.
KH&ĐS (theo Top Sante)