Các món ăn ở Trung Quốc thường được chế biến cầu kỳ với nhiều nguyên liệu kết hợp tạo nên hương vị truyền thống lôi cuốn, kèm với những mỹ danh khiến người ta tò mò.
Tôm say rượu
Món ăn được chế biến bằng cách lựa chọn những con tôm còn sống, sau khi loại bỏ phần chân và râu tôm sẽ được bỏ vào một bát rượu có nồng độ cao, ngâm ít nhất 15 phút để tôm “uống” rượu. Sau đó chúng sẽ được chế biến theo hai cách. Cách một là vớt tôm ra rồi chao qua dầu nóng trong khoảng 30 giây, đủ để vỏ tôm chuyển sang màu đỏ hồng. Cách hai là đốt lửa vào bát rượu ngâm tôm, sau khi lửa cháy làm bay hết rượu, tôm chín là có thể thưởng thức. Món tôm say rượu có hương vị thơm của rượu và gừng tươi. Tôm khá mềm và có vị ngon ngọt.
Mì ôm ấp người đẹp
Đây là đặc sản mà khi đến Hải Nam bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức. Nó được chế biến chủ yếu bởi sợi mì to cùng với thịt bò, các loại rau gia vị và đậu phộng. Tên món ăn bắt nguồn từ cảm nhận đầu tiên khi thực khách nhìn thấy nó.
Những sợi mì dài, trắng phau xinh đẹp tựa như các cô gái được đặt giữa bát canh. Các nguyên liệu hòa trộn xung quanh nó khiến thực khách liên tưởng như đang ôm người đẹp.
Bánh bao chó không thèm
Món này có tên tiếng Hán là "Cẩu Bất Lý", là một đặc sản của thành phố Thiên Tân. Từ Hy Thái Hậu từng khen món này "Cao lương mĩ vị chim trời cá biển đều không ngon bằng loại bánh bao này, đây mới đúng là món ăn trường thọ". Tương truyền rằng thuở xưa có một người tên Cao Quý Hữu, nhưng mẹ anh ta lại hay gọi bằng tên "Cẩu Tử". Người này làm bánh bao rất ngon, bánh có hình đẹp như bông hoa, đưa lên miệng cảm nhận được ngay sự mềm mại, lưỡi chạm vào nhân là thấy hương ngào ngạt thơm phức.
Vì bánh ngon nên hàng bánh của anh ta rất đông khách. Mỗi lẫn bán hàng Cẩu Tử bận làm bánh đến nỗi không có thời gian trả lời với khách. Khách thấy vậy cùng trêu : "Cẩu Tử mải bán bánh bao, chẳng thèm quan tâm đến khách hàng", rồi cứ thế gọi thành quán bánh bao ‘Cẩu Bất Lý’ (cẩu cũng không thèm).
Bún qua cầu
Là món ăn mang đậm nét văn hóa của vùng Vân Nam. Tương truyền thời nhà Thanh, ở ngoài thành Mông Tự phong cảnh ưu mỹ, có một hồ nhỏ ở giữa là hòn đảo xinh đẹp, thanh tịnh. Có một chàng tú tài thường đến hòn đảo này đọc sách, vợ chàng ngày ngày đều làm món bún chồng ưa thích nhất đem đến. Khi mang bún đến cho chồng người vợ phải đi qua một cây cầu nhỏ, chính từ đó mà cái tên món bún qua cầu mới hình thành để nhớ đến người vợ hiền kia.
Khi ăn món ăn này thực khách sẽ tự mình cho nguyên liệu vào bát canh vẫn được giữ nóng hổi bởi lớp mỡ trên mặt và chỉ sau chưa đầy một phút mọi thứ sẽ vừa chín tới. Khi ăn sẽ có hương vị thơm phức kích thích dạ dày của bạn.
Trứng luộc nước tiểu
Món ăn này sử dụng hàng nghìn năm nay và người Trung Quốc tin rằng nó có tác dụng chữa bệnh. Không chỉ có tên lạ, cách chế biến cũng hết sức độc đáo. Những quả trứng sẽ được luộc trong nước tiểu của những bé trai dưới 10 tuổi trong nhiều giờ đồng hồ. Khi ăn trứng sẽ có hương và vị mặn tự nhiên. Mặc dù nhiều người e ngại về vấn đề vệ sinh của món này, nhưng nó được coi là một nét ẩm thực của người dân Chiết Giang.
Lẩu phân bò
Món ăn này gần giống với món nậm pịa của Việt Nam, lẩu phân bò là một đặc sản của vùng Đài Châu. Nguyên liệu chính làm món này là phần thức ăn chưa được tiêu hóa hết ở dạ dày bò. Con bò trước khi được giết mổ sẽ được cho ăn các loại cỏ thơm và thảo mộc. Sau khi bò được mổ, người ta lấy phần thức ăn chưa được tiêu hóa hết và vắt ra một chất dịch sệt. Chất dịch này sẽ được dùng để nấu lẩu kèm với thịt, mật bò và một số vị thuốc bắc. Mặc dù hơi khó nuốt nhưng đây là món ăn được đưa vào top trong thực đơn của một số nhà hàng Trung Quốc.
Gà không lối thoát
Cái tên của món ăn xuất phát từ cách chế biến. Gà được làm sạch, sau đó được bọc kín bởi xôi, rồi đem chiên hoặc nướng. Món gà không lối thoát ngon nhất là ăn khi còn nóng, có thể dùng tay bẻ từng miếng xôi, nhón từng miếng gà mà ăn. Lớp xôi vàng ươm, giòn tan, còn con gà thì bốc khói nghi ngút, tỏa hương thơm lừng khó cưỡng. Thịt gà thơm ngậy, béo và ngọt rất tự nhiên.
Xem thêm: 10 món ăn Trung Quốc được lòng người dân nhất
Linh Nhi