Pour mon L.
Tôi đã may mắn có được tình yêu ấy, cả khi tôi không có họ bên mình. Tình yêu ấy luôn tràn ngập tim tôi, khi tôi chạy xe lòng vòng qua nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố… tìm trong những tòa kiến trúc xưa dấu ấn của một vẻ đẹp Pháp, tâm hồn Pháp mà tôi hằng ngưỡng vọng. Tình yêu ấy cũng thức dậy khi tôi vô tình nghe một giọng Pháp dịu dàng trên hè phố…Pour mon L.
Hay như lúc này, khi tôi đang ngồi ở một góc rất nhỏ của Sài Gòn, và bên ngoài cửa sổ, mưa vẫn rơi đều, thì tình yêu nước Pháp vẫn chảy tràn trong tôi qua giai điệu thiết tha “Dernier baiser” của C. Jérôme hay “La vie en rose” của Edith Piaf…
Tình yêu ấy đến từ anh, một người Pháp đã đi qua đời tôi, như giấc mơ một thời thiếu nữ.
Anh hơn tôi 15 tuổi, đã “làm cha thiên hạ”, vậy mà lần đầu gặp tôi, mặt anh ửng đỏ. Đôi mắt xanh lơ như hai ngôi sao xanh nhìn tôi bẽn lẽn. Còn tôi, vốn chưa quen với cái ôm và nụ hôn xã giao kiểu Pháp, đã vụng về nghiêng vai lẫn tránh, khiến anh càng thêm bối rối Thế nhưng, từ giây phút ấy, tôi biết mình đã phải lòng hai “ngôi sao” xanh ấy mất rồi.
Như một định mệnh, chúng tôi đã xuyên qua đời nhau, như cái cách mà hai đường thẳng gặp nhau tại một điểm. Cái điểm ấy là 2 tuần chúng tôi được bên nhau, trọn vẹn như thể sống cho cả phần đời còn lại. Và cũng từ điểm cắt ấy, cuộc đời tôi đổi khác.
Hai tuần bên nhau, chúng tôi trở về với bản tính nguyên sơ, hồn nhiên và tinh nghịch như hai đứa trẻ. Tôi ngả nghiêng trong những trận cười và chìm vào cái thế giới mà trí tưởng tượng bất tận đầy hài hước của anh dẫn dắt. Còn anh lại bị cuốn vào những trò “điên” khó đỡ của tôi.
Vượt qua những hạn chế về ngôn ngữ, khi tôi một chữ tiếng Pháp cũng không biết, anh nửa chữ tiếng Việt cũng không hay, chúng tôi hiểu nhau từ trong từng cái nhìn, từng nụ cười, từng lời chưa kịp nói… Tuổi thanh xuân muộn màng của tôi dường như sống lại như đóa quỳnh nở muộn vào một sớm mai thanh khiết.
Tôi vẫn nhớ, những chiều Nha Trang nhạt nắng, anh nắm chặt tay tôi đi dọc chiều dài của biển, kể tôi nghe tuổi thơ anh trắng xóa tuyết mùa đông nơi dãy Alpes hùng vĩ, rồi tuổi thanh xuân trong quân ngũ; tình yêu âm nhạc và giấc mơ một thời tuổi trẻ. Nước Pháp như dần rõ nét và thân thương trong tôi từ đó. Tôi bắt đầu yêu mảnh đất nơi anh ở qua giọng kể nhẹ nhàng và tình yêu ắp đầy trong đôi mắt xanh.
Giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm ấy cũng dắt tôi vào một thiên đường yêu đương lộng lẫy. Với anh, tôi được chạm đến thứ tình yêu đầy hy sinh và cao thượng. Đó là thứ tình yêu vượt lên cả những nhu cầu và hạnh phúc của bản thân. Và anh cũng là người đã trao cho tôi niềm tự tin của một người phụ nữ tự do – tự do từ trong tư tưởng.
“Quand vient la fin de l'été sur la plage, il faut alors s’en aller les vacances ont duré, emportant la tendresse de nos baisers. Le soleil est plus pâle et nous n’irons plus danser, crois-tu qu’après tout un hiver notre amour aura changé?”
Tạm dịch là: “Đến cuối mùa hè trên bãi biển, anh sẽ có kỳ nghỉ dài, mang theo nụ hôn dịu dàng của chúng tôi. Mặt trời đã nhạt và những điệu nhảy sẽ dừng, bạn có nghĩ sau một mùa đông, tình yêu của chúng tôi sẽ đổi thay?”
Mưa bên ngoài cửa sổ vẫn rơi và tiếng nhạc của C. Jérôme vẫn da diết như nỗi lòng tôi lúc này, khi đâu đó trên bầu trời sấm chớp ngoài kia, anh đang về lại với quê hương và gia đình mình.
“Bạn có nghĩ, sau một mùa đông, tình yêu của chúng tôi sẽ đổi thay?” Tôi đã băn khoăn về điều đó khi nắm chặt tay anh ở phi trường sáng nay. Nhưng có lẽ tôi đã lẩm cẩm rồi. Bởi sự chia xa, dẫu là mãi mãi, cũng không thể làm cho tình yêu héo tàn, trừ khi con tim ta thực sự muốn quên.
Nhà Phật nói: “Vạn sự tùy duyên”. Tôi cảm ơn cuộc đời đã sắp đặt một nhân duyên để chúng tôi được đi qua nhau một lần trong đời, như món quà lớn cho nhau – một chương đời khác.
Có phải khi yêu, người ta yêu luôn cả những sự khác biệt mà ta gọi là “rào cản”? Nếu vậy thì tôi đang cố gắng “vượt rào” để hiểu được tiếng nói của anh, văn hóa nước anh và cả những dòng sông ngọn núi quê anh. Anh vẫn trong tôi, nước Pháp xa xôi vẫn gần gụi trong tôi qua những bản tình ca, những vần thơ, bộ phim và những bài học tiếng Pháp ở Viện trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf) mà tôi đang bập bẹ học đánh vần.
Và tôi biết, có một Việt Nam thân thương cũng cùng anh theo về nơi ấy.
Bùi Thị Kim Toàn