Thứ hai, 5/11/2018, 08:09 (GMT+7)

'Món nợ' 13 năm trả chưa hết của nhiếp ảnh gia Mỹ sống tại Việt Nam

Gần 13 năm sinh sống tại Việt Nam, Justin Mott gây dựng được sự nghiệp và luôn cảm thấy mình mắc nợ mảnh đất hình chữ S.

Justin Mott là nhiếp ảnh gia Mỹ, hoạt động chuyên nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực ảnh thương mại. Anh đồng thời cũng là nhiếp ảnh gia du lịch, giám khảo chương trình Photo Face-Off - chương trình truyền hình về nhiếp ảnh phát trên kênh History do hãng Canon tổ chức 4 mùa liên tiếp.

Những bức ảnh của Justin đã được xuất bản trên tạp chí National Geographic và trang web của Hasselblad – thương hiệu máy ảnh dạng medium format đến từ Thuỵ Điển. Anh đang thực hiện một dự án cá nhân có tên gọi “As above So below” với mục đích giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam đến với quốc tế, cũng là cách để Justin “trả nợ” đất nước đã thay đổi anh mãi mãi.

Bức ảnh phơi hạt tiêu tại Kiên Giang đăng tải trên tạp chí National Geographic. Ảnh: Justin Mott.

Những con đường dẫn đến Việt Nam

Nhiếp ảnh gia Justin Mott.

Niềm đam mê du lịch của Justin gắn liền với tình yêu nhiếp ảnh. Theo anh, mọi chuyện bắt đầu từ một khoá nhiếp ảnh thời đại học khi anh chuyển từ tiểu bang Rhode Island của Mỹ đến San Francisco. “Chúng tôi phải khám phá thành phố bằng máy ảnh để tìm chủ đề cho bài tập của mình. Bằng việc chụp ảnh, tôi có cơ hội giao lưu và hiểu biết nhiều hơn về thế giới nói chung bởi nhiều người ở San Francisco đến từ các nền văn hoá khác nhau”.

Từ lúc ấy anh đã xác định sự nghiệp của mình sẽ là nhiếp ảnh và những chuyến đi. "Việc này giúp tôi vừa có cơ hội đi du lịch, vừa rèn luyện kỹ năng nhiếp ảnh nhiều hơn. Tôi luôn nghĩ rằng, du lịch giữ tâm hồn tôi trẻ mãi. Đặt chân tới những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới khiến tôi như một đứa trẻ luôn muốn tìm tòi, khám phá. Qua công việc của mình, tôi tìm thấy cái đẹp và cả những câu chuyện hấp dẫn”, anh nói.

Điểm đến đầu tiên của Justin ở Đông Nam Á là Campuchia. “Tôi thực sự bị ấn tượng khi tới đất nước này. Mọi thứ quá khác biệt so với Mỹ, từ kinh tế đến văn hoá, xã hội”. Qua những chuyến xe khách vượt qua biên giới Campuchia, Justin tiếp tục tới TP HCM và tham quan một loạt địa điểm du lịch của Việt Nam mà không biết rằng, cuộc đời anh đã sang một trang mới từ đây.

Duyên nợ của Justin với mảnh đất hình chữ S bắt nguồn từ phóng sự ảnh về Nụ, một nạn nhân chất độc da cam. Anh nhớ rằng mình đã khóc khi nhìn những bức ảnh về hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam trong cuốn sách của nhiếp ảnh gia Magnum Philip Jones Griffiths, và quyết định tìm hiểu câu chuyện này. 

Rất tình cờ, lúc đó Justin quen chị Thúy, một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội. Justin kể, dù mới gặp gỡ, chị Thúy đã giúp đỡ anh rất nhiều, từ mời đến nhà dùng bữa cùng gia đình đến gợi ý về nhân vật cho bài viết, tìm chỗ thuê nhà. “Tôi thực sự bị xúc động. Nếu không gặp chị Thúy, chưa chắc tôi đã quyết định ở lại Việt Nam”.

Đường phố ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010. Ảnh: Justin Mott.

Đặt chân tới Việt Nam năm 2006, Justin cho rằng mình sẽ không được chào đón bởi mang quốc tịch Mỹ, đất nước đã gây ra chiến tranh tại đây. Và tất nhiên, anh đã nhầm. “Mọi người không còn nhắc nhiều đến chiến tranh nữa, họ nói đó là quá khứ đã qua. Người Việt chào đón tất cả du khách quốc tế. Tôi không ngờ đất nước của các bạn mến khách như thế. Lúc đó tôi đã nghĩ: Wow! Điều này là thật sao? Bạn sẽ không có được trải nghiệm này ở Mỹ đâu. Họ thường rất cảnh giác khi gặp những người lạ ngoài phố. Hiếm khi nào có người mời bạn về nhà ngay khi vừa gặp gỡ. Nhưng đó lại là điều bình thường ở nước các bạn, nhất là ở vùng núi”, anh nhớ lại.

Một kỷ niệm khác khiến Justin phải lòng Việt Nam là chuyến đi Hà Giang chụp ảnh cùng các nhiếp ảnh gia trong nước. Cả nhóm lên lịch trình chỉ trong chớp mắt, ngay sau buổi chiều nói chuyện cùng nhau.

Trong suốt 13 năm, Việt Nam đã mang đến cho Justin cả sự nghiệp trong lĩnh vực nhiếp ảnh thương mại và một mái ấm. 

Dự án "trả nợ" Việt Nam: As above So below

Từ đó, trong đầu anh luôn thường trực cảm giác mắc nợ với nơi này. Nhiếp ảnh gia Mỹ cho rằng, dù sự nghiệp của anh đang phát triển tốt nhưng đều là chụp ảnh cho một ai đó, đồng nghĩa với việc những bức ảnh không hoàn toàn nói lên bản thân anh. 

As above So below
 
 

Justin Mott giới thiệu về dự án ảnh để tri ân Việt Nam của anh.

Justin giải thích: “Khi làm việc trong lĩnh vực thương mại, bạn luôn phải làm theo ý kiến khách hàng và suy nghĩ làm cách nào để họ bán được nhiều sản phẩm nhất. Đã có lúc tôi chụp những thứ na ná nhau, điều đó rất bó buộc. Khi đến ngưỡng tuổi 40, tôi thấy mình cần tạo nên thứ gì đó mang dấu ấn riêng, vừa để trả nợ bản thân, vừa trả nợ Việt Nam, nơi đã cho tôi cơ hội để có ngày hôm nay”.

Ý tưởng về một dự án cá nhân dần nhen nhóm trong Justin vào năm 2017 với cái tên “As above So below”. Với dự án này, anh chọn thể hiện cái đẹp của Việt Nam qua phong cảnh, văn hoá, con người ở những điểm du lịch nổi tiếng và cả những nơi ít người biết. Anh cũng không đặt ra giới hạn về thời gian hoàn thành dự án này, “vì đây là dự án cá nhân nên tôi sẽ làm mọi thứ thật chậm để nút chụp được nhấn xuống đúng vào khoảnh khắc tôi mong đợi nhất. Hiện tôi đã có ảnh ở Mộc Châu, Hà Giang, Phú Quốc và mọi thứ đang phản ánh đúng tâm hồn tôi”.

Justin chọn một cách thể hiện mới cho bộ ảnh là sử dụng ảnh đôi, một bức chụp từ trên cao và một bức chụp ở mặt đất, giống với tên gọi của dự án này. Theo anh, khi mọi người nhìn ảnh, họ chỉ tập trung và suy nghĩ về bức ảnh đó. Nhưng anh còn muốn thể hiện mối liên kết giữa 2 bức ảnh.

“Có lúc mọi thứ sẽ rõ ràng với chân dung con người và địa bàn sinh sống của họ, nhưng cũng có lúc mối liên kết là sự đồng điệu về màu sắc, hình khối giữa con người với thiên nhiên. Những thứ không rõ ràng sẽ kích thích tư duy", Justin chia sẻ. Gần một nửa trong bộ ảnh được anh chụp bằng drone, thứ anh không thường xuyên sử dụng trong nhiếp ảnh thương mại. 

Justin cho biết dự án này còn dành cho một người bạn Việt Nam của anh đã mất vì căn bệnh ung thư. "Anh ấy là người đầu tiên hướng dẫn tôi cách dùng drone để chụp ảnh 10 năm trước – loại hình tôi rất yêu thích bây giờ”, anh đã khóc khi nhắc đến chuyện này.

Justin cùng với hình xăm Việt Nam trên cánh tay mình.

Khi thực hiện bộ ảnh này, Justin chia sẻ rằng anh muốn “thể hiện mọi thứ theo cách tự nhiên, đi sâu vào lòng Việt Nam nhất”. Đây cũng là điểm đối lập giữa công việc và dự án riêng của anh. 

“Dĩ nhiên với ảnh chân dung tôi vẫn phải dàn dựng một chút để có được hướng chiếu sáng ưng ý. Nhưng dàn dựng ở đây không phải tôi thuê người, trang phục hay mang vác những chiếc đèn studio để thu về những thứ giả tạo nhằm thoả mãn vị khách nào đó. Con người trong bộ ảnh này thuộc về vùng đất tôi đến”.

Dự án của Justin chưa hoàn thành nhưng đã có được thành công ban đầu. Một trong số đó được chọn đăng trên tạp chí National Geographic kèm theo lời khen ngợi của biên tập viên David Y. Lee: “Các màu sắc, chi tiết và bố cục tạo nên một khung hình quyến rũ đầy thú vị” - ảnh phơi hạt tiêu tại Kiên Giang.

Bức ảnh chụp tại Hà Giang được chọn đăng trên trang web của hãng máy ảnh khổ trung Hasselblad. Ảnh: Justin Mott.

Justin tiết lộ anh sẽ không giữ bản quyền hình ảnh với dự án này. Tất cả ảnh sẽ được đăng tải với chất lượng gốc để mọi người tuỳ ý sử dụng cho cả mục đích cá nhân hay thương mại, như một cách anh tri ân với Việt Nam. 

“Tôi không biết mọi người sẽ nhìn nhận ra sao, họ có đón nhận nó không. Là một nhiếp ảnh gia, tôi cũng muốn mở triển lãm ảnh và xuất bản sách như nhiều người khác đã làm. Tôi dành nhiều tâm huyết vào dự án này, tôi cảm thấy những bức ảnh đẹp nhưng có thể mọi người sẽ nói không. Qua bộ ảnh của mình, tôi hy vọng người Việt sẽ thích chúng và sẵn sàng treo trong nhà của họ”, anh chia sẻ cảm giác lo lắng và hồi hộp khi thực hiện bộ ảnh.

Mơ ước trở thành Đại sứ Du lịch của Việt Nam

Là một người đã sống ở Việt Nam nhiều năm, Justin cho rằng vùng đất này hội tụ rất nhiều yếu tố, có núi non hùng vĩ, đường bờ biển đẹp, nền văn hoá lâu đời, nhiều thành phố phát triển nhanh. Hoạt động du lịch đã phát triển nhanh chóng sau hơn một thập kỷ anh có mặt tại đây. Người nước ngoài đã biết đến Việt Nam nhiều hơn, phần đông trong đó bao gồm cả bạn bè và gia đình anh đều thích đất nước này.

Anh cũng nhận thấy người Việt đã có sức ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được toàn thế giới biết đến. Những nghệ sĩ trước đây không có tiếng nói thì nay họ đang tự tin thể hiện mình trên sân chơi quốc tế. Dù vậy anh vẫn muốn mọi người thay đổi cách nhìn, có tham vọng đến tầm quốc tế thay vì chỉ hoạt động trong nước. 

Tuy nhiên đi kèm theo đó là những mặt tiêu cực. “Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn, khách du lịch rất đông. Bây giờ rất nhiều người biết đến phở, bún chả, nem cuốn. Điều này kéo theo sự quá tải tại các khu du lịch. Nhiều chỗ tôi từng thích đến nhưng nay đã không thể chen chân, dễ thấy nhất là lúc phố cổ Hội An lên đèn”, Justin nói.

Trong tương lai, nhiếp ảnh gia Mỹ mong muốn ở lại gắn bó với Việt Nam. “Tôi mơ ước được trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam ở Mỹ. Tôi muốn quảng bá hình ảnh đất nước của các bạn bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh để mọi người biết đến Việt Nam nhiều hơn”.

Anh tự tin khẳng định rằng mình không quan tâm nhiều đến các giải thưởng nhiếp ảnh. “Tôi muốn bản thân được biết đến là người Mỹ am hiểu nhất về Việt Nam từ trước đến nay”.

Quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong 9 nội dung sẽ được thảo luận trong Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF), dự kiến diễn ra tháng 12 tại Hà Nội.

Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. 

Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.

Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/

Kiều Dương