Tôi giờ phá sản, muốn đòi lại tiền song trong tay không có chứng cứ gì? Cách nào để tôi có thể đòi được tiền?
Luật sư tư vấn
Theo khoản 2 điều 155 Bộ luật Dân sự, pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (đòi nợ cũng là một trong những dạng thức để bảo vệ quyền sở hữu tài sản). Do vậy, về nguyên tắc, chủ nợ có quyền đòi nợ mà không phụ thuộc tài sản (tiền, vàng...) cho vay đã quá hạn được bao lâu.
Điều 463 Bộ luật Dân sự không bắt buộc giao dịch vay tài sản phải được lập thành văn bản. Do vậy, các bên có thể lập hợp đồng vay tài sản bằng văn bản, đơn giản hơn thì có thể là giấy vay tiền hoặc thậm chí chỉ là hợp đồng miệng trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.
Tuy nhiên, trường hợp có tranh chấp thì để đòi được tiền, chủ nợ phải xuất trình chứng cứ cho vay. Nếu các bên chỉ giao kết bằng hợp đồng miệng mà bên vay phủ nhận việc vay nợ, chủ nợ cần phải cung cấp các chứng cứ khác về việc cho vay. Chứng cứ khác có thể là nhân chứng, tin nhắn qua lại giữa hai bên, hoặc băng ghi âm, ghi hình giữa hai bên về việc vay nợ, đòi nợ... Trường hợp có tranh chấp về tính xác thực thì một trong các bên có quyền đề nghị Tòa án trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Theo điều 6 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
Với quy định này, trường hợp chủ nợ không cung cấp được cho Tòa án chứng cứ chứng minh giao dịch vay nợ cũng như nghĩa vụ trả nợ của bên vay thì yêu cầu đòi nợ có thể không được tòa án chấp nhận.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội