Ông Vinh, 50 tuổi, ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh kết hôn với bà Nguyễn Thị Liễu, 47 tuổi, 29 năm trước. Cuộc sống của cặp vợ chồng và hai con trai tuy không quá khá giả nhưng trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười.
Nhưng tai ương liên tiếp ập đến với vợ chồng ông. Năm 2015, họ mất người con đầu 23 tuổi, hai năm sau tiếp tục mất cậu út 21 tuổi, đều vì tai nạn giao thông.
"Vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc", ông Vinh kể. Người cha cố gắng kìm nén nỗi đau trong lòng, lúc nào nhớ con quá lại ra đường đi lại cho khuây khỏa. Bà Liễu thì ốm lên ốm xuống, nằm liệt giường. "Có lúc tôi như người mất hồn, ai hỏi gì cũng không nhớ, nhiều tháng sau mới bình tĩnh lại", bà nói.
Khi nỗi đau nguôi bớt, vợ chồng ông Vinh quyết định sinh thêm con, song tuổi đã xế chiều khiến việc thụ thai gặp khó. Chi hơn 300 triệu đồng đến các bệnh viện ở Nghệ An và Hà Nội để thăm khám và làm các thủ thuật y khoa, song hai người chỉ nhận lại sự hụt hẫng và thất vọng. Bác sĩ kết luận trứng của người vợ hơi kém, khả năng đậu thai thấp. "Trời chưa cho thì đành chờ chứ biết làm sao", ông Vinh lúc đó an ủi vợ rồi bàn chuyện xin con nuôi.
Hai năm qua, cặp vợ chồng rong ruổi khắp Hà Tĩnh, đặt vấn đề với cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi xin nhận con nuôi, song chưa lần nào nhận được phản hồi.
4h30 ngày 15/8, ông Vinh nhận được "món quà" bất ngờ. Trong lúc mở cổng ra đường thể dục, ông Vinh nghe tiếng khóc trẻ con bên gốc xoài. Lại gần quan sát, ông thấy một bé gái sơ sinh được quấn chăn mỏng, nằm trong giỏ nhựa. Người đàn ông vội gọi vợ ra bế em bé vào nhà rồi đi báo sự việc với chính quyền.
Đứa trẻ trong chiếc giỏ nhựa là một bé gái khoảng hai ngày tuổi, nặng 3,3 kg, sức khỏe tốt. Trong giỏ có 200.000 đồng, đồ trẻ sơ sinh, một hộp sữa và bình sữa nhỏ đã pha sẵn cùng một lá thư được cho là của người mẹ viết với nội dung: "Do hoàn cảnh khó khăn tôi không thể nuôi cháu, nhờ vợ chồng anh Vinh, chị Liễu chăm sóc".
Ông Lê Hồng Thành, chủ tịch phường Đức Thuận cho biết, khi nhận tin cháu bé bị bỏ rơi, chính quyền đã phát thông báo tìm người thân, đến nay đã quá thời gian quy định nhưng không có ai đến nhận. Sau thời gian đó, UBND phường đã đồng ý cho vợ chồng ông Vinh nhận cháu bé làm con nuôi, các thủ tục tư pháp đã hoàn tất. Bé gái được đặt tên là Lê Thị Như Ý. Theo ông Vinh, Như Ý là nỗi niềm, là ý nguyện, niềm vui của hai vợ chồng sau bao năm trông ngóng đồng thời cũng mong con về với gia đình mình luôn bình an.
Từ khi đón bé gái, bà Liễu nghỉ hẳn công việc làm thuê tại xưởng đúc chậu cây cảnh và ghế đá để chăm sóc con. Người phụ nữ 47 tuổi tâm sự, gần 6 năm qua vợ chồng đi làm không có động lực, đêm ngủ không tròn giấc, nhiều lúc nghĩ "con không có thì làm ra tiền cũng chẳng để làm gì". Những ngày có bé trong nhà, nỗi buồn vơi đi, bà phấn khởi, cười nhiều hơn. Sau một tháng, bé nặng 4,5 kg, ăn ngủ được, bụ bẫm, ít khóc.
Nuôi con mọn ở tuổi ngũ tuần, ban đầu ông Vinh cảm thấy mọi việc có chút xáo trộn, sau vài ngày đã bắt nhịp. Hàng ngày, ông vẫn đi làm, bà ngoại ở gần đến phụ giúp nấu nướng, làm việc nhà. Buổi tối, mỗi khi con khóc ông lập tức thức dậy pha sữa, ru bé ngủ. "Hơi vất vả tý nhưng vui vô cùng", ông nói.
Ông Vinh cho biết thêm, mỗi tháng gia đình có thu nhập hơn 10 triệu đồng, ngoài ra còn có tiền tích lũy gửi ngân hàng nên vợ chồng ông đủ điều kiện lo cho con đến khi trưởng thành. Bây giờ họ chỉ mong có sức khỏe để nuôi con cho tốt.
Sắp tới gia đình sẽ sơn lại căn nhà cho mới mẻ, bởi nhiều năm qua khi hai con trai qua đời ông đã bỏ bê, không có động lực tu sửa.