Tình trạng học sinh bỏ trường đi làm ăn xa diễn ra thường xuyên ở các huyện miền núi Quảng Ngãi và mỗi năm một nhiều. Theo thống kê sơ bộ các phòng giáo dục 6 huyện miền núi Quảng Ngãi, trong vòng ba năm qua có hơn 300 học sinh bậc học THCS, THPT nghỉ học "hành phương Nam" làm thuê kiếm sống. Năm nay chỉ riêng trường THCS Trà Lãnh, có đến 10 học sinh nghỉ để đi làm ăn xa. Ban giám hiệu nhà trường nói chưa bao giờ số học sinh của trường bỏ học đi làm lao động nhỏ tuổi nhiều như thế.
Năm ngoái, 7 học sinh lớp 6, lớp 7, trường THCS Trà Lãnh và Trà Khê cũng bỏ học vào các tỉnh Tây Nguyên hái cà phê. Hồ Văn Bốn, cựu học sinh lớp 8, kể lại là một số người lớn rủ em lên Đăk Lăk làm rẫy cà phê sẽ được trả tiền công nhiều. Làm được vài tháng, cậu không chịu được cực khổ và lương bổng bèo bọt bèn quay về quê rồi nghỉ học hắn.
Cậu bé thú thật: "Thấy các anh chị thanh niên trong làng đi làm ăn xa về có nhiều quần áo mới, có tiền sắm tivi, xe máy nên em muốn được như họ. Vào đến Đăk Lăk em làm cho một chủ rẫy cà phê, quần quật suốt ngày nhưng mỗi tháng chỉ được trả công khoảng vài trăm nghìn đồng thôi".
Trở về nhà với cơ thể gầy gò, mệt mỏi, thế nhưng ở nhà được vài ngày Bốn lại quay vào Đăk Lăk bởi lẽ "ông chủ còn giữ nhiều tháng tiền công hẹn em quay trở lại tiếp tục làm sẽ trả nốt".
Năm nay trong số học sinh nghỉ học có hai anh em Hồ Văn Tuấn (lớp 8) và Hồ Văn Tân (lớp 7). Chỉ trong một đêm, gia đình thấy mất hai anh em, để lại lá thư viết cho gia đình thông báo vào Tây Nguyên làm kiếm tiền. "Thật sự bây giờ tôi cũng không biết 2 đứa nó ở đâu, làm gì nữa", ông Hồ Văn Non, cha của Tuấn và Tân vừa nhai trầu vừa nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đinh Văn Lập, Trưởng phòng giáo dục huyện miền núi Tây Trà xác nhận tình trạng nhiều học sinh nghỉ học đi làm thuê khắp nơi. Ông thừa nhận: "Mặc dù nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà học sinh ở các bản làng để tuyên truyền, vận động phụ huynh gọi các em trở về đến lớp trở lại nhưng không mấy hiệu quả".
![]() |
Nhiều học sinh THCS ở các huyện miền núi Quảng Ngãi bỏ trường, sớm lao vào cuộc mưu sinh. Ảnh: Trí Tín |
Ông Hồ Văn Tuấn, Trưởng Công an huyện Tây Trà cho biết thêm, tình trạng những người thuê mướn lao động từ các nơi về địa phương rủ tuyển lao động trẻ bỏ học đi làm công đã có từ nhiều năm nay. Trước đây họ còn đưa đón trẻ tận nhà, song mấy năm qua chính quyền địa phương truy bắt nên họ chuyển sang âm thầm rủ rê.
Theo ông Tuấn, sở dĩ các "ông chủ" tuyển lao động là học sinh, không chọn người lớn là do các em ở lứa tuổi này vừa không vướng bận gia đình vừa chi phí nhân công rẻ bèo. Hầu hết các em chỉ được trả công cho vài tháng làm việc chỉ từ 500.000 đồng đến một triệu đồng, khác hẳn lời hứa khi tuyển dụng.
Thầy giáo Lê Văn Tư, Hiệu trưởng trường THCS Trà Lãnh cho biết, hầu hết học sinh nghỉ học đi làm thuê khoảng hai đến ba năm, sau đó trở về quê có vợ, có chồng. Trường chỉ nắm được học sinh nghỉ trong niên khóa, còn mùa hè thì khó quản lý nổi. "Nguyên nhân một phần là vì đói, nghèo, phần lớn các em học đòi thanh niên trưởng thành làm ăn xa trở về có tiền mua sắm tivi, xe máy nên bỏ họcđi theo với hy vọng đổi đời", thầy Tư nhận xét.
Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại 58 tỉnh, thành phố Việt Nam cho thấy hơn 90% trẻ em lao động trong ngành tự do (trong số được khảo sát). Trung bình trẻ làm việc 4-5 giờ một ngày, thậm chí đến 6 giờ hoặc 10 giờ một ngày. Khoảng 50% em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần và chịu nhiều sức ép tâm lý. Hiện cả nước có hơn 25.000 trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhân ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6 với chủ đề: “Cảnh báo trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Hãy chấm dứt lao động trẻ em”, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo mà các ngành chứ năng cần cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa để sớm chấm dứt tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Bộ Lao động đưa ra mục tiêu đến năm 2016 sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Ngoài ra, Bộ đang hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật như sửa đổi một số điều trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Lao động, cho phù hợp với thực tế. |
Trí Tín