Biết Linh qua một cuộc giao lưu từ thiện, Phan Anh (20 tuổi) học piano cùng trường, quyết định phải giúp đỡ người anh đầy tài năng và nghị lực. Linh lớn hơn Phan Anh 3 tuổi. Cuối tháng 6, Phan Anh đăng ký tham gia chương trình "Vì bạn xứng đáng" và giành được 48,65 triệu đồng. Theo kịch bản chương trình, người chơi sẽ tặng lại tất cả phần thưởng cho một người không may mắn nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Phan Anh khi quyết định tham gia thi đã chọn Linh để tặng thưởng.
Hơn 19h tối, ở ký túc xá Học Viện Âm nhạc Quốc gia, người đàn ông ngoài 50 tuổi mặc chiếc áo phông đen bạc thếch, trông khắc khổ, đi mua cơm. Một chàng trai trẻ bảnh bao chạy lại gần nở nụ cười rạng ngời chào hỏi. Hai người đi về phía cầu thang, leo lên tầng 5 khu ký túc. "Ở tầng cao thế này chỉ khổ thân Linh mỗi khi đi chạy thận", người đàn ông nói. Ông là bố của Linh, còn chàng trai trẻ chính là Phan Anh.
Trong phòng cuối hành lang, Linh đang ngồi trên giường đọc báo bằng phần mềm cho người khiếm thị. Khi nghe tiếng chào hỏi, cậu dừng thao tác, tươi cười: "Phan Anh đến chơi à". Mới gặp nhau vài ba lần nhưng Linh nhớ rất rõ giọng nói của người em đã giúp mình nhận gần 50 triệu đồng. "Với gia đình em, đây là một phần thưởng bất ngờ. Cả nhà em đã ôm nhau khóc vì tình cảm lớn lao mà Phan Anh mang lại", Linh chia sẻ.
"Anh Linh không nhìn thấy, lại bị suy thận nhưng tiếng sáo của anh trong trẻo vô ngần, nhiều cảm xúc, rất dễ đi vào lòng người. Em cảm phục nghị lực của anh, yêu tiếng sáo ấy và rất muốn làm gì đó giúp anh", Phan Anh tâm sự.
Nguyễn Văn Linh bị mù từ nhỏ nhưng cậu bé ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) này rất ham học. Từ khi 5, 6 tuổi, Linh đã xin bố mẹ xuống thành phố Thanh Hóa học chữ nổi. Nơi đây chỉ dạy hết lớp 2. Vậy là năm 11 tuổi, Linh một thân một mình ra Hà Nội theo học trường Nguyễn Đình Chiểu.
Linh ngồi trên giường, lướt web thành thạo. Nhờ đó mà Linh có thể giao tiếp với bạn bè trong nước, quốc tế cũng như tìm được nhiều tài liệu bổ ích cho việc học.
Kể về những ngày đầu tiên ở Thủ đô, Linh nói: "Bố mẹ đưa em ra Hà Nội, ở lại vài ngày rồi về. Tự em phải làm quen hết mọi việc. Những dịp được nghỉ về quê, em ra cổng trường bắt xe ôm. Đến Giáp Bát, em nhờ người tìm hộ nhà xe và cứ thế về nhà. Chưa bao giờ em đi lạc cả". Lúc ở trường Nguyễn Đình Chiểu, ngoài học chữ nổi, các môn văn hóa, Linh cũng học một số môn nghệ thuật, trong đó có sáo trúc. Nhờ thế, Linh đã được vào đội nhạc của trường, đi biểu diễn ở nước ngoài.
Năm 19 tuổi, Linh thi vào Học Viện âm nhạc quốc gia, đỗ khoa Nhạc cụ dân tộc và chọn sáo trúc làm chuyên ngành. Thời gian đầu Linh phải nỗ lực rất nhiều mới có thể theo kịp các bạn. Khi học các môn văn hóa, các bạn ngồi cạnh nói lại cho cậu lời cô giảng. Lúc làm bài thi, Linh viết bằng chữ nổi, sau đó diễn đạt lại cho các bạn, nhờ viết lại nộp thầy cô.
Đối với các môn chuyên ngành, vì không đọc được sách vở nên Linh mất nhiều thời gian luyện tập. Cậu thường mang bên mình một máy thu âm và nhờ thầy cô thổi lại về nhà học theo. Khi có máy tính, cậu có thể lên mạng tìm thêm các tài liệu học. Nhờ sự nỗ lực hết mình, Linh luôn đạt thành tích xuất sắc tất cả các năm học. Cậu được chọn vào đội nhạc của trường, thường xuyên đi biểu diễn ở các đại sứ quán.
Tưởng chừng như tương lai đang rộng mở, bù đắp lại phần nào cho chàng trai khiếm thị thì tin dữ một lần nữa ập xuống. "Mùa hè trước, em đột nhiên đau bụng, đau đầu, sốt, chán ăn. Vào viện, các bác sĩ bảo em đã bị suy thận giai đoạn cuối", Linh cho biết.
Một năm một tháng qua, Linh phải đi lọc máu 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài 4 tiếng. Nhiều hôm đi học về, cậu không kịp ăn cơm đã phải đi chữa bệnh. "Ngày nhỏ, Linh đã tự lập, giờ lớn rồi lại cần bố mẹ ở bên vì mỗi khi đi lọc thận phải có người đưa đón, trông chừng lỡ có vấn đề gì cần còn báo bác sĩ. Linh không muốn đâu nhưng không thể làm gì khác", ông Hạnh, bố Linh, tâm sự.
Cũng ngần ấy thời gian, người cha này phải ở Hà Nội chăm con trai. Lúc con đi học, ông chạy xe ôm, cố kiếm thêm vài ba đồng lấy tiền ăn cho hai cha con. Ở quê, người mẹ đã ngoài 50 tuổi bị đủ thứ bệnh cùng người anh mới ra trường chưa xin được việc, lo đồng áng.
"Linh bệnh nhưng kiên cường lắm, không bao giờ than. Tôi có kể với ai cũng bị cháu gạt đi, không cho nói. Ngày lên lớp, chiều đi lọc thận. Nhiều hôm mệt không ăn được, ăn vào nôn ra nhưng cháu vẫn cố gắng ăn, uống thuốc. Nó bảo sống được ngày nào sẽ còn cố ngày ấy. Ước mơ, hoài bão của Linh lớn lắm nhưng vì bệnh mà giờ chệch hướng tất cả", người cha nhìn con xót xa.
Căn bệnh suy thận của Linh đã chuyển biến nặng, có bảo hiểm nhưng vẫn mất 6-7 triệu đồng tiền thuốc thang mỗi tháng. Chàng trai nghị lực cho hay: "Em vẫn cố đi học, chữa bệnh, thỉnh thoảng đi diễn; sống được ngày nào phải quyết tâm ngày ấy".
Phan Dương