Thứ năm, 30/4/2020, 06:05 (GMT+7)

Món nợ đời lính sau chiến tranh Việt Nam

T-5230-1564095978.png

ohn Lindquist chưa bao giờ nhớ nổi tên cậu lính trẻ cùng chốt ở bãi biển Cửa Việt - người đã nhét nòng khẩu M16 vào miệng và xả một loạt đạn mùa Thu năm 1968.

Nhưng hình ảnh cậu trai đó, ngồi bệt ở cửa lán, não văng khắp nơi, là thứ John mang theo khi rời Việt Nam. Ký ức trở thành gánh nặng.

Đó là năm 1968, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đang lừa phỉnh nước Mỹ rằng cuộc chiến họ tham gia có khả năng thắng lợi. Từ năm 1966, ông ta đã biết chắc nó vô vọng. Nhưng hàng chục nghìn sinh mạng như John vẫn được ném lên dải đất chữ S, cho những mưu đồ chính trị mù mờ. Họ chết, tàn tật, hoặc chấn thương tâm lý. Họ giết người như mê sảng, và không thể tự tha thứ.

Đó là năm 1968, sau chiến dịch Tết Mậu Thân của phía Bắc, tinh thần cả cử tri Mỹ lẫn những cậu trai mặc áo lính trên đất Việt Nam đều đã dao động. Việc lính Mỹ bất tuân lệnh, giết thượng cấp phổ biến tới mức thành một vấn đề mới của Lầu Năm Góc.

John Lindquist mang theo ký ức những năm tháng đó, trở về Mỹ và nhận ra rằng cuộc chiến không kết thúc ngay cả sau 30/4/1975. Suốt thập niên 80-90, John trở thành nhà hoạt động cho một sứ mệnh: bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Cựu lính thủy đánh bộ John Lindquist năm 2003. Ảnh: Peter DiAntoni.

Năm 1991, Lindquist ngồi ăn cơm với tướng Huỳnh Đắc Hương ở Việt Nam. Tướng Hương là một trong những chỉ huy của quân đội Bắc Việt vùng vĩ tuyến 17 hồi năm 1968-1969. John đã suýt chết bởi đạn pháo do quân ông Hương bắn. Ông tướng vừa hối hả gắp thức ăn cho John vừa đùa: "Hồi đó tôi biết cậu là người tốt nên bắn trượt".

"Ngài không bắn trượt", John trả lời, "Tôi đã xếp đủ số bao cát trên công sự để biết điều đó".

Hơn một trăm loạt đạn pháo "không bắn trượt" của quân Bắc Việt vào công sự của John năm 1968 đã khiến anh biết rằng mình là kẻ may mắn sống sót. Anh đã sống để làm thay phần việc của những đồng đội không may được như thế.


T-5230-1564095978.png

rở thành Thủy quân lục chiến là mơ ước của John Lindquist từ thời thiếu niên. Chàng trai quê Milwaukee định sẽ đi lính sau khi tốt nghiệp trung học năm 1966. Mọi chuyện chỉ gián đoạn một chút, khi anh quyết định trước đó mình sẽ sang London xem một đêm diễn của Rolling Stones.

Ở Anh, trong sàn nhảy, John gặp Lisa. Đó là cô gái thứ 33 anh mời nhảy tối hôm ấy. Không ai muốn nhảy cùng cậu trai Mỹ tóc ngắn ăn mặc lạc mốt. Chỉ Lisa đồng ý. Họ yêu nhau.

Sau vài lần trì hoãn, về Mỹ rồi lại chuyển tới London theo tình yêu, John vẫn không thoát được tiếng gọi của quân ngũ. Anh đưa Lisa về Milwaukee, tổ chức một lễ cưới giản dị, rồi tòng quân.

Ngày 23/10/1967, John Lindquist nhập ngũ. Anh làm chuyện đó với tâm trạng nhẹ nhàng. Thế hệ của John đã lớn lên cùng một tinh thần chống cộng hiển nhiên và rộng khắp. Những ca khúc được nghe nhiều thời ấy là "Better Dead than Red" (Thà chết còn hơn Đỏ) hay "Kill A Commie for Mommie" (Diệt Cộng cho má).

Đợt huấn luyện ở Trại Pendleton dài 19 ngày: chiến trường Việt Nam đang cần gấp quân bổ sung. Đúng 30/4/1968, John Lindquist lên máy bay rời nước Mỹ.

John hạ cánh xuống Việt Nam ngày 4/5, vào biên chế Sở chỉ huy, Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến. Anh nhận khẩu M16 của mình, thức trắng một đêm. Tiếng pháo từ bên này và bên kia vang liên hồi. Những vệt đạn sáng dọc ngang bầu trời. Những chiếc C-130 thả pháo sáng suốt đêm.

Lính Mỹ tại Quảng Trị năm 1967. Ảnh: Shutterstock.

Sáng ngày thứ hai, John nhận nhiệm vụ ở cửa biển gần Đông Hà. Trước đó 5 ngày, trận Đông Hà đã bắt đầu. Nó là một phần của thứ người Mỹ gọi là "mini-Tết", vì gợi nhớ độ khốc liệt của sự kiện Tết Mậu Thân vừa diễn ra. Sư đoàn 320 của Bắc Việt đang tấn công Đông Hà, và án ngữ đường vận chuyển lương thực, vũ khí của Mỹ trên đoạn sông Cửa Việt từ Đông Hà ra biển.

Nhiệm vụ của John những ngày đầu là đắp lô cốt. Bốn người phụ trách một trạm tiếp nhận xăng bên bờ biển. Họ đắp lô cốt bằng các bao cát, đón tàu chở dầu của Hải quân và của hãng Shell.

Cảm giác tức giận xuất hiện trong John chỉ vài ngày sau khi đến Việt Nam, nhưng không phải với cộng sản, mà với chủ nghĩa tư bản. "Tôi luôn cảm thấy sôi máu vì mỗi tháng, một lính Thủy quân lục chiến kiếm được khoảng 150 USD, còn tay nhân viên Shell đang bán xăng cho chúng tôi kiếm được 1.200 USD. Tốt thôi, chúng tôi không làm điều này vì tiền".

Cách công sự của John năm mươi mét là 16 téc xăng 37 khối, xếp thành hai hàng. Anh hay nhìn những téc xăng và tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó đám xăng này bùng lên trong đêm, khi họ đang ngủ cạnh. John có câu trả lời vào ngày 25/5/1968.

Mỗi viên đạn pháo 152 mm của quân Bắc Việt mất mười một giây để đi từ bên kia giới tuyến đến công sự của John. Mấy lính Mỹ biết điều đó. Họ ở đủ gần khu phi quân sự để nghe tiếng quả pháo rời nòng bên kia sông, đếm 11 giây và nghe tiếng nổ ở bên này.

Đêm 25/5, mười lăm loạt đạn đầu tiên tạo ra cảm giác yên tâm: sau khi những quả đạn xuất phát 11 giây là một tiếng rít trên đầu. Tức là pháo đang bắn cao hơn mục tiêu.

Nhưng rồi những tiếng rít cứ gần lại. Cuối cùng, ở loạt thứ hai mươi là một tiếng nổ. Pháo binh Việt Nam đã tìm thấy góc bắn thích hợp. Hơn sáu trăm nghìn lít xăng máy bay JP-4 bốc cháy. Một quầng sáng bao trùm công sự, John cảm thấy nóng. Anh biết mình sẽ phải chạy ngay lập tức, "nếu không muốn thành gà quay".

"Nghe thêm năm loạt đạn nữa rời nòng, chúng tôi đứng dậy, vơ lấy radio và chạy. Chúng tôi đếm đến mười, rồi lại nằm rạp xuống đất. Bụi cát văng tứ phía. Năm loạt đạn nữa rời nòng. Lại thêm mười giây chạy, rồi nằm rạp xuống".

111 loạt đạn pháo đã bắn về phía công sự của John Lindquist đêm hôm ấy. Cả một vùng đỏ lửa. John đã may mắn vì cuộc pháo kích diễn ra trên cửa biển. Trên cát, tầm sát thương của một quả đạn pháo là mười mét, thay vì năm mươi đến một trăm mét như trên đất ruộng.

Lính Mỹ trên sông Cam Lộ, Quảng Trị. Ảnh: Shutterstock.

Năm 1968, sau những cú sốc chiến trường, là giai đoạn mà khái niệm "fragging" trở nên phổ biến trong hàng ngũ của Mỹ. Một cách chơi chữ của từ "fragmented" (phân mảnh) trong tên quả lựu đạn phân mảnh, fragging là động từ mô tả hành vi đe dọa hoặc giết sĩ quan chỉ huy. Những người lính bất tuân thượng lệnh dùng lựu đạn đe dọa cấp trên, ném thẳng vào họ, hoặc nổ súng. Theo ngôn ngữ đương đại, một cuộc "chơi khô máu".

Trong suốt Thế chiến thứ Nhất, với gần 5 triệu người nhập ngũ, toàn quân đội Mỹ chứng kiến 370 vụ ám sát chỉ huy. Tỷ lệ này không đổi ở Thế chiến 2 và Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng ở chiến tranh Việt Nam, từ năm 1969 đến 1970, đã có 563 vụ fragging được ghi nhận. Từ năm 1967 đến khi cuộc chiến kết thúc, tính riêng các cuộc "chơi khô máu" bằng lựu đạn và thuốc nổ, đã có từ tám trăm đến một nghìn vụ, với 86 quân nhân chết và bảy trăm người bị thương.

"Họ định chơi tay sĩ quan trong Đơn vị Điều tra Tội phạm, nhưng quả lựu đạn lại rơi vào cậu pháo binh", John kể lại một vụ fragging, "Cậu pháo binh cụt một chân, dù chẳng liên quan gì. Hình ảnh đó làm tôi bị giày vò".

John nhớ về những buổi ngồi trên chốt, và bỗng nhiên 5 loạt đạn M16 bay sượt qua đầu. Thủy quân lục chiến đang tự bắn nhau. "Đạn có thể đã bay thấp hơn. Ai đó có thể chết vì ai đó đang đánh nhau với đồng đội. Cuộc chiến trên bộ không còn vận hành nữa... Bạn có thể nhìn thấy nó rã thành từng mảnh".

Chiến trường rã thành từng mảnh. John nhớ về một cậu lính trẻ. Anh không còn nhớ tên, cũng không nhớ cậu quê ở Alabama hay Mississippi. Cậu bất bình với cấp trên, và viết thư cho hạ nghị sĩ quê mình tố cáo. Chuyện đến tai chỉ huy chiến trường, và cậu bị đại đội trưởng triệu tập.

Vị thiếu tá nói với cậu trai rằng đã có chút hiểu nhầm. Ông đề nghị cậu viết một lá thư khác, nói rằng mình đã bịa chuyện hoặc nhầm lẫn.

"Sir, đấy không phải lời nói dối. Tôi đã viết sự thật", anh lính cự nự, "Tôi thà chết còn hơn là viết lá thư đó".

"Con trai", thiếu tá đáp, "cậu cứ về lán và nghĩ cho thông đi".

John đang ngồi trước lán cùng một đám lính, chia nhau điếu thuốc khi nghe thấy một loạt đạn M16. Cậu trai trẻ đã xếp đồ đạc gọn ghẽ, ngồi xuống bậc thềm, lắp đạn vào súng của mình, để chế độ tự động, đưa nó vào miệng và bóp cò.

Giây phút John chạy đến bên xác cậu lính, anh nhớ rằng mình đã tự hỏi, liệu vị thiếu tá có được thăng chức không?

Chiến trường rã thành từng mảnh và cuộc đời John cũng thế. Anh nhận một lá thư của Lisa. Cô đã sinh một đứa con gái khi anh ở chiến trường. Bé tên là Jessica. Nhưng Lisa không còn muốn gặp lại anh nữa. John không được nhìn thấy mặt đứa con gái ấy cho đến tận 21 năm sau.


T-5230-1564095978.png

VAW là viết tắt của Vietnam Veterans Against the War – Hội Cựu binh Việt Nam phản chiến. Họ dành nốt phần đời còn lại, sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam, để chống  chiến tranh, đòi công lý cho những thương binh hay cựu binh nhiễm chất độc da cam. Họ tổ chức các cuộc tuần hành, ủng hộ cho những dân biểu như John Kerry hay John McCain - cũng là cựu binh từ Việt Nam và có cùng chí hướng.

John Lindquist trở thành một thành viên quan trọng của VVAW sau khi giải ngũ năm 1969. Tháng 4/1971, anh tổ chức một cuộc tọa kháng ở khu The Mall của thủ đô DC. Các cựu binh ném những món "lưu niệm chiến tranh" qua hàng rào Nhà Trắng: huân chương, giấy giải ngũ, cả chân tay giả. Đó cũng là quãng thời gian John gặp Anne Bailey. Cô là một điều phối viên của VVAW. Họ cưới nhau vào năm 1976 và sống ở Milwaukee, nơi John nhận một công việc cơ khí cho tòa thị chính.

Trong số các sứ mệnh mà VVAW giao cho ông có việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam - một tiến trình tắc nghẽn. Năm 1978, nhà cầm quyền Mỹ có một kiểu diễn ngôn về việc Việt Nam tiêu diệt Khmer Đỏ diệt chủng là "xâm lược Campuchia". Sau đó là những vướng mắc trong hợp tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam. Và tất nhiên, nhiều cử tri Mỹ gốc Việt - thuộc về chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ - tạo thành một cộng đồng ác cảm với Hà Nội trong lòng nước Mỹ.

Đến tận đầu thập kỷ 90, khi các thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry nêu vấn đề dỡ bỏ cấm vận Việt Nam với tổng thống Bill Clinton, nhiều cựu binh Mỹ vẫn nằng nặc phản đối.

John Lindquist và các đồng sự khăng khăng đi theo niềm tin. Họ nằm trong số những lính Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh.

Một cuộc biểu tình của Vietnam Veterans Against the War năm 1974. Ảnh: WAS.

Trên chuyến bay của Thai Air từ Bangkok đi Hà Nội ngày 4/12/1991 có 3 cặp vợ chồng người Mỹ. Ba người đàn ông từng phục vụ những đơn vị khác nhau của quân đội Mỹ. Cựu thủy quân lục chiến John Lindquist và vợ Anne Bailey; cựu lính dù Joel Greenberg và vợ Annie Luginbill; cựu lính công binh John Zutz và vợ Edith.

Họ có mặt ở chiến trường Việt Nam vào những giai đoạn khác nhau, nhưng  cùng một cảm nhận về sự vô lý của cuộc chiến. Lính công binh John Zutz  không trực tiếp cầm súng, nhưng ngồi sau vô lăng và chứng kiến cái chết của những đồng đội, ông vẫn nhận ra: "Kẻ thù có thể đã bóp cò. Nhưng bạn tôi đã chết vì một hệ thống đặt nhiệm vụ chiến trận lên trên con người".

Họ phải bay từ Mỹ tới Bangkok, và xin visa vào Việt Nam tại đây. Trong hành lý của John Lindquist hôm đó có một thỉnh nguyện thư. Nó được ký bởi 600 cựu binh Mỹ, thể hiện mong muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

"Sáu người chúng tôi không có ý niệm gì trước khi đi chuyến đó, ngoài niềm hy vọng rằng cuối cùng các chính trị gia ở Washington sẽ tỉnh ra và bình thường hóa quan hệ", Annie Luginbill và Joel Greenberg trả lời VnExpress ngày 30/4/2020. Khi được hỏi về lý do họ thực hiện chuyến đi đó, cũng như toàn bộ hành trình đòi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, các thành viên của VVAW chỉ khẳng định một lý do đơn giản: "Chúng tôi nghĩ rằng đó là một cuộc chiến sai trái. Bình thường hóa là điều tốt nhất với hai nước".

Từ trên máy bay, họ đã nhìn thấy những hố bom còn chưa lấp hết. Dưới mặt đất, họ thấy một đất nước đang cố gắng chuyển mình. Quảng Trị gần như không còn vết dấu của những ngày mini-Tết mà John chứng kiến. "Tôi đứng ở Cửa Việt, nơi công sự của mình bị phá hủy. Dấu vết còn lại của Thủy quân lục chiến chỉ là một cái dốc xi măng và những đứa con lai Mỹ", John viết.

Tại Đông Hà, nơi từng là một ngôi làng nhỏ, với một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, giờ chỉ còn thấy một thị trấn sôi nổi. Tại Đà Nẵng, họ nghỉ ở một khách sạn mới 2 năm tuổi, được xây trên chính căn cứ của Tiểu đoàn tấn công lưỡng cư thứ 3, Thủy quân lục chiến.

Nhưng những gánh nặng của 2 cuộc chiến tranh Đông Dương vẫn đè lên đất nước này. Tại các bệnh viện Bạch Mai và Từ Dũ, những người lính Mỹ nhìn thấy một điều kiện y tế tồi tàn. "Chúng tôi nhìn thấy những ‘cây’ găng tay phẫu thuật được phơi trong hành lang. Chúng được giặt và sẵn sàng để tái sử dụng. Chúng không được khử trùng. Giặt găng là điều tốt nhất họ có thể làm", Anne Luginbill ghi chép.

Sáu người bị quá tải bởi lòng hiếu khách. Họ đặt biệt danh cho tướng Huỳnh Đắc Hương là "General Dad" (Bố tướng), vì ông không ngừng gắp thức ăn cho họ - những kẻ thù cũ. "Việt Nam rắp tâm đút cho chúng ta ăn đến chết", Annie nói với chồng.

John Lindquist trao thỉnh nguyện thư với 600 chữ ký cho Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 1991. Ảnh: VVAW.

T-5230-1564095978.png

rận chiến thực sự của John Lindquist và các đồng đội diễn ra sau ngày 30/4/1975. Chiến tranh kết thúc, nhưng công lý vẫn chưa đến với cả những cựu binh Mỹ và người dân Việt Nam. Những chính trị gia và ông tướng Mỹ vẫn lẩn tránh trách nhiệm. Có người sẵn sàng khẳng định rằng chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến thắng lợi. Họ nói nước Mỹ có thể thua trên chiến trường cụ thể là Việt Nam, nhưng giành được những lợi thế chính trị to lớn trước phe cộng sản ở cả vùng Đông Nam Á.

VVAW cần mẫn phản biện những quan điểm sai trái trên tập san nội bộ của mình. Họ cần mẫn đi biểu tình, đòi quyền lợi cho cựu binh Mỹ, tìm cách trợ giúp những người bị chấn thương tâm lý từ chiến trường trở về. Sau này, có sử gia còn khẳng định VVAW "bị chiếm giữ bởi những kẻ cộng sản".

Không phải ai cũng nhìn nhận cuộc chiến là sai. Robert McNamara cho đến tận những năm cuối đời mới phát ngôn vài câu mà phải tự luận, độc giả mới hiểu cựu Bộ trưởng Quốc phòng đang tỏ ra ân hận.

John Lindquist, Joel Greenberg, John Zutz và nhiều cựu binh khác đã xây dựng một tổ chức mà báo chí Mỹ gọi là "tí hon", duy trì nó suốt gần 50 năm. Năm 2020, nếu liên lạc với văn phòng VVAW, bạn vẫn thấy túc trực đầu dây bên kia là Jeff Machota, một cựu binh đã ở tuổi thất thập.

Họ không chỉ đấu tranh cho Việt Nam. Họ biểu tình chống các cuộc chiến của Washington ở Mỹ Latinh; họ tổ chức những cuộc biểu tình thuộc hàng lớn nhất đất nước để phản đối Chiến tranh Vùng vịnh.

Annie và Joel cùng "Em bé Napalm" Kim Phúc.             Ảnh: VVAW.

"Chúng tôi tin vào câu nói cũ kỹ, nhàm chán và mệt mỏi: Chiến tranh không phải câu trả lời", Annie nói ở tuổi ngoài 70, khi được hỏi về những cuộc chiến mà Mỹ đang tham gia trên toàn cầu.

Năm 1991, trước khi rời Việt Nam, sáu người bàn nhau về việc "tip" cho người dẫn tour tên Trần Trọng Giáp. Cuối cùng, họ không đưa tiền mặt. Sáu người Mỹ và một người Việt Nam cùng soạn một hợp đồng rồi ký. Họ lập một doanh nghiệp liên doanh Mỹ-Việt, trong đó 6 thành viên của VVAW là cổ đông.

Hợp đồng đó không hợp pháp. Tháng 12 năm 1991, Mỹ vẫn đang cấm vận Việt Nam. Đó chỉ là một hành động có tính phản kháng. "Chúng tôi đã đầu tư vào Giáp. Đây là việc thực hành chủ nghĩa tư bản ở cấp độ cao nhất", John Lindquist kể lại, "Chúng tôi đã kết thúc chuyến thăm ấy bằng việc phá bỏ lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ".

Sau gần 50 năm, các nhà hoạt động của VVAW hài lòng với những gì họ đã làm được. "Chúng tôi giờ chỉ là những ông bà già, đã sống một cuộc đời trọn vẹn và đang tận hưởng tuổi hưu giữa dịch Covid-19 thôi", Annie và Joel nói với VnExpress.

Đức Hoàng

*Bài viết sử dụng các ghi chép thực địa và tư liệu của VVAW từ 1986-1997