Có dịp ghé thăm Hải Phòng, Huế hay Sài Gòn những ngày mưa lạnh, bạn chớ nên bỏ lỡ các món nóng hấp dẫn dưới đây.
Bánh đa cua Hải Phòng
Bánh đa cua ở thành phố hoa phượng đỏ hấp dẫn thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên với màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau, màu nâu hồng của gạch cua, bánh đa dai thơm, nước cua vàng sánh, gạch cua béo ngậy… ăn kèm rau sống, hoa chuối mang đến vị đậm đà nhưng vẫn thanh mát.
Người Hải Phòng chuộng bánh đa cua nên bất kỳ lúc nào trong ngày, không kể sáng tối, hễ thèm hương vị đậm đà của bát bánh đa cua là lại tìm đến ăn. Bánh đa cua muốn ngon phải dùng chính bánh đa đặc sản của làng Dư Hàng Kênh - thứ bánh đa dù có ngâm lâu cũng không hề bị nát.
Giá trung bình cho một bát bánh đa cua đầy đặn khoảng 25.000 đến 30.000 đồng. Bạn có thể tìm ăn ở đường Minh Khai, Trần Phú, Cầu Đất...
Bún bò Huế
Được xem là đặc sản đất Huế, bún bò chinh phục được gu ẩm thực của nhiều người, từ trong nước cho đến nước ngoài.Nguyên liệu chính của món ăn này là bún, thịt bắp bò, giò heo với loại nước lèo có màu đỏ đặc trưng.
Bún bò thường được ăn kèm với rau sống gồm giá, rau quế, tía tô, húng, salad và bắp chuối hay rau muống xắt sợi. Nhiều người có thói quen cho nhiều ớt vào tô bún, vừa ăn vừa hít hà bởi vị cay xè.
Hủ tiếu Nam Vang Sài Gòn
Có nguồn gốc ở Campuchia, được người Hoa chế biến, rồi sau đó du nhập vào miền Nam nên món hủ tiếu này có sự thay đổi ít nhiều. Chỉ cần trụng sơ mì và hủ tiếu khô với nước dùng, bỏ ra tô, cho lên trên giá, hẹ, thịt bằm, trứng cút, tôm luộc... là chúng ta đã có một tô bún ngon lành, nóng hổi.
Điểm độc đáo của hủ tiếu chính là nước lèo. Nước lèo hủ tiếu có vị ngọt đậm đà, màu sắc trong trẻo. Ngoài ra, khi thưởng thức hủ tiếu bạn cần phải ăn kèm với tần ô, rau cần và hẹ, nếu thiếu các loại rau này xem như đó chưa phải là tô hủ tiếu hấp dẫn.
Lê Thương - Thảo Nghi