Như mọi ngày, tôi thả bộ trên con đường từ chỗ làm về nhà, ghé qua chợ thấy người ta bày bán bánh mứt, hoa quả Tết rộn ràng tôi ghé qua thăm thú một chút, ghé vào tạp hóa, tôi chọn cho mình một giỏ quà không quá mắc, vài thứ linh tinh như đã dự định trong đầu từ trước. Ở một shop quần áo bên kia đường tôi nghe rõ tiếng nhạc xập xình: "Tết, Tết, Tết là Tết là Tết, Tết vừa đến đây dưới mái hiên nhà...", nghe mà vừa quen vừa thân thương, tôi khựng lại trong khi cô bán hàng vẫn nhìn tôi dè chừng.
Nơi tôi đang đứng cách nhà tôi vài trăm cây số, vì đường xá xa xôi với lại ví tiền có hạn nên tôi định sẽ không về Tết năm nay, mà tự tạo ra cho mình một không khí xuân ở chỗ làm. Dẫu gì năm ngoái tôi cũng đã về rồi. Với những đứa làm thuê như tụi tôi, hai năm về một lần là đã cố gắng lắm. Nhớ năm ngoái, tôi cũng tính không về, về làm được gì khi trong túi không có đồng nào nhưng vì nhớ quá, nhớ mẹ, nhớ em tôi đánh liều về đại theo kiểu tới đâu hay tới đó. Trên chiếc xe buýt về Định Quán, tôi nhớ rõ lắm có một đứa trẻ xin ăn cứ hát hoài cái bài xuân, xuân ơi gì đó, tôi định cho nó vài nghìn đồng để nó thôi hát, để tôi thôi não ruột. Ấy vậy mà tôi không còn lấy được nghìn nào, ngay cả tiền trả xe buýt tôi còn không đủ nữa là...
Tôi bắt đầu chật vật khi bước chân lên Sài Gòn kiếm sống, trong túi không có đồng nào là chuyện thường, hồi nhỏ cứ tưởng lên Sài Gòn là sướng. Anh hai làm ở thành phố, có điện thoại, có tiền lì xì Tết cho tụi tôi là tôi lại thấy nôn nao, tôi ghét cái nghèo cái khổ ở nhà, ghét phải sống với cái thiếu thốn trăm bề, tôi nói với mẹ "Ước gì con được như anh hai mẹ nhỉ, xài tiền thoải mái".
Mẹ giận, mắng tôi hồ đồ, học là quan trọng, rồi mẹ lại giở cái bài giảng thuyết dài lòng thòng ra. Tôi ghét lắm, chẳng muốn nghe tí nào, thế là xui khiến thế nào tôi bỏ học, theo chúng bạn lên Sài Gòn mặc cho mẹ khóc lóc và nhiều lần nài nỉ tôi quay về. Một năm vật lộn với cuộc sống bon chen nơi xứ người tôi nhận ra rằng chẳng có công việc nào lương thiện mà mang lại nhiều tiền, đồng tiền đã khiến tôi mờ mắt và hoàn cảnh thường được tôi đổ oan khi ai đó hỏi về nghề nghiệp của mình. Cái gì mà đắp đổi bằng tiền thì luôn có hạn sử dụng, tới một lúc họ không cần tôi nữa, họ chỉ xem tôi như một thằng nô lệ sau khi đã lợi dụng tôi một thời gian khá lâu với những lời dụ dỗ ngọt ngào: nhà lầu, xe xịn... đến lúc muộn màng thì sự hối hận của tôi dường như không còn ý nghĩa. Trong say mê với thú vui, loạn lạc chẳng một mùa xuân nào tôi đoái hoài đến mẹ.
Vì sự vô tâm của tôi mà nhiều năm sau đó mẹ đã sống trong khổ sở đến tận cùng, cha tôi về bên kia thế giới, những đứa con thân yêu lần lượt rời bỏ bà, lấy vợ gả chồng... Tết vừa rồi chỉ có một mình tôi về đón Tết cùng bà, trong căn phòng trọ chật hẹp, với số tiền lương ít ỏi, bà vẫn xoay xở cho tôi một cái Tết đàng hoàng, với bánh chưng chiên sáng mùng một và nồi thịt kho trứng, không khoa trương, không pháo nổ nhưng ấm áp lạ thường.
Tôi nằm cạnh mẹ, cùng ôn lại những chuyện xưa cũ, những ngày còn ở dưới mái nhà có đông đủ anh em, tôi cứ nghẹn ứ, chỉ muốn khóc chứ chẳng nói được lời nào. Song tôi vẫn chưa nói được với mẹ về nghề nghiệp trước kia của mình, những việc làm xấu hổ của đứa con mà mẹ luôn tin tưởng.. dẫu gì mẹ cũng không hỏi tới. Mẹ chỉ cần biết là con mẹ vẫn khỏe, vẫn còn biết nghĩ đến mẹ... mẹ vẫn giữ được nụ cười rạng rỡ trong căn phòng hiu quạnh vì cho dù tôi có là đứa con tội lỗi đến đâu thì trong mắt mẹ tôi vẫn chỉ là đứa trẻ ngây thơ, khờ dại... Rồi mẹ lại ngân nga hát "Tết, Tết, Tết là Tết là Tết, Tết vừa đến đây dưới mái hiên nhà..."
Tôi khựng lại trong lúc nghe được những lời này bên shop quần áo, tôi trả lại những thứ mình vừa chọn, không quên gửi lời xin lỗi đến cô chủ dễ tính. Nhưng tôi vẫn chừa lại một giỏ quà nhỏ, là bằng chứng để mẹ tôi tin rằng con mẹ cũng đang có một cuộc sống ổn định, biết làm ra tiền và sống nhờ sức lao động của mình. Có phải đó là điều bấy lâu mẹ tôi hằng mong ước ? Tết này tôi sẽ về đón Tết cùng mẹ với giỏ quà rủng rỉnh trên tay, mẹ sẽ mừng biết mấy. Hình ảnh ngày về nhập nhòa trong mắt tôi...
Hạnh phúc không phải ai cũng có thể đem ra đo lường thêm thắt đâu các bạn ạ, nó là những gì xảy ra trong cuộc sống nếu ta thực sự cảm nhận được với những niềm vui góp nhặt và muốn có tình yêu thì phải có mặt người thân yêu cho những điều giản dị nhất, nên đừng lấy bất kỳ lý do gì để vắng mặt những ngày Tết các bạn nhé. Nếu chúng ta thật sự muốn về chẳng có gì ngăn cản được, ngay cả khi trong túi không có ngàn nào, đối với những người con xa xứ, vì hoàn cảnh mà phải tha phương cầu thực thì chẳng có gì đẹp bằng tình quê hương mỗi độ xuân về. Nơi mà ở đó có những người thân yêu đang chờ đợi, sự có mặt của bạn vốn dĩ đã là một món quà vô giá.
Trần Văn Tiến
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |